3 kịch bản cho thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm

Nhìn lại nửa đầu năm, chỉ số VN-Index có thời điểm giảm mạnh 24,5% từ mức đỉnh 1.530 điểm vào đầu tháng 4 xuống mức thấp nhất trong năm là 1.156 điểm. Đóng cửa tháng 6, chỉ số VN-Index được nhìn thấy ở mức 1.197,6 điểm, tức giảm 20% kể từ đầu năm.

Theo đà tụt dốc của VN-Index, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh. Kể từ tháng 11/2021, giá trị giao dịch bình quân hàng ngày đã liên tục giảm từ mốc hơn 30 nghìn tỷ/ngày xuống còn khoảng 13 nghìn tỷ đồng vào tháng 6/2022; phản ánh tâm lý e dè của nhà đầu tư sau nhiều tháng thị trường sụt giảm mạnh.

Thống kê cho thấy các cá nhân trong nước - chiếm 86% tổng giá trị giao dịch và từng được xem là động lực thúc đẩy thanh khoản thị trường bứt phá và mua ròng xuyên suốt trên thị trường trong năm 2021 - đã bán mạnh trong quý II với giá trị bán ròng gần 6,5 nghìn tỷ đồng (so với mức mua ròng trong quý 1/2022 là hơn 12,5 nghìn tỷ đồng, năm 2021 là 88,8 nghìn tỷ đồng).

Trái với sự bi quan của nhà đầu tư cá nhân trong nước, khối ngoại - chiếm khoảng 8% tổng giá trị giao dịch - quay trở lại mua ròng trong quý II với giá trị 9,3 nghìn tỷ đồng, sau khi đã bán ròng khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng trong quý I/2022 và 58,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2021.

MAS nhận định một số yếu tố tích cực cho thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm là lạm phát trong nước vẫn đang được kiểm soát dưới mức mục tiêu của Chính phủ, kỳ vọng tăng trưởng GDP và EPS tương đối cao giúp thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì mức định giá tương đối hấp dẫn, với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tương đối cao và P/E tương đối thấp. Ngoài ra, nỗ lực thúc đẩy tính minh bạch và phát triển thị trường vốn Việt Nam trong thời gian gần đây, cũng như các sáng kiến để đáp ứng các tiêu chí của thị trường mới nổi sẽ giúp thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường lên mới nổi.

Với những yếu tố như vậy, MAS kỳ vọng VN-Index sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay, tuy nhiên mức tăng trưởng lợi nhuận của cả năm 2022 sẽ giảm tốc, một phần do so sánh với mức nền cao của năm 2021, một phần do gánh nặng lạm phát toàn cầu tạo áp lực lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, cũng như chi phí vận tải gia tăng.

Trên cơ sở các giả định, nhóm nghiên cứu dự phóng tăng trưởng EPS năm 2022 của VN-Index xuống 17,5%, thấp hơn so với mức đồng thuận chung của thị trường theo thống kê Bloomberg là 18%. “Tương ứng vùng định giá P/E dự phóng cuối năm 2022 từ 12,8 – 15,1x, chúng tôi cho rằng VN-Index có thể quay lại vùng 1.300 – 1.530 điểm trong nửa cuối năm”, báo cáo của MAS nói thêm.

Ở kịch bản cơ sở, MAS dự báo trong nửa cuối năm, chỉ số VN-Index đã tìm thấy mức thấp nhất trong năm là 1.156 điểm và sẽ tiếp tục tăng lại mốc 1.300 điểm. Ở kịch bản tích cực, VN-Index sẽ lấy lại mốc 1.530 điểm trong khi ở kịch bản xấu, VN-Index được dự báo tiếp tục giảm điểm do tâm lý e ngại rủi ro chiếm ưu thế và tìm thấy ngưỡng hỗ trợ mạnh ở mức 1.060 điểm.

"Trong nửa cuối năm, lạm phát và chính sách lãi suất là hai rủi ro chính cần theo dõi. Thị trường chứng khoán trong nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục biến động theo các thông tin lạm phát, lạm phát kỳ vọng, và hành động của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục dự trữ liên bang Mỹ", các chuyên gia phân tích MAS nhấn mạnh.

Dự báo triển vọng ngành

Với ngành bán lẻ, trong 6 tháng đầu năm, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng doanh thu bán lẻ đạt xấp xỉ 2.174 nghìn tỷ, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tổng doanh thu bán lẻ riêng quý II đạt 1.112 nghìn tỷ, tăng 17.3%.

MAS nhận định tác động của lạm phát đối với doanh thu bán lẻ nói chung vẫn chưa đáng kể vì mức độ tăng giá các mặt hàng thiết yếu (có tỷ trọng lớn trong rổ tính chỉ số CPI) là chưa lớn. Tuy nhiên, độ trễ của giá các mặt hàng thiết yếu so với giá xăng dầu có thể bị thu hẹp trong thời gian sắp tới. Một số cổ phiếu khuyến nghị trong nhóm bán lẻ mà báo cáo của MAS đưa ra bao gồm MSN, MWG, VRE, HAG.

