Thị trường chứng khoán Mỹ đang lấy lại "phong độ", kết thúc phiên giao dịch hôm qua (ngày 7/11), chỉ số Dow Jones tăng 423,78 điểm (tương đương 1,31%) lên mức 32.827 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 0,96% lên 3.806,80 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 0,85% lên mức 10.564,52 điểm, sau khi liên tục biến động vào đầu phiên. Cả ba chỉ số chính đều có phiên giao dịch tăng thứ 2 liên tiếp kể từ cuối tuần trước.

Cổ phiếu Apple có lúc sụt hơn 1% nhưng đóng cửa tăng 0,39% sau khi tập đoàn công nghệ này thông báo tạm thời giảm sản xuất iPhone do bùng phát dịch Covid-19 tại một trong những nhà máy lắp ráp lớn nhất ở Trung Quốc. Trong khi đó, cổ phiếu Palantir giảm gần 11,5% sau khi công ty phần mềm chuyên về dữ liệu lớn này thông báo kết quả kinh doanh quý III gây thất vọng.

Cổ phiếu Meta - công ty mẹ của Facebook - leo dốc 6,5% sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin rằng tập đoàn mạng xã hội này có thể sớm bắt đầu sa thải hàng loạt nhân sự vào ngày 9/11.

Trong tuần này, các nhà đầu tư đều đang chờ đợi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ, sẽ diễn ra ngày 8/11 (theo giờ Mỹ), quyết định đảng nào sẽ kiểm soát Quốc hội và ảnh hưởng đến hướng chi tiêu trong tương lai.

Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden hiện kiểm soát Hạ viện và chiếm đa số trong Thượng viện. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử tới, đảng Cộng hòa được kỳ vọng sẽ chiếm đa số Hạ viện hoặc Thượng viện, có thể cản trở một số chính sách chi tiêu của Tổng thống đương nhiệm.

Phát biểu trên đài CNBC, bà Lori Calvasina, Giám đốc chiến lược cổ phiếu Mỹ tại RBC Capital, hôm 7/11 nói rằng nhà đầu tư sẽ phản ứng tích cực nếu hệ thống chính trị Mỹ rơi vào bế tắc khi Tổng thống Biden là người của đảng Dân chủ, còn đảng Cộng hòa kiểm soát ít nhất một trong hai viện Quốc hội.

Lịch sử cho thấy thị trường chứng khoán trong giai đoạn chính trị bế tắc có tỷ suất lợi nhuận cao hơn trong các giai đoạn còn lại, nguyên nhân là Washington không ban hành được đạo luật nào có ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận doanh nghiệp.

Chứng khoán Mỹ ngược dòng tăng 400 điểm, Bitcoin loay hoay mức 20.000 USD

Trong khí đó, Bitcoin đang giao dịch ở mức 20.453 USD, giảm 3,47% trong 24 giờ qua. Mặc dù phe bò đã đẩy giá lên trên mốc 21.400 USD vào cuối tuần, nhưng BTC đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ trong tuần mới.

Từ ngày 4-11 đến ngày 6-11, giá BTC đã tăng gần 6%, thiết lập mức cao nhất trong 7 tuần.

Nhiều trader đã hy vọng về mức tăng đáng kể hơn sau khi BTC cố gắng bật lên từ vùng hỗ trợ 20.500 USD. Tuy nhiên, chỉ số RSI giảm cho thấy người bán đang trở nên mạnh mẽ hơn.

Giá BTC vẫn nằm dưới ngưỡng kháng cự 21.194 USD, nơi 1,09 triệu địa chỉ nắm giữ hơn 551.300 BTC. Việc đóng cửa trên đường trung bình động 100 giờ ở 21.000 USD có thể cung cấp một số động lực tăng giá.

MVRV z-score của Bitcoin cho thấy sự phục hồi trên đường 0, gợi ý một số động lực tăng giá cho tiền điện tử hàng đầu. Bitcoin có thể giảm nhẹ trong ngắn hạn, nhưng việc đóng cửa quyết định trên mức 21.000 USD có thể đưa phe bò trở lại đường đua tới 22.000 USD. Mức 20.500 USD có thể đóng vai trò như một hỗ trợ mạnh trong tương lai.