Trước tình trạng đồng yên Nhật liên tục giảm giá, các quan chức của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nhấn mạnh phải điều chỉnh những chính sách tiền tệ hiện tại để bảo vệ nền kinh tế trước những rủi ro ngày càng gia tăng từ nước ngoài, theo Reuters.

Đồng yên Nhật liên tục giảm giá sâu
Đồng yên Nhật liên tục giảm giá. (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki cho biết, ông đang theo dõi tỷ giá thường xuyên và kỹ lương hơn. Trả lời truyền thông, ông Suzuki khẳng định chính phủ sẽ "có phản ứng thích hợp" trên thị trường ngoại hối, dựa trên các chính sách hiện tại.

Ông Seiji Adachi, thành viên hội đồng quản trị BOJ, cho biết, mặc dù nền kinh tế Nhật Bản đang đang đối mặt với nhiều rủi ro gia tăng do tăng trưởng toàn cầu chậm lại và thị trường tài chính biến động nhưng vẫn còn quá sớm để nghĩ đến việc điều chỉnh những chính sách tiền tệ hiện hành của BOJ.

Phản ứng với những biến động ngắn hạn của thị trường tiền tệ bằng việc thay đổi chính sách có thể gây ra những sự không chắc chắn và mâu thuẫn cho thị trường. Điều này sẽ gây hại nhiều hơn cho nền kinh tế, ông Adachi cho hay.

"Khi nhìn vào môi trường kinh tế và tài chính toàn cầu bên ngoài Nhật Bản, rủi ro giảm giá đang gia tăng nhanh chóng. Khi rủi ro này tăng cao, chúng ta nên thận trọng với việc chuyển hướng sang thắt chặt tiền tệ, đồng thời những biến động từ thị trường tài chính quốc tế có thể gia tăng nguy cơ đẩy Nhật Bản vào tình trạng giảm phát”, ông Adachi phân tích.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - Haruhiko Kuroda cũng đồng tình với ý kiến này. Cụ thể, ông cho rằng chính sách tiền tệ không trực tiếp tác động vào tỷ giá hối đoái và nền kinh tế "mỏng manh" của Nhật Bản vẫn cần sự hỗ trợ tài chính lớn để ổn định.

”Đồng yên giảm giá mạnh và một chiều như hiện tại là điều không mong muốn đối với nền kinh tế đất nước. Việc chính phủ can thiệp vào thị trường tiền tệ là điều cần thiết để giải quyết tình trạng đồng Yên bị giảm giá quá mạnh.”, ông Kuroda phát biểu trước Quốc hội.

Nhật Bản đang đứng trước tình trạng "tiến thoái lưỡng nan": Việc BOJ giữ tỷ giá cực thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế vốn đã giảm sút bởi dịch bệnh - động thái này đã góp phần tăng thêm nguy cơ đồng Yên không được chào đón như một kênh đầu tư, tích trữ và bị giảm giá mạnh trong thời gian qua. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt vẫn tăng lên, tạo áp lực lên cuộc sống người dân.

Ngày 19/10, biên độ tỷ giá USD/Yên là 1 USD đổi 149,415 yên Nhật - mức tỷ giá thấp nhất so với giá trị đồng Yên kể từ tháng 8/1990.

Trước đó, Chính phủ là chi 2,8 nghìn tỷ yên (19 tỷ USD) để can thiệp vào việc bán USD - mua Yên. Đây cũng là động thái đầu tiên để trợ giá đồng Yên Nhật kể từ năm 1998.

Thủ tướng Fumio Kishida cũng khẳng định những chính sách tiền tệ lỏng lẻo của BOJ hiện tại là một bước đi cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế. Ông cũng đã cam kết sẽ ban hành một chính sách hỗ trợ khác để đối phó với tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao.

Còn BOJ đang phải đối mặt với những thách thức mới trong việc duy trì kiểm soát đường cong lợi suất (YCC), theo đó họ phải đổ tiền nhiều hơn để giới hạn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức 0%. Theo đó, lợi tức trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm trong thời gian ngắn đã đạt 0,255% vào thứ Tư, mức tăng lần đầu tiên trên mức trần 0,25% của BOJ kể từ tháng Sáu.