Với nhóm thực phẩm và đồ uống, báo cáo của nhóm nghiên cứu nhận định xuất khẩu thủy sản như kỳ vọng vẫn là nhóm doanh nghiệp sẽ đạt kết quả kinh doanh tốt vượt trội trong năm 2022. “Chúng tôi đánh giá quý II/2022 sẽ là giai đoạn doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp thủy sản bùng nổ trong năm. Tuy nhiên, cần lưu ý xu hướng này sẽ giảm dần vào hai quý còn lại của năm do lượng tồn kho giá rẻ 2021 đã tiêu thụ hết và vụ thu hoạch mới với nguồn cung tăng giá sẽ bắt đầu vào cuối quý III”.

Ngoài ra, nhóm đồ uống, xuất khẩu lương thực và sản xuất đường sẽ có sự tăng trưởng nhẹ trong năm 2022. Trong nhóm này, đồ uống sẽ là nhóm doanh nghiệp tốt nhất vì nhu cầu nội địa có sự phục hồi từ vùng thấp 2021.

Với nhóm dầu khí được hưởng lợi từ đà tăng giá hàng hóa, nhiều tín hiệu tích cực thể hiện ở các dự án và quyết định đầu tư được công bố gần đây. Chẳng hạn thông tin chuỗi điện khí Lô B - Ô Môn dự kiến sẽ có Quyết định đầu tư cuối cùng vào tháng 7/2022, tạo tiền đề cho toàn chuỗi dự án Lô B - Ô Môn khởi công trong nửa cuối năm nay; hay dự án nhà điều hành mỏ khí Lô B (Phú Quốc POC) cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở các gói thầu EPCI, mục tiêu sẽ trao các hợp đồng liên quan đến phát triển mỏ khí (hợp đồng EPCI, hợp đồng FSO…) ngay sau khi chuỗi Lô B nhận được FID.

Một số cổ phiếu được khuyến nghị trong nhóm dầu khí bao gồm BSR, CNG, PVS, PVT, GAS.

Với nhóm điện, trừ điện mặt trời có dấu hiệu chững lại trong tháng 5 và đi ngang trong 5 tháng đầu năm, các loại hình điện gió, thủy điện đều tăng trưởng khá lạc quan. Được thúc đẩy bởi nhu cầu sản xuất và sinh hoạt hậu dịch COVID-19, MAS khuyến nghị mua hoặc tăng tỷ trọng với một số cổ phiếu nhóm điện như PPC, PC1, NT2.

Với nhóm bất động sản khu công nghiệp; báo cáo đánh giá rằng thị trường khu công nghiệp ở Bình Dương và Long An thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, do đó tỷ lệ hấp thụ tốt, giá thuê khu vực phía Nam tiếp tục tăng trưởng. Ngược lại, tại miền Bắc, thị trường dường như chững lại do áp lực cạnh tranh.

MAS nhận định năm 2022 sẽ là năm các doanh nghiệp trong nhóm BĐS khu công nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng cao do quỹ đất sẵn sàng khai thác lớn, giá thuê duy trì mức cao. Đồng thời, giá thuê dù liên tục tăng trong thời gian qua nhưng vẫn ở mức thấp, cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Nhóm doanh nghiệp cảng biển cũng được khuyến nghị triển vọng sáng. Số liệu do MAS tổng hợp cho thấy trong 6 tháng, khối lượng thông quan cảng biển ước đạt 371 triệu tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Khối lượng container thông quan ước đạt 12.8triệu TEU, tăng 0,5%. Giá trị xuất nhập khẩu tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng trên 2 chữ số.

Tương tự là nhóm dệt may, với dự báo sản xuất và xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước đạt 18,7 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục tốc độ tăng trưởng cao từ đầu năm. Hoạt động sản xuất mảng may mặc duy trì đà tăng trưởng mạnh khi chỉ số sản lượng công nghiệp (IIP) tháng 6/2022 và 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng hơn 23%.

Với nhóm thép, tôn mạ, áp lực từ giá than và lạm phát đã đẩy giá lên cao, khiến sản lượng suy giảm rõ rệt. Trong tháng 5/2022, sản lượng thép và tôn mạ toàn ngành đã có sự sụt giảm mạnh 49%, đạt 1,49 triệu tấn, theo Finpro. Tính hết 5 tháng năm 2022, sản lượng thép toàn ngành đạt 10,48 triệu tấn, giảm -22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 6 tháng cuối 2022, trước áp lực của lạm phát và kiểm soát tín dụng bất động sản, MAS hạ 15% dự phóng sản lượng so với báo cáo trước đây. “Cho cả năm 2022, chúng tôi dự phóng sản lượng thép toàn ngành năm 2022 sẽ đạt 27,76 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng xuất khẩu đạt mức 7,6 triệu tấn, tăng 1% nhưng sản lượng thép tiêu thụ nội địa chỉ đạt 20,1 triệu tấn, giảm 13,6%”, báo cáo cho hay.