Quy mô dự án lớn hơn nhiều so với phê duyệt?

Bên cạnh việc mập mờ giữa tính chất của dự án Khu đô thị sinh thái và dân cư Rạch Tràm, người dân cho biết quy mô của dự án này cũng là một dấu hỏi cần làm rõ.

Cụ thể, tại Quyết định số 633/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/5/2010, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 thì quy hoạch dự án Khu đô thị sinh thái và dân cư Rạch Tràm với quy mô 102 ha.

 Dự án có quy mô 173ha, chênh lệch hơn 61ha so với quyết định 633 của TTCP?
Dự án có quy mô 173ha, chênh lệch hơn 61ha so với quyết định 633 của TTCP?

Tuy nhiên, ngày 26/10/2015 UBND tỉnh Kiên Giang ra văn bản số 1290/UBND-KTTH chấp thuận địa điểm cho Công ty TNHH MTV Đầu tư Địa ốc Thành phố - đảo Phú Quốc đầu tư dự án tại Khu du lịch sinh thái Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc với quy mô khoảng 173ha.

Ngày 11/4/2018, Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc ra Quyết định số 81/QĐ-BQLKKTPQ phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm tại xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, quy mô: 1.735.295,67m2 (tương đương 173,5ha)

Như vậy, vì lý do nào đó mà quy mô của dự án do CityLand Phú Quốc làm chủ đầu tư đã có sự chênh lệch lên tới hơn 61ha so với phê duyệt của Thủ tướng Chính Phủ?

Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 21 Nghị định số: 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính phủ về Quản lý Đầu tư phát triển đô thị, Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận đầu tư sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng đối với Dự án có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên.

Người dân cho rằng, với quy mô dự án Khu đô thị sinh thái và dân cư Rạch Tràm trong Quyết định 633/QĐ-TTg của TTCP là 102 ha (UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận quy mô khoảng 173ha) thì dự án vẫn phải có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng.

Dự án Khu đô thị sinh thái và dân cư Rạch Tràm rộng lớn, với nhiều hạng mục nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ mục đích thương mại, dịch vụ
Dự án Khu đô thị sinh thái và dân cư Rạch Tràm rộng lớn, với nhiều hạng mục nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ mục đích thương mại, dịch vụ.

Bên cạnh đó, việc triển khai, thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái và dân cư Rạch Tràm cũng không được lấy ý kiến của các Bộ theo quy định tại Điều 13 Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2014 đối với dự án sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển phải lấy ý kiến các Bộ.

Như vậy, việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cho CityLand đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm tại xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang liệu có vi phạm quy định tại Quyết định số Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 của Thủ tướng chính phủ; vi phạm quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP và quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014?

"Đuổi hàng trăm người dân chúng tôi khỏi nơi ở để lấy đất thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm của CityLand, cuộc sống mưu sinh của người dân chúng tôi rẻ mạt đến thế sao?", một người dân hỏi trong uất ức.

Mục đích thực sự khi "thần tốc" thu hồi đất để thực hiện dự án là gì?

Năm 2015, Công ty TNHH MTV Đầu tư Địa ốc Thành phố (sau đây xin gọi là CityLand) được UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận địa điểm đầu tư dự án Khu du lich sinh thái Rạch Tràm tại xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc. Theo đó, mảnh đất này được phê duyệt quy hoạch là khu nghỉ dưỡng 4 - 5 sao, kết hợp tham quan rừng tràm, rừng ngập mặn theo Quyết định số 633/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án này lại được UBND đảo Phú Quốc (nay là UBND thành phố Phú Quốc) thu hồi đất của người dân với lý do: Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, ngược lại với kỳ vọng, từ thời điểm bắt đầu triển khai đến nay, dự án này luôn vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người dân đang sinh sống tại Rạch Tràm - những người trực tiếp chịu ảnh hưởng từ dự án.

