Theo đó, margin toàn thị trường đã tăng 24,4 nghìn tỷ đồng (+20,5%) so với cuối quý 1/2023 và +0,9% so với cùng kỳ năm 2022. So với thời điểm dư nợ margin đạt đỉnh, dư nợ cuối tháng 6/2023 thấp hơn khoảng 41.000 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ cho vay margin tăng 28,4 nghìn tỷ đồng trong khi năm 2022, các các công ty chứng khoán đã cắt gần 60,8 nghìn tỷ đồng cho vay margin tương đương khoảng 70% lượng margin được cấp mới trong năm 2021.

Diễn biến về dư nợ cho vay margin trong quý 2/2023 xuất phát từ tâm lý giao dịch tích cực hơn của nhà đầu tư cá nhân khi các yếu tố tiêu cực đã diễn ra và được phản ánh vào các nhịp điều chỉnh của thị trường trong giai đoạn trước đó. Trên thực tế, nhà đầu tư cá nhân là bên mua ròng gần 9,5 nghìn tỷ đồng trong quý 2 này sau khi bán ròng với giá trị tương đương trong quý 1 trước đó.

Dư nợ cho vay margin tăng giúp cải thiện thanh khoản. Với dư nợ cho vay margin tăng 20,5% so với quý trước, giá trị giao dịch bình quân phiên trên HOSE và HNX (chỉ tính khớp lệnh) trong Q2/2023 tăng mạnh 43%, chủ yếu tăng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa VNMID tăng 64,5% và vốn hóa nhỏ VNSML tăng 53%.

Tỷ lệ đòn bẩy tăng nhưng không hàm ý rủi ro gia tăng. Theo FiinTrade, tỷ lệ đòn bẩy tại thời điểm cuối tháng 6/2023 ở mức 7,4%, mức cao nhất trong 3 quý gần đây và cao hơn đáng kể so với tỷ lệ đòn bẩy tại thời điểm dư nợ cho vay margin đạt đỉnh (6,8%), nhưng không thực sự hàm ý rủi ro gia tăng. Tỷ lệ đòn bẩy là hệ số giữa Dư nợ margin và Tổng giá trị vốn hóa tính theo free-float của các cổ phiếu niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX.

Thực tế giá trị giao dịch tăng và nhà đầu tư cá nhân mua ròng cho thấy lượng margin tăng lên được “bơm” vào thị trường, thay vì bị rút ra ngoài như một số giai đoạn nóng trước đây.

Sau quý 2/2023 vừa qua, thị trường đã ghi nhận thêm 2 công ty chứng khoán có dư nợ cho vay trên 10.000 tỷ là VPS và TCBS bên cạnh Mirae Asset và SSI. Dù vậy, số lượng này vẫn ít hơn so với thời điểm đỉnh cao khi dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán lập kỷ lục 200.000 tỷ vào cuối quý 1 năm ngoái. Thời điểm đó, thị trường có đến 6 công ty chứng khoán có dư nợ trên vạn tỷ.

Đa phần các công ty chứng khoán đều ghi nhận dư nợ cho vay vào cuối quý 2 tăng so với thời điểm 31/3. 10 công ty chứng khoán có dư nợ cho vay lớn nhất thị trường đều đã mở rộng quy mô hoạt động này trong quý vừa qua. So với thời điểm cuối quý 1, toàn thị trường có 9 công ty chứng khoán ghi nhận dư nợ cho vay tăng trên nghìn tỷ trong đó 2/3 số này nằm trong top 10.

VPS là cái tên có dư nợ cho vay tăng mạnh nhất, hơn 3.300 tỷ đồng, đạt gần 10.800 tỷ - mức cao nhất kể từ khi hoạt động. 2 công ty dẫn đầu là Mirae Asset và SSI cũng đều có dư nợ cho vay tăng mạnh lần lượt 2.900 tỷ và 2.300 tỷ đồng so với cuối quý 1. Trong top đầu còn có HSC, KIS và MBS cũng đẩy mạnh hoạt động cho vay trong quý 2.

Ngoài ra, tỷ lệ margin phổ biến ở mức 30%-50%, mức được coi là không quá rủi ro trước đó có lúc ở mức 3:7 giai đoạn cuối 2021, trong khi dư địa cho vay margin còn khá lớn và không xuất hiện tình trạng "căng" margin trên diện rộng ở các công ty chứng khoán.

Số dư tiền gửi của nhà đầu tư trên tài khoản ở các công ty chứng khoán tăng 8,2 nghìn tỷ đồng tương ứng tăng 14% so với cuối quý 1/2023 và thấp hơn 30% khoảng 31 nghìn tỷ đồng so với mức đỉnh thiết lập vào quý 4/2021. Số dư tiền gửi này không bao gồm số dư tiền của nhà đầu tư nước ngoài.

Dư nợ margin tăng vọt trong quý 2/2023. Ảnh minh họa
Dư nợ margin tăng vọt trong quý 2/2023. Ảnh minh họa

Cú huých được đánh giá có tác động lớn đến dư nợ margin và thanh khoản thị trường là xu hướng giảm của lãi suất thời gian qua. Từ trung tuần tháng 3, Ngân hàng Nhà nước (SBV) đã có 3 đợt giảm lãi suất điều hành liên riếp. Sau điều chỉnh của NHNN, lãi suất huy động và cho vay tại các ngân hàng thương mại cũng “rục rịch” giảm.

Lãi suất huy động giảm đã giúp thị trường chứng khoán dần trở nên hấp dẫn hơn so với thời điểm đầu năm 2023. Lãi suất giảm kỳ vọng sẽ dần có tác động tích cực tới thu nhập thị trường trong thời gian tới cũng như giảm chi phí cơ hội khi đầu tư chứng khoán. Theo nhiều đơn vị phân tích, một phần tiền gửi ngân hàng đã chuyển dịch sang kênh cổ phiếu dù con số có thể không quá lớn.

Trong khi đó, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giảm đã góp phần giảm chi phí vốn, giúp các công ty chứng khoán có thêm dư địa để giảm lãi suất margin. Nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra các gói ưu đãi lãi suất nhằm kích thích nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư. Lãi suất giảm là một yếu tố quan trọng thúc đẩy nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong việc sử dụng margin.

Theo SGI Capital, nhờ VND ổn định và lạm phát hạ trong nửa năm qua, SBV đã có dư địa để hạ mạnh lãi suất và tăng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Các lãi suất chủ chốt gồm lãi tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ và lãi suất liên ngân hàng đều giảm mạnh về mặt bằng cuối quý 2/2022. Quỹ đầu tư này cho rằng, nếu VND không mất giá trên 3% so với đầu năm, SBV sẽ tiếp tục ưu tiên hạ lãi suất.

Trong khi đó, Dragon Capital đánh giá Việt Nam vẫn có thể duy trì mở rộng chính sách tiền tệ như một “liều thuốc bổ” ngắn hạn để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, sẽ khó có thể cải thiện tăng trưởng trong nửa sau 2023 nếu thiếu sự đồng hành của chính sách tài khóa, đặc biệt là đầu tư công.

Tương tự, Pyn Elite Fund cũng cho rằng hành động của Chính phủ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong năm nay. Các quyết định của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Các biện pháp đang có tác động tích cực đến xu hướng và sức mạnh của thị trường chứng khoán và có thể tiếp tục trong những tháng tới.