CTCK Sài Gòn - Hà Nội - SHS)

Vậy là sau 4 tuần liên tiếp giao dịch giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1.470-1.520 điểm, thị trường đã đánh ngưỡng 1.470 điểm sau tuần qua. Điều này có thể lý giải một phần do nhà đầu tư lo ngại những diễn biến khó lường trong hai ngày nghỉ cuối tuần cũng như nỗi lo lạm phát ở Việt Nam có thể tăng mạnh sau khi giá xăng dầu liên tiếp lập đỉnh mới.

Trước mắt của thị trường sẽ là vùng hỗ trợ trong khoảng 1.425-1.450 điểm (đáy tháng 1/2022) có thể sẽ được test lại trong thời gian tới nếu như tâm lý trên thị trường không có sự cải thiện.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng của thị trường trong dài hạn khi mà nền kinh tế vĩ mô của chúng ta vẫn đang có được sự ổn định tốt nếu so với các quốc gia khác trên thế giới và lạm phát có thể tăng cao trong quý I do giá xăng dầu nhưng nếu tính chung trong cả năm thì vẫn có khả năng đạt được mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra trước đó.

SHS dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo 14/3-18/3, VN-Index có thể sẽ điều chỉnh về vùng hỗ trợ tiếp theo 1.425-1.450 điểm nếu như không sớm lấy lại được ngưỡng 1.470 điểm.

Các nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ danh mục đã mua trước đó và cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm.

Dự báo thị trường chứng khoán tuần tới 14/3-18/3: VN-Index có thể sẽ điều chỉnh về vùng đáy

CTCK MB - MBS)

Việc để mất trụ khiến áp lực bán trên toàn thị trường lan rộng, chỉ số VN-Index có khả năng sẽ kiểm tra lại mức đáy tháng 1 khi chỉ số VN30 đã để mất các ngưỡng hỗ trợ quan trọng như MA50, MA100 và MA200.

Bối cảnh chứng khoán thế giới đang ổn định trở lại và nhà đầu tư đang chờ đợi phiên họp chính sách tiền tệ từ Fed vào giữa tuần sau, do vậy tâm lý thận trọng sẽ lên cao, đặc biệt tuần sau hợp đồng tương lai tháng gần nhất cũng đáo hạn.

Các yếu tố hỗ trợ cho xu hướng tăng từ thị trường hàng hóa cơ bản vẫn chưa có nhiều thay đổi, nhà đầu tư có thể quay lại đối với nhóm cổ phiếu này sau nhịp chốt lời 2 phiên vừa qua.

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Sau những nỗ lực hồi phục bất thành đầu phiên, VN-Index trải qua một nhịp lao dốc trong phiên trước khi hồi phục một phần vào cuối phiên.

Tín hiệu gia tăng của thanh khoản tại các nhịp sụt giảm phá đáy trong phiên cho thấy xu hướng giảm điểm vẫn đang có phần lấn át và trạng thái thị trường đang trở nên tiêu cực hơn.

Mặc dù vậy, chỉ số đang dần lùi về điểm đỡ quan trọng tại quanh 1.45x, mốc then chốt quyết định đến khả năng rơi vào nhịp điều chỉnh cấp trung, nên có thể kỳ vọng vào kịch bản sẽ xuất hiện một nhịp hồi phục tại đây.

(CTCK Tân Việt - TVSI)

VN-Index giảm điểm với mẫu nến Bearish Enguffling đóng cửa ở mức thấp và tạm mất hỗ trợ tại vùng 1.470 điểm, đi kèm khối lượng gia tăng mạnh cho tín hiệu tiêu cực. Việc các phiên gần đây khi giảm điểm đi kèm khối lượng lớn là một tín hiệu xấu, cho thấy áp lực bán đang mạnh dần trở lại.

Về khung đồ thị tuần, chỉ số kết tuần với mẫu nến giảm dạng Bearish Enguffling và chấm dứt 4 tuần đi ngang, thủng hỗ trợ MA(20) tuần cho thấy đà tăng trung hạn đã phần nào bị ảnh hưởng, nhất là khi kênh tăng giá trung hạn từ tháng 11 đến hiện tại cũng đã tạm thời bị xuyên thủng. Nhìn chung, xu hướng giai đoạn vừa qua của chỉ số vẫn là đi ngang và vùng biên độ dao động đang lớn dần trở lại. Hỗ trợ mạnh của chỉ số kế tiếp là đỉnh tháng 7 năm ngoái tại quanh 1.425 điểm.

