Cuối tháng 4, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng nào lãi suất cao nhất?

Xét về mức lãi suất huy động cao nhất tại mỗi ngân hàng, Techcombank đang dẫn đầu với 7,8%/năm. Tuy nhiên, để áp dụng mức lãi suất này, khách hàng phải gửi từ 999 tỷ đồng trở lên và sử dụng thêm sản phẩm bảo hiểm tại Techcombank.

Tiếp sau đó là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với 7,6%/năm, NamABank 7,4%/năm. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), MSB hay VietCapitalBank cũng có mức lãi suất cao nhất từ 7-7,1%/năm...

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa thực hiện nâng lãi suất tại một số kỳ hạn có thay đổi mới trong biểu lãi suất áp dụng từ ngày 15/4.

Theo đó, mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng VPBank được ghi nhận là 6,9%/năm cho kỳ hạn 36 tháng với những khoản tiết kiệm từ 50 tỷ đồng trở lên, tương đương tăng 0,2 điểm % so với biểu lãi suất cũ.

Cũng tại kỳ hạn này với số tiền từ 10 tỷ đến dưới 50 tỷ, lãi suất tăng mạnh 0,6 điểm % từ 6,1% lên 6,7%/năm. Đối với mức tiền gửi dưới 300 triệu đồng, lãi suất tăng 0,5 điểm % lên 6,1%/năm. Tương tự với kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tiết kiệm online của ngân hàng cũng tăng 0,4-0,5%/năm lên 6-6,8%/năm.

Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, VPBank cũng tăng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn dài. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 36 tháng tăng thêm 0,6-0,8%/năm lên thành 5,9%-6,7%/năm, tùy vào số tiền gửi. Với kỳ hạn 24 tháng, lãi suất huy động cũng tăng 0,5-0,7%/năm lên thành 5,8-6,6%/năm.

Cuối tháng 4, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng nào lãi suất cao nhất? - Ảnh 1.

Techcombank đang dẫn đầu về mức lãi suất huy động với 7,8%/năm.

Hình thức gửi tiết kiệm online có lãi suất cao hơn hình thức gửi truyền thống tại nhiều kỳ hạn.

Đối với kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tiết kiệm online của VPBank cũng được áp dụng mức mới là 6-6,8%/năm, tăng 0,4-0,5%/năm so với hồi đầu tháng. Lãi suất kỳ hạn 11 tháng, 12 tháng, 6 tháng vẫn giữ như trước.

Đặc biệt, nhóm khách hàng ưu tiên của VPBank khi gửi tiền từ 100 triệu đồng trở lên còn được cộng thêm lãi suất 0,1%/năm. Như vậy, lãi suất cao nhất tại VPBank có thể lên đến 7%/năm.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng công bố chương trình cộng thêm đến 0,8% lãi suất khi gửi online so với mức lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy.

Theo đó, với giao dịch gửi tiết kiệm online tối thiểu từ 1 triệu đồng tại ngân hàng này, khách hàng sẽ nhận ngay lãi suất 7%/năm với kỳ hạn 15 tháng và 6,8% với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Đây là mức lãi suất thuộc nhóm cao nhất trên thị trường hiện nay.

Hay tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), lãi suất cũng đã tăng 0,2%/năm tại kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng lên lần lượt 2,9% và 3%/năm; lãi suất kỳ hạn 36 tháng cũng tăng từ 6,4%/năm lên 6,6%/năm.

Lãi suất huy động tiền gửi online tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng đã có thay đổi trong tháng 4/2022 khi tăng từ 5,6%/năm lên 6,2%/năm tại kỳ hạn 6 tháng; từ 5,9%/năm lên 6,4%/năm tại kỳ hạn 9 tháng; và tăng từ 6,3%/năm lên 6,5%/năm tại kỳ hạn 12 tháng.

Ngoài OCB còn có Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank). Lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 1 tháng 1 tăng từ 3,1%/năm lên 3,8%/năm; kỳ hạn 3 tháng tăng từ 3,2%/năm lên 3,9%/năm; kỳ hạn 6 và 9 tháng tăng từ 5,4%/năm lên 5,6%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng từ 5,7%/năm lên 5,95%/năm.

Cuối tháng 4, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng nào lãi suất cao nhất? - Ảnh 2.

Khách hàng giao dịch tại OCB. Ảnh: OCB

Theo báo cáo vĩ mô mới đây, Chứng khoán VNDirect cho rằng lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp lịch sử trong năm 2022 do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc, áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong năm nay và sự cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán.

Công ty chứng khoán kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 0,3 – 0,5 điểm % vào năm 2022. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 5,9- 6,1%/năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.