Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Công ty cổ phần Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc (Công ty) bị phạt tiền 125 triệu đồng theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (Nghị định số 128/2021/NĐ-CP) do vi phạm quy định về giao dịch với người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này.

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020 và năm 2021, trong năm 2020 và năm 2021, Công ty thực hiện các giao dịch với bên liên quan của người quản lý doanh nghiệp (Công ty cổ phần Á Long và Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc Miền Nam). Tuy nhiên, các giao dịch nêu trên chưa được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận).

Phạt tiền 100 triệu đồng đối với Công ty theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Công ty CP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc bị phạt 225 triệu đồng do vi phạm trong giao dịch và không công bố thông tin.
Công ty CP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc bị phạt 225 triệu đồng do vi phạm trong giao dịch và không công bố thông tin.

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, Công ty có 03 công ty con: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến Nông sản thực phẩm Hồng Hà, Công ty cổ phần Liên doanh sản xuất Bảo Ngọc Thái Lan và Công ty cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu Thành Nam. Theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, Công ty có 02 công ty con: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến Nông sản thực phẩm Hồng Hà và Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc Miền Nam.

Tuy nhiên, Công ty không công bố thông tin về Quyết định tham gia góp vốn thành lập, mua để tăng sở hữu trong một công ty dẫn đến công ty đó trở thành công ty con, công ty liên kết hoặc bán để giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty con, công ty liên kết dẫn đến công ty đó không còn là công ty con, công ty liên kết hoặc giải thể công ty con, công ty liên kết trong năm 2021; Công ty công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với các tài liệu: Nghị quyết HĐQT số 11/2021/NQ-HĐQT ngày 31/5/2021 thông qua triển khai thực hiện phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, Nghị quyết HĐQT số 12/2021/NQ-HĐQT ngày 07/7/2021 thông qua phương án sử dụng vốn chi tiết, phương án đảm bảo việc phát hành cổ phiếu đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, Nghị quyết HĐQT số 13/2021/NQ/HĐQT ngày 16/7/2021 về việc thông qua phương án sử dụng vốn chi tiết, Nghị quyết HĐQT số 21.1/2021/NQ-HĐQT ngày 17/11/2021 về việc điều chỉnh phương án sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn năm 2021).

Trong quý III, Bảo Ngọc ghi nhận doanh thu thuần đạt 269 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái; song lợi nhuận sau thuế đạt 18,1 tỷ đồng, giảm 14,8% so với quý III/2021. Công ty cho biết, nguyên nhân do nguyên liệu đầu vào tăng cao như: lúa mì (tăng đến 40%), dầu ăn, xăng dầu… Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến giá vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khiến lợi nhuận giảm sút.

Bên cạnh đó, sức mua của thị trường sau đại dịch Covid-19 giảm mạnh. Đặc biệt, lãi suất vay ngân hàng quý III/2022 tăng cao, có ngân hàng tăng lãi suất cho vay dao động từ 8,5 – 10%/năm, dẫn tới chi phí lãi vay tăng làm giảm lợi nhuận.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Bảo Ngọc ghi nhận doanh thu thuần đạt 810,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 53,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,8% và 3,5% so với 9 tháng đầu năm 2021.

Năm 2022, ĐHĐCĐ Bảo Ngọc đã thông qua mục tiêu doanh thu đạt gần 1.312 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 91 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, BNA đã hoàn thành lần lượt 62% và 59% kế hoạch năm.