Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đưa ra tại hội thảo "Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp" ngày 17.5.

toan-canh-5-.jpg

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ tại Hội thảo

Quốc hội giao thu 40.000 tỉ đồng, cả năm chưa được 2.000 tỉ đồng

Theo đó, Bộ trưởng cho biết, việc đổi mới, cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ các cơ chế chính sách về tái cơ cấu DNNN. Tuy nhiên cũng tồn tại một số vướng mắc như: tiến độ chậm, chưa đạt kết quả đề ra theo đề án mà Chính phủ đã ban hành, nguồn thu cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu.

Chỉ tính riêng năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ thu từ cổ phần hóa 40.000 tỉ đồng, nhưng hết năm thu chưa đầy 2.000 tỉ đồng.

Theo Bộ trưởng, việc xác định giá trị doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua việc xác định giá trị của doanh nghiệp còn chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí. Bộ trưởng nêu ví dụ, qua kiểm toán 45 doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước đã đánh giá giá trị nhiều doanh nghiệp tăng lên nhiều lần, bình quân 2,8 lần...

Bên cạnh đó là một số tồn tại trong sắp xếp nhà đất chưa có quy định rõ ràng như: xác định lợi thế thương mại, liên danh liên kết... Ngoài ra, vai trò của người đứng đầu DNNN quyết tâm chưa cao nên tiến độ chưa đạt yêu cầu.

Ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã thông tin về một số kết quả thực hiện cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2025. Theo đó về kết quả cổ phần hóa, lũy kế giai đoạn 2016-2020 đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỉ đồng. Về thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016-2020 đạt 27.312 tỉ đồng, thu về 177.397 tỉ đồng.

Về cơ bản, đến nay các cơ chế, chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn, trong đó có các quy định về tiêu chí phân loại DNNN để thực hiện sắp xếp; cơ chế chuyển đổi thành công ty cổ phần và chuyển nhượng vốn nhà nước, cơ chế xử lý lao động dôi dư... đã được ban hành khá đầy đủ. Song, quá trình cổ phần hóa thời gian qua so với yêu cầu còn chậm, chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra do nhiều nguyên nhân, trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Xử lý đất đai khi cổ phần hóa; xử lý tài chính, tài sản, nợ; xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị phần vốn nhà nước...

Đề xuất không tính giá đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng cần phải sửa đổi một số chính sách. Cụ thể là quy định phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp một cách chính xác. Cùng với đó là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, trong đó giá trị quyền sử dụng đất có tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa không?

Các doanh nghiệp cho rằng, khi đưa đất vào định giá sẽ gây khó cho doanh nghiệp, bởi giá thị trường thay đổi liên tục. Doanh nghiệp làm rất lo bị mắc sai phạm do chính sách không rõ ràng. Đặc biệt, thời gian qua cũng có nhiều sai phạm liên quan đến đất đai.

Qua nghiên cứu và đánh giá, các ý kiến đều kiến nghị không tính giá đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thay vào đó, trả đất về lại Nhà nước để sử dụng cơ chế thuê đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất sau khi cổ phần xong.

Ông Phạm Văn Đức cho biết, trọng tâm hoàn thiện thể chế cho giai đoạn 2021-2025 là xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13).

Trong đó cần tập trung hoàn thiện, xây dựng khung khổ pháp lý về quản lý, đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của nhà nước, tạo động lực, sức ép để thúc đẩy DNNN chủ động sắp xếp để giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước phát triển...