Trong báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết sẽ đề xuất một số nội dung cần sửa đổi trong việc thành lập trung tâm đăng kiểm (TTĐK); công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ hoạt động kiểm định; kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới...

Nổi bật trong các đề xuất mới từ Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc đang nghiên cứu, xây dựng phương án để cho phép các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ôtô cấp 3S, 4S của các nhà sản xuất ôtô chính hãng được thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới.

Thông tin này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Một số ý kiến lo lắng, nếu đề xuất này được áp dụng sẽ khiến hãng xe làm khó tài xế, ép họ phải sử dụng phụ tùng chính hãng thay vì phụ tùng của bên thứ ba.

Trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định: "Cục chưa đề xuất và chưa có dự thảo phương án nào để cho phép các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ôtô cấp 3S, 4S của các nhà sản xuất ôtô chính hãng được thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới".

"Thông tin này là chưa chính xác, hiện các phòng ban chuyên môn của Cục Đăng kiểm đang nghiên cứu mô hình, kinh nghiệm của các nước và tổng hợp đưa ra ý kiến như thế thôi", lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho hay.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm khẳng định: "Cục chưa chính thức đề xuất phương án này. Đây chỉ là tổng hợp lại mô hình, kinh nghiệm đăng kiểm của các nước để báo cáo Bộ".

Bên cạnh đó, một số cơ chế mới sẽ được Cục Đăng kiểm nghiên cứu áp dụng như miễn kiểm định lần đầu với xe mới; tăng cường vai trò thanh, kiểm tra, xử phạt của lực lượng thanh tra, CSGT trong hoạt động kiểm định; tăng cường phân cấp quản lý cho các cơ quan địa phương...

Dư luận xôn xao về thông tin để nhà sản xuất ôtô kiểm định phương tiện. Ảnh minh họa
Dư luận xôn xao về thông tin để nhà sản xuất ôtô kiểm định phương tiện. Ảnh minh họa

Trước đó, cuối 2022, Cục Đăng kiểm được Bộ GTVT giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung các thông tư trong lĩnh vực kiểm định và trình Bộ trong tháng 5/2023.

Tuy nhiên, do những bất cập được phát hiện trong lĩnh vực, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Đăng kiểm tập trung biên soạn dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, trình gấp lên Bộ GTVT trong tháng 2.

Thông tư 16/2021 quy định chi tiết về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với ôtô. Đây là hành lang pháp lý cần phải điều chỉnh nếu Cục Đăng kiểm muốn triển khai những cơ chế mới như việc miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật lần đầu với ôtô xuất xưởng.

Sau gần 2 tháng từ khi bùng phát bê bối trong lĩnh vực đăng kiểm, Cục Đăng kiểm cho biết tình trạng quá tải tại các TTĐK ở Hà Nội và TP HCM đã “hạ nhiệt”.

Tại Hà Nội có 19 TTĐK đang hoạt động và 12 TTĐK dừng hoạt động. Trong đó, các TTĐK cho biết đến 17h đã xử lý hết xe, không còn tình trạng quá tải.

Tại TP HCM, 12 TTĐK đang hoạt động và 7 dừng hoạt động. Tình trạng quá tải cũng không còn. Một số TTĐK ghi nhận xe đến đăng kiểm chỉ ở mức thấp.

Tính đến 17h ngày 30/1, cả nước có 243 TTĐK đang hoạt động và 37 dừng hoạt động. Trong đó, 29 TTĐK dừng hoạt động do liên quan đến sai phạm và đã bị công an điều tra, khởi tố; 2 TTĐK dừng do đang trong quá trình điều tra; 6 TTĐK dừng do không đủ điều kiện hoạt động.

Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm cho biết đã chỉ đạo các đơn vị không làm việc máy móc hoặc lợi dụng để làm khó người dân khi đến kiểm định; nhân lực ngành phải nâng cao ý thức, đạo đức nghề nghiệp, phát huy tính sáng tạo, tìm ra các giải pháp hiệu quả để giảm ùn tắc, khó khăn, phiền hà.

Để bù đắp lượng nhân lực thiếu hụt do vướng lao lý, Cục Đăng kiểm sẽ tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực đăng kiểm viên để bổ sung, thay thế cho các TTĐK trong thời gian tới; đồng thời đề nghị TTĐK có chế độ chính sách phù hợp để đảm bảo đời sống cho đăng kiểm viên và nhân viên.