“Thay đổi hay là chết!”

Ngành thực phẩm – đồ uống (F&B) nằm trong nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), được các chuyên gia dự báo có tốc độ tăng trưởng từ 5-6% trong giai đoạn 2020-2025. Dù vậy, trên thực tế, 4 đợt bùng phát dịch đã khiến rất nhiều hàng quán, doanh nghiệp F&B rơi vào cảnh “lao đao”, rơi vào trạng thái “ngủ đông” kéo dài hoặc phá sản.

Theo 3 cuộc khảo sát nội bộ trong Hệ sinh thái của Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam (RAV) vào tháng 3, tháng 4 và tháng 9/2020, 90% doanh nghiệp ẩm thực được khảo sát bị sụt giảm từ 50% - 70% doanh thu.

Khó khăn chung của hầu hết doanh nghiệp F&B là không tiếp cận được khách hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh thu giảm mạnh, chi phí thuê mặt bằng cao, khủng hoảng nhân sự,… Không chỉ thế, bản thân thị trường F&B Việt Nam cũng có tính cạnh tranh cao và tốc độ đào thải nhanh chóng đối với những doanh nghiệp yếu kém, doanh nghiệp không thể thay đổi để kịp thời thích nghi với bối cảnh mới.

Chiếc “chìa khoá” thích nghi ấy chính là việc áp dụng công nghệ, thiết bị điện tử và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào ngành F&B. Đáng nói, xu hướng chuyển đổi số, phát triển các nền tảng online đã bắt đầu từ trước khi có đại dịch nhưng đại dịch COVID-19 lại đóng vai trò như chất xúc tác khiến quá trình này diễn ra nhanh hơn, toàn diện hơn.

Chuyển đổi số ”khoác chiếc áo mới” cho ngành F&B
Coffee House nằm trong những thương hiệu sớm “nhạy cảm” với xu hướng chuyển đổi số

Chia sẻ với báo chí, ông Đinh Anh Huân - Chủ tịch HĐQT của thương hiệu cà phê The Coffee House, nhấn mạnh: Thời điểm này là một trong những “điểm chạm” để phát triển quan hệ khách hàng, mà việc số hóa hệ thống vận hành chuỗi bán lẻ giúp cho việc vận hành đồng bộ, hiệu quả trên quy mô hàng trăm đến hàng nghìn cửa hàng. Trong đợt dịch thứ 4, các nền tảng online đã góp phần “cứu vớt” doanh thu của The Coffee House khi chuỗi phải hạn chế lượng khách tại khoảng 2/3 toàn bộ số cửa hàng trên toàn quốc.

Sau nhiều năm nhãn hàng chủ động xây dựng ứng dụng đặt hàng và giao nhận riêng, ông Huân chia sẻ: “Khách hàng đang quen dần với trải nghiệm số hoá cùng The Coffee House. Việc đặt hàng trước đến nhận sau hay đặt mang về chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng doanh thu. Ước tính, có hơn 50% giao dịch tương tác qua ứng dụng. Phương án giao hàng cũng ngày càng cải thiện khi tỷ lệ giao trong 30 phút đạt hơn 85%”.

Dự kiến phải “sống chung” với dịch ít nhất đến giữa năm 2022, chuỗi cà phê này cho biết có kế hoạch tiếp tục hợp tác với các nền tảng điện tử khác bên cạnh Baemin để chủ động ứng phó với các diễn biến mới.

“Phá băng” cho ngành F&B

Nhìn chung, giới chuyên gia ngành F&B đều cho rằng, dịch COVID-19 đã tạo động lực mạnh mẽ buộc ngành F&B phải bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số. Theo khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me thì 51% người tiêu dùng ở TP HCM và TP Hà Nội đã dùng ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến.

Số lượng khách hàng truy cập vào các website, fanpage và các ứng dụng của nhà hàng, quán ăn, quán cafe tăng cao, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách. Người tiêu dùng cũng có xu hướng chuyển từ trải nghiệm offline sang online khi đã quen ở nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại các hàng quán đông người.

Chuyển đổi số ”khoác chiếc áo mới” cho ngành F&B
Các nền tảng vận chuyển đồ ăn, đồ uống trở nên phổ biến hơn trong bối cảnh dịch bệnh.

Các mô hình bán lẻ trực tuyến về đặt hàng online (Buy Online) – giao hàng tại nhà (Home Delivery) - mua đồ mang đi (Pick-up) là các ví dụ điển hình nhất. Các hình thức này vừa giúp tiết kiệm thời gian mua hàng, chờ đợi của thực khách, vừa hạn chế tiếp xúc xã hội.

Cụ thể hơn, nhiều chuỗi cửa hàng đã sử dụng hệ thống gọi món tự động bằng Tabletop, tương tác trực tiếp với khách hàng bằng Chatbot, hệ thống đặt bàn tự động tại Google Booking, Opentable,… Các nền tảng giao đồ ăn như Now, GrabFood, Baemin, Go Food… ngày càng trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

Mặt khác, tính liên tục trong hoạt động của chuỗi cung ứng ngành F&B đòi hỏi các doanh nghiệp cần cải thiện nhiều về mặt công nghệ. Theo TS. Nguyễn Quang Trung - Chủ nhiệm nghiên cứu về quản trị chuyển đổi thông minh tại Đại học RMIT, các doanh nghiệp cần cân nhắc mô hình kinh doanh hiện tại theo lăng kính công nghệ, kỹ thuật số và thu thập dữ liệu. Ví dụ, đánh giá nhu cầu và thói quen của khách hàng hiện có, từ đó tìm cách ứng dụng công nghệ số phù hợp để cải thiện trải nghiệm khách hàng.

Chuyển đổi số ”khoác chiếc áo mới” cho ngành F&B
Menu điện tử có khả năng cập nhật nhanh và liên tục yêu cầu khách hàng mà không phải tiếp xúc

Hai ví dụ rõ rệt nhất là menu điện tử và ví điện tử. Menu điện tử là giải pháp đang được nhiều nhà hàng, quán cafe ứng dụng bởi nhiều tiện ích như: cập nhật nhanh và liên tục yêu cầu của khách hàng, không mất công chỉnh sửa và in ấn, có thể tích hợp với công nghệ mã vạch QR để hạn chế tiếp xúc gần giữa nhân viên và khách hàng, khách có thể xem được trên smartphone cá nhân,…

Còn việc thanh toán trực tuyến qua các ví điện tử Momo, ZaloPay, AirPay,… dù không phải là một giải pháp mới nhưng đã thực sự “bùng nổ” trong giai đoạn giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc như hiện nay. Đồng thời, thói quen thanh toán này cũng giảm thiểu một số rủi ro như: khách không đủ tiền mặt, khách hàng “bùng” đơn, khách nhờ người nhận thay mà không có tiền để thanh toán,…

Tóm lại, trong các khả năng để các doanh nghiệp F&B có thể tồn tại sau dịch không thể bỏ qua xu hướng chuyển đổi số. Bên cạnh việc tìm giải pháp để tối ưu hóa chi phí mặt bằng, chi phí nhân sự, các doanh nghiệp cũng đứng trước thách thức phải nhanh chóng thích ứng trên các nền tảng số để nâng cao hiệu quả vận hành, tăng thêm doanh thu, cải thiện trải nghiệm của khách hàng.