Lợi nhuận ròng của Vinamilk (Đơn vị: tỷ đồng)
Lợi nhuận ròng của Vinamilk (Đơn vị: tỷ đồng)

Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất Quý II của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021, tính riêng Quý II doanh thu thuần đạt 15.716 tỷ đồng, tăng 19,2% so với Q1/2021 và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất công ty đạt được theo quý.

Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí vốn, lợi nhuận gộp quý 2 đạt 6.854 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước đó. Kết quả, trong Quý II, Vinamilk lãi trước thuế 3.494 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 7,2% xuống còn 2.862 tỷ đồng trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc chủ sở hữu của công ty đạt 2.835 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần Vinamilk đạt 28.906 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 5.411 tỷ đồng; lần lượt giảm 2,5% và 7,3% so với cùng kỳ năm trước. BCTC cho biết mức lãi trước thuế 6.648 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 5.459 tỷ đồng, giảm 6,9% so với nửa đầu năm 2020.

Trong đó, doanh thu bán hàng trong nước đạt 24.430 tỷ đồng, giảm 4%. Sự sụt giảm về lợi nhuận trong nước được giải thích là do mức tăng của giá nguyên vật liệu đầu vào. Đơn cử, trong tháng 6, giá đường khoảng từ 16.000-17.400 đồng/kg tùy loại, tăng từ 23-28% so với cuối năm 2020.

Một giải thích khác là trong khi chi phí bán hàng, chi phí quảng cáo giảm mạnh nhờ giảm được khoản chi phí khuyến mại, trưng bày giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ bán hàng,… thì chi phí vận chuyển và lượng hàng tồn kho lại tăng lên. Mức chi phí tăng vọt trong bối cảnh dịch bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của các doanh nghiệp sữa Việt nói chung và Vinamilk nói riêng.

Dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của Vinamilk.
Dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của Vinamilk.

Mặc dù, thị trường nội địa đang “chững lại” nhưng thị phần xuất khẩu của Vinamilk lại cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ. Doanh thu bán hàng ở các nước khác đạt 4.476 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận gộp từ mảng bán hàng nước ngoài đạt hơn 2.008 tỷ đồng, chiếm 15,6% tổng lợi nhuận gộp trong kỳ. Thị trường Trung Đông tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, bên cạnh các thị trường đang dần phục hồi về nhu cầu tiêu dùng như Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc.

Theo đó, Vinamilk cho biết, với các sản phẩm như sữa đặc, sữa chua ăn, sữa đậu nành… nhận được số lượng đơn đặt hàng lớn từ các thị trường lớn ở nước ngoài. Đối với các chi nhánh nước ngoài, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần đạt 859 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vinamilk là thương hiệu sữa được người tiêu dùng Việt chọn mua nhiều nhất.
Vinamilk là thương hiệu sữa được người tiêu dùng Việt chọn mua nhiều nhất.

Tóm lại, mặc dù doanh thu của Vinamilk đạt mức cao kỷ lục trong Quý II/2021 nhưng mức lợi nhuận lại có dấu hiệu suy giảm, ghi nhận ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Điều đó cho thấy, dịch bệnh tiếp tục kéo dài trong nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng hơn đến chuỗi cung ứng của thị trường sữa.

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, doanh thu nội địa của Vinamilk có thể phục hồi từ cuối Quý III khi chiến dịch tiêm vắc-xin toàn dân đang được triển khai rộng rãi và nhanh chóng. Ở thị phần xuất khẩu, ngoài thị trường hiện có, Vinamilk cũng tăng cường mở rộng khi thành lập liên doanh tại Philippines và xuất khẩu sữa hạt vào Trung Quốc. Trong tương lai khi thị trường sữa chững lại, doanh nghiệp sữa này có thể phát triển mảng kinh doanh bò thịt thông qua khoản đầu tư vào công ty con Vilico.

Như vậy, Vinamilk không chỉ duy trì được mức tăng trưởng dương cho đến cuối năm 2021, mà còn có thể giữ vững được vị thế dẫn đầu thị trường nội địa và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế.

Kết quả từ Báo cáo “Dấu chân thương hiệu” năm 2021 (Brand Footprint) được công bố bởi Kantar WorldPanel, cho thấy Vinamilk hiện vẫn đang là thương hiệu sữa được người tiêu dùng Việt Nam chọn mua nhiều nhất trong năm 2020, và cũng là thương hiệu được người tiêu dùng Việt Nam chọn mua nhiều nhất trong ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG năm thứ 4 liên tiếp.