Một trong những thắc mắc đầu tiên của người dân là về mục đích thực sự của dự án này có thực sự để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không? Bởi dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm từng được CityLand giới thiệu là Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, gồm: Khu dân cư diện tích 79,1 ha; khu du lịch nghỉ dưỡng diện tích 94,4 ha đẳng cấp 6 sao Fairmont - được quản lý và vận hành bởi tập đoàn AccorHotels, bãi tắm riêng, câu lạc bộ biển, quảng trường biển, khu thể thao dưới nuớc, hồ bơi ngoài trời, bến du thuyền, phố mua sắm - ẩm thực, khu trị liệu…

Hiện nay, dù chỉ còn sót lại ít thông tin (do CityLand đã gỡ bỏ), thế nhưng vẫn còn tồn tại một số bài viết có nội dung “CityLand cùng tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới AccorHotels triển khai thương hiệu khách sạn hạng sang Fairmont vào tổ hợp nghỉ dưỡng tại Phú Quốc”, được đăng tải từ cuối năm 2018 tại trang Facebook CityLand Group.

Những nội dung này, vốn từng được công khai cho thấy mục tiêu chính của CityLand với dự án Khu đô thị sinh thái và dân cư Rạch Tràm là để phát triển thương mại, dịch vụ. Vậy thì, tại sao UBND thành phố Phú Quốc lại đưa ra lý do thu hồi đất của người dân nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng? Đó là câu hỏi của người dân tại Rạch Tràm trong suốt nhiều năm qua nhưng chưa được các cơ quan chức năng trả lời.

 Dự án của CityLand tại Phú Quốc có thực vì lợi ích quốc gia, công cộng?
Dự án của CityLand tại Phú Quốc có thực vì lợi ích quốc gia, công cộng?

Với mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm sẽ được Nhà nước thu hồi đất theo Điều 62, Luật Đất đai năm 2013.

Điều 62, Luật Đất đai 2013 quy định về điều kiện để thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng rõ ràng cụ thể như sau:

"Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các trường hợp sau đây:

1. Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất;

2. Thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất, bao gồm:

a) Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị mới, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);

b) Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; công trình di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp quốc gia;

c) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia; công trình thu gom, xử lý chất thải;

3. Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm:

a) Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; công trình di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp địa phương;

b) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải;

c) Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;

d) Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;

đ) Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản".

Dự án Khu du lịch sinh thái Rạch Tràm của CityLand: Những khúc mắc cần được làm rõ
Người dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án của CityLand căng băng rôn phản đối.

Từ quy định trên, nhìn lại thực tế, Dự án Khu du lịch sinh thái Rạch Tràm được Công ty TNHH MTV Đầu tư Địa ốc Thành phố (Công ty CityLand) giới thiệu là khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp duy nhất tại Bãi Thơm với chiều dài bờ biển lên đến hơn 2,5km. Toạ lạc ngay khu Bắc đảo Phú Quốc, Dự án có khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 5, 6 sao Fairmont - được quản lý và vận hành bởi tập đoàn AccorHotels, bãi tắm riêng, câu lạc bộ biển, quảng trường biển, khu thể thao dưới nuớc, hồ bơi ngoài trời, bến du thuyền, phố mua sắm - ẩm thực, khu trị liệu, hàng trăm căn biệt thự hướng biển, nhà liền kề…

Nhu vậy, đối với trường hợp UBND thành phố Phú Quốc thu hồi đất của người dân để giao cho chủ đầu tư là Công ty CityLand làm dự án Khu sinh thái Rạch Tràm với mục đích để phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng theo Điều 62, Luật Đất đai năm 2013 có đúng với quy định của pháp luật hay không?

Hộ gia đình bà Trịnh Thị Đượm là một trong số những hộ dân đầu tiên bị cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án của CityLand. Bà Đượm bức xúc: "Ngày 05/7/2022, UBND thành phố Phú Quốc ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi đất của gia đình tôi, thời gian thực hiện cưỡng chế là từ ngày 05/7 đến ngày 31/12/2022.

Tuy nhiên, ngày 25/7/2022 UBND thành phố Phúc Quốc đã ra thông báo là đến ngày 28/7/2022 sẽ tiến hành cưỡng chế. Khi nhận được thông báo này, tôi và người dân xung quanh không khỏi bức xúc. Tôi đã vò nát tờ thông báo trong nước mắt vì uất ức."

Đúng như thông báo cưỡng chế, ngày 28/7, Ban cưỡng chế của UBND thành phố Phú Quốc đã huy động hàng trăm người bao gồm các lực lượng cưỡng chế, công an, dân quân… đến thực hiện việc cưỡng chế.

