Trước khi công bố dữ liệu CPI, thị trường phần lớn kỳ vọng Fed nâng lãi suất 25 điểm cơ bản. Xác suất này tăng mạnh hơn sau báo cáo CPI, với các trader cược có 85% xác suất Fed nâng lãi suất 25 điểm cơ bản, theo CME Group.

"Thậm chí giữa những rắc rối của ngành ngân hàng, Fed vẫn sẽ ưu tiên ổn định tài chính thay vì tăng trưởng và có thể nâng 25 điểm cơ bản tại cuộc họp sắp tới", Jeffrey Roach, Chuyên gia kinh tế tại LPL Financial, nhận định.

Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, CPI lõi tăng 0,5% trong tháng trước và cao hơn 5,5% so với 1 năm trước đó. Các nhà kinh tế Mỹ coi CPI lõi là một chỉ báo hiệu quả hơn so với lạm phát cơ bản.

CPI cơ bản tăng 0,4% trong tháng 2 - trong đó 70% đến từ chi phí nhà ở, và tăng 6% so với 1 năm trước đó. Trong khi đó, ước tính trung bình của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg với CPI cơ bản và CPI lõi là mức tăng 0,4%.

Ngoài chi phí nhà ở, thì hoạt động giải trí, đồ nội thất và vé máy bay cũng đóng góp vào mức tăng của CPI lõi vào tháng trước. Giá hàng tạp hoá tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 5/2021, trong đó giá trứng hạ mạnh nhất kể từ những tháng đầu tiên của đại dịch.

Việc giá hàng hoá giảm mạnh đã giúp CPI cơ bản hạ nhiệt trong những tháng gần đây. Không tính đến giá thực phẩm và năng lượng, thì giá hàng không thay đổi trong tháng 2. Trong khi đó, giá ô tô cũ - yếu tố chính giúp giá cả tăng chậm hơn trong những tháng gần đây, giảm mạnh nhất trong gần 1 năm, thấp hơn 13,6% so với mức cao nhất kể từ năm 1960.

Giá năng lượng hạ nhiệt nhờ giá khí đốt tự nhiên và dầu nhiên liệu giảm mạnh. Giá điện tại Mỹ thì leo thang trong tháng trước.

Chi phí nhà ở - chiếm tỷ trọng lớn nhất trong mảng dịch vụ và đóng góp khoảng 1/3 trong CPI cơ bản, tăng 0,8% vào tháng trước. Giá thuê nhà và các giá thuê nhà theo ước tính của chủ sở hữu (OER) tăng ở mức kỷ lục ít nhất là 8%.

Giá phòng khách sạn góp phần khiến lạm phát tăng cao hơn, khi ghi nhận mức tăng theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 10.

Không bao gồm giá năng lượng và nhà ở, giá dịch vụ tăng 0,4% mạnh nhất kể từ tháng 9, theo tính toán của Bloomberg. Ông Powell và các quan chức Fed đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi số liệu này khi đánh giá xu hướng lạm phát của Mỹ.

Những con số này một lần nữa khẳng định rằng nhiệm vụ kiềm chế lạm phát của Fed sẽ rất khó khăn, vì phần lớn nền kinh tế vẫn thể hiện đà tăng trưởng ổn định bất chấp những đợt tăng lãi suất mạnh tay trong 1 năm trở lại đây. Thách thức với Cục Dự trữ liên bang (Fed) hiện tại là làm thế nào để ưu tiên kìm cương lạm phát đang ở mức quá cao, trong khi vụ ngân hàng SVB sụp đổ đang ảnh hưởng sự ổn định của thị trường tài chính.

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Mỹ. (Ảnh: Getty Images)
Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Mỹ. Ảnh: Getty Images

Hiện tại, lạm phát hàng tháng của Mỹ vẫn đang tăng gấp đôi tốc độ mà các nhà kinh tế cho là cần thiết để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% của Fed.

Báo cáo lạm phát được công bố trong bối cảnh thị trường tài chính đang hỗn loạn do sự sụp đổ của các ngân hàng Silicon Valley Bank ở California và Signature Bank ở New York, khiến các cơ quan quản lý phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp để củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Tuần trước, báo cáo của Bộ Lao động đã cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn thắt chặt, nhưng lạm phát tiền lương đang hạ nhiệt.

Các nhà kinh tế cho rằng báo cáo lạm phát của Bộ Lao động Mỹ sẽ là dữ liệu quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách trong cuộc họp của Fed ngày 21 - 22/3 tới, bất chấp những lo lắng trên thị trường tài chính.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, trong khi thị trường tài chính vẫn kỳ vọng lãi suất sẽ tăng 0,25 điểm phần trăm, thì những lo ngại về sự lan rộng của cuộc khủng hoảng ngân hàng đã khiến một số nhà kinh tế, trong đó có các chuyên gia của Goldman Sachs, kỳ vọng Fed sẽ tạm dừng chính sách tiền tệ thắt chặt vào tuần tới.