TVSI đánh giá rằng VN-Index tạm thời mất xu hướng tăng trong trung hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index dự báo sẽ có nhịp kiểm tra lại đỉnh tháng 7 năm ngoái tại vùng quanh 1.425 điểm.

(CTCK Vietcombank - VCBS)

Trong bối cảnh nhiều chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới bắt đầu cho thấy những tín hiệu hồi phục đầu tiên thì tâm lý giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn chưa có sự cải thiện nào đáng kể. Thanh khoản từng phiên và cả tuần đều sụt giảm cho thấy dòng tiền vẫn đang lựa chọn đứng ngoài quan sát.

VCBS khuyến nghị, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh giảm để giải ngân với tỷ trọng nhỏ nhằm tích lũy dần những mã cổ phiếu mục tiêu đang được giao dịch ở các vùng giá chiết khấu cho danh mục trung – dài hạn trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cũng cần chú trọng quản trị rủi ro một cách chặt chẽ và tránh lạm dụng đòn bẩy trong những thời điểm thị trường xuất hiện biến động mạnh.

Ngoài ra Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo, VN-Index có thể sẽ biến động trong vùng 1.440 – 1.512 điểm trong nửa đầu tháng 3 và tăng dần về đỉnh cũ 1.535 điểm về cuối tháng.

Trong báo cáo chiến lược tháng 3 công bố mới đây, CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định tình hình kinh tế trong tháng 2 cho thấy đà hồi phục kinh tế đang khả quan. Mặc dù vốn đăng ký FDI trong 2 tháng đầu năm suy giảm nhẹ nhưng triển vọng tốt trong những tháng tới.

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, rủi ro về giá nguyên vật liệu tăng do ảnh hưởng giá dầu và việc gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ tạo áp lực lên lạm phát trong những tháng tới.

Tuy nhiên, Yuanta cho rằng chính phủ sẽ có những biện pháp bình ổn giá xăng khi cần thiết cũng như điều tiết thị trường giúp giá cả ổn định và giữ tỷ lệ lạm phát dưới 4%.

Những động lực tăng trưởng trong thời gian tới thấy rõ hơn với nhu cầu tiêu dùng, dịch vụ du lịch, lữ hành tăng trưởng trở lại khi Việt Nam đang mở cửa bình thường trở lại với khách du lịch quốc tế.

Ngoài ra, chính phủ đang đẩy nhanh các dự án đầu tư công, theo kế hoạch tháng 4 hoặc tháng 5 sẽ bắt đầu triển khai gói đầu tư công thuộc Chương trình 350.000 tỷ, đây sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Yuanta cho rằng vấn đề địa chính trị Nga - Ukraine sẽ không ảnh hưởng quá lớn lên đà tăng trưởng kinh Việt Nam và vẫn cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2022 vẫn trong khoảng 6,39%.

Nhận định về thị trường chứng khoán, Yuanta cho rằng thị trường đã bị chiết khấu bởi sự kiện căng thẳng chính trị Nga và Ukraine, vì vậy việc Fed tăng lãi suất có thể sẽ không còn ảnh hưởng tiêu cực trong tháng 3.

Nhóm phân tích cho rằng thị trường tiếp tục đi ngang trong tháng 2 và dòng tiền phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt mức định giá của chỉ số VN-Index vẫn ở mức hấp dẫn 17.2x với ROE vẫn cao nhất trong khu vực cho thấy định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang hấp dẫn.

Thị trường chưa có nhóm cổ phiếu dẫn dắt cho nên dòng tiền vẫn đang suy yếu và xu hướng thị trường chưa rõ ràng. Tuy nhiên, Yuanta đánh giá dòng tiền chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường và chủ yếu luân chuyển tìm kiếm cơ hội ở từng nhóm cổ phiếu.

Chất xúc tác mạnh của thị trường là căng thẳng Nga - Ukraine hạ nhiệt và hiệu ứng kết quả kinh doanh quý I. Yuanta dự báo VN-Index có thể sẽ biến động trong vùng 1.440 – 1.512 điểm trong nửa đầu tháng 3 và tăng dần về đỉnh cũ 1.535 điểm trong nửa cuối tháng 3/2022.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.