Không đồng ý với việc cưỡng chế, hàng chục người dân đã kéo đến khu đất bị cưỡng chế thu hồi của gia đình bà Đượm, cùng với đó là nhiều băng rôn, biểu ngữ phản đối việc cưỡng chế. Bởi vì theo họ, gia đình bà Đượm chỉ là sự bắt đầu, rồi đất đai, nhà cửa của những người còn lại cũng sẽ bị cưỡng chế thu hồi, để rồi được bồi thường với cái giá “rẻ mạt”.

Cưỡng chế thu hồi đất dù chưa bố trí tái định cư?

Một trong những vấn đề nổi cộm khiến người dân sinh sống tại Rạch Tràm bất bình, phản đối dự án là việc thời gian gần đây, người dân đã nhận được thông báo về việc cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái và dân cư Rạch Tràm. Trong khi đó, việc bố trí tái định cư cho người dân còn nhiều vướng mặc, chưa kể số tiền mà người dân được nhận đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng lại quá thấp, thậm chí không đủ để chi trả một mảnh đất tái định cư.

Trao đổi với một số người dân có đất bị thu hồi, phóng viên (PV) được biết: "Chúng tôi (người dân) không phản đối việc thực hiện dự án, luôn ủng hộ mọi chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên việc thành phố Phú Quốc thu hồi đất của chúng tôi để giao cho doanh nghiệp làm dự án đền bù với giá rẻ mạt là không đúng, chúng tôi không đồng ý"…

Ông Trần Văn Hích, sinh sống tại ấp 5 Rạch Tràm cho biết: "Nhà tôi 170m, được bồi thường 470 triệu, mà tôi định cư ở đây từ những năm 90. Tôi được 2 cái định cư là 150m. Đất nền thì lại có đến 2 giá, 1 cái 4,3 triệu/m và 1 cái là 4,7triệu/m. Dân nghèo bồi thường được 470 triệu thì tiền đâu mà đóng 2 cái nền này?

Tôi yêu cầu ban bồi thường xem xét lại. Tiền chúng tôi ở đâu mà cất nhà? Chúng tôi đâu có đấu tranh gì? Chúng tôi làm sao mà sống đây? Nếu chúng tôi lãnh tiền rồi thì không có quyền khiếu nại, vì như vậy là đồng ý rồi. Lần nào có thông báo chúng tôi cũng phản đối hết, nhưng chẳng bao giờ được xử lý."

Dự án Khu du lịch sinh thái Rạch Tràm của CityLand: Những khúc mắc cần được làm rõ
Người dân sinh sống tại nơi thực hiện dự án là những người chịu ảnh hưởng lớn nhất

Bà Lê Thị Xá, người có đất bị thu hồi cũng cho hay: "Chúng tôi, những gia đình nông dân chân lấm tay bùn, chịu nhiều thiệt thòi, rất đau đớn khi mất đi mảnh đất, khu vườn, buộc phải rời xa vĩnh viễn cái nơi đã gắn bó như máu thịt suốt hàng chục năm. Đã vậy, chúng tôi không được bồi thường mà chỉ nhận hỗ trợ số tiền ít ỏi, khiến cho cuộc sống khó càng thêm khổ.

Do đó, rất mong lãnh đạo UBND TP. Phú Quốc quan tâm đến các hộ gia đình bị mất đất, để người dân "dễ thở" khi di dời đến nơi ở mới, phải hơn hay chí ít cũng phải bằng chỗ ở cũ theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi mong muốn quyền lợi chính đáng của mình luôn được bảo vệ."

Hàng loạt câu hỏi của người dân nơi đây dường như chẳng có ai nghe, đơn thư khiếu nại, phản ánh của người dân đã gửi suốt nhiều năm trời cũng không được giải quyết. Một người dân bức xúc nói:

"Thủ tướng Chính phủ đã nói, việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư phải bảo đảm cuộc sống người dân phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Bây giờ chúng tôi thấy không bằng, thì làm sao chúng tôi chấp thuận? Chính quyền đảo Phú Quốc có nhớ lời của Thủ tướng không? Có đang bức ép chúng tôi vì lợi ích của doanh nghiệp?".

Người dân cho biết, trước kia, cuộc sống của họ tại đây vốn chẳng có gì khó khăn, thậm chí là dễ dàng. Thế nhưng, từ khi có dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm, cuộc sống mới trở nên bấp bênh, người dân không ai biết khi nào thì mảnh đất mình đang ở bị cưỡng chế thu hồi, và thu hồi xong thì họ sẽ đi đâu, về đâu trên đảo ngọc này?