Theo đó, so với tháng 12/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2.2023 tăng 0,97% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,31%. Như vậy, bình quân 2 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng khá cao trong vòng 5 năm trở lại đây.

Cụ thể, các năm từ 2019 trở lại đây, CPI bình quân hai tháng đầu năm tăng lần lượt là 2,6%; 5,91%; -0,14%; 1,68% và 4,6%.

Trong tổng các nhóm hàng hóa, chỉ có 4 nhóm hàng giảm giá là, hàng ăn và dịch vụ ăn uống: Giảm 0,17%; đồ uống và thuốc lá: Giảm 0,12%; hàng may mặc, mũ nón, giày dép: Giảm nhẹ 0,08%; giáo dục: Giảm 0,57%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2.2023 so với tháng trước. Nguồn: Tổng cục Thống kê
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2.2023 so với tháng trước. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Các nhóm hàng hóa tăng giá gồm: Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,81%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; giao thông tăng 2,11%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12%; chỉ số giá vàng tăng 0,92%; chỉ số giá USD tăng 0,2%.

Lạm phát cơ bản tăng 5,08%. Điều này cho thấy, áp lực lạm phát tăng cao đang chực chờ. Trong các báo cáo gửi lên Chính phủ thời gian gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhắc nhiều về áp lực trong điều hành giá cả thị trường, lạm phát đang tăng cao.

Nguyên nhân chủ yếu do lạm phát cơ bản từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2022 có mức tăng so với tháng trước cao hơn CPI chung, do giá xăng dầu là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong các tháng này thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Sự tăng/giảm của giá xăng ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số giá tiêu dùng. Ảnh minh họa
Sự tăng/giảm của giá xăng ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số giá tiêu dùng. Ảnh minh họa

Lạm phát cơ bản tháng 2/2023 ở mức nền cao hơn CPI chung nên cũng có mức tăng so với cùng kỳ năm trước cao hơn.

Trên thực tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát luôn là mục tiêu ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Tuy vậy, với một nền kinh tế mở như Việt Nam, nguy cơ “nhập khẩu” lạm phát là rất lớn, áp lực lạm phát luôn chực chờ, thì càng cần phải thận trọng hơn trong điều hành.

Chính phủ Việt Nam, có thể nói, đã rất thành công trong điều hành giá cả thị trường để kiểm soát lạm phát trong năm 2022. Đây chính là năm mà lạm phát “càn quét” kinh tế toàn cầu, đặc biệt ở khu vực châu Âu và Mỹ.

Một vài ví dụ cụ thể: lạm phát của khu vực đồng Euro tháng 11/2022 tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021; lạm phát của Mỹ tăng 7,1% và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Tại châu Á, lạm phát tháng 11/2022 của Thái Lan tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Tỷ lệ lạm phát của Hàn Quốc tăng 5%; Indonesia tăng 5,4%; Trung Quốc tăng 1,6%; Nhật Bản tăng 3,8%... Cao hơn năm 2021, thậm chí là kỷ lục trong vài chục năm qua là điều được các chuyên gia nhắc đến rất nhiều khi nói về lạm phát trên toàn cầu năm 2022.

Nhưng ngược dòng thế giới, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát ở mức 3,15%, dù trong suốt cả năm, nền kinh tế luôn phấp phỏng lo lạm phát cao quay trở lại. Đó là một thành tựu quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được nhiều định chế tài chính nước ngoài đánh giá cao.

Tuy vậy, khi năm 2023 chỉ còn cách năm 2022 một bước chân, thì nỗi ám ảnh lạm phát đã quay trở lại.