Ngày 6/6, CTCP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (APEC, mã chứng khoán APS) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 lần 2 với sự tham dự của 136 cổ đông và người ủy quyền, đại diện cho 30 triệu cổ phần, tương đương 36,37% tổng số cổ phần có quyền dự họp của công ty. Trước đó, ngày 15/5, IDJ tổ chức ĐHĐCĐ lần 1 bất thành do không đủ túc số.

Về hoạt động kinh doanh, trong năm 2023 ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 434,7 tỷ đồng, tăng 3,3% so với kết quả hoạt động năm 2022. Đồng thời, giảm thiểu chi phí hoạt động xuống 423 tỷ, giảm 56,09% so với năm 2022.

Trong năm 2023, APS đã phối hợp và thực hiện tốt các đợt kiểm tra hệ thống giao dịch KRX của các Sở Giao dịch chứng khoán và TTLK chứng khoán, được đánh giá tốt và đạt kết quả cao. Theo đó, APS đã sẵn sàng kết nối triển khai KRX theo quy định của UBCK, Sở GDCK và TTLK chứng khoán.

Năm 2023, APS cũng đã chính thức là thành viên giao dịch thị trường trái phiếu riêng lẻ.

Giữa bối cảnh toàn thị trường khó khăn theo báo cáo tài chính quý I/2024, APS ước đạt doanh thu 23,9 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 9,2 tỷ đồng.

Năm 2024, APS lên kế hoạch doanh thu hoạt động đạt hơn 123,4 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến đạt 49 tỷ đồng. Chi tiết về doanh thu, kế toán trưởng APS cho biết 100 tỷ đồng đến từ tự doanh, 13 tỷ đồng từ hoạt động cho vay margin và 10 tỷ đồng từ các hoạt động khác. Công ty có kế hoạch không chia cổ tức trong năm nay.

Lãnh đạo công ty cho biết, tính đến ngày 31/5, APS ghi nhận doanh thu hoạt động 166 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 99 tỷ đồng. Hiện các chỉ tiêu này đã vượt kế hoạch đề ra cả năm, song vẫn cần chờ chốt số tự doanh thời điểm cuối năm nay để có kết quả chính xác.

Để hoàn thành mục tiêu kinh doanh đề ra, APS sẽ tiếp tục chú trọng vào việc tối ưu hóa hiệu quả hoạt động trong ba lĩnh vực chính: Môi giới, Margin và Tự doanh.

Để phát triển bền vững trong dài hạn, công ty đang hướng tới một chiến lược tái cấu trúc dựa trên mô hình Hybrid, kết hợp giữa sản phẩm Fintech và các nền tảng truyền thông.

Công ty dự kiến sẽ phát triển đa dạng các sản phẩm tài chính như Asset Management. Ở phía kênh tiếp cận, APS cũng sẽ xây dựng những nền tảng kênh truyền thông và kênh bán phù hợp với xu hướng thị trường hiện tại nhằm chủ động trong công tác tiếp cận nhà đầu tư như một mạng xã hội đầu tư, học viện đầu tư, các cuộc thi hàng tháng hàng quý về đầu tư.

Chứng khoán APEC (APS) có lãnh đạo GenZ sinh năm 2001, đặt mục tiêu nhuận năm 2024 đạt 49 tỷ đồng
CTCP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (APEC, mã chứng khoán APS) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 lần 2

Về ban lãnh đạo, APS cũng giới thiệu đội ngũ nhân sự mới dự kiến được đề cử vào ban điều hành tại Đại Hội. Theo đó, ông Nguyễn Đức Quân, Tổng giám đốc đương nhiệm được đề cử là Thành viên HĐQT Công ty.

Đồng thời, Đại hội cũng lấy ý kiến về việc bổ nhiệm các ông/bà: Hồ Xuân Vinh, Nguyễn Đoàn Tùng, Nguyễn Đỗ Hoàng Lan và ông Vanfleteren Zamiel vào các vị trí điều hành.

Theo đó, ông Nguyễn Đức Quân sinh năm 1984, trình độ cử nhân kinh tế mới được bầu làm Chủ tịch HĐQT công ty.

Bà Nguyễn Phương Dung sinh năm 1993, hiện còn kiêm nhiệm vai trò Tổng giám đốc, người phụ trách quản trị công ty và người thực hiện công bố thông tin.

Đáng chú ý là bà Nguyễn Đỗ Hoàng Lan sinh năm 2001, trở thành Gen Z duy nhất trong nhóm lãnh đạo cấp cao tại API. Bà Hoàng Lan là Cử nhân Quản trị kinh doanh quốc tế. Được biết, bà Nguyễn Đỗ Hoàng Lan là con gái của ông Nguyễn Đỗ Lăng (cựu Chủ tịch HĐQT Apec Group và Thành viên HĐQT API).

Theo ông Nguyễn Đức Quân, bộ máy mới, với tư duy nhạy bén và khả năng thích hướng xu hướng thị trường, được kỳ vọng phù hợp với định hướng phát triển mới của công ty theo hướng một công ty chứng khoán trẻ trung, kết hợp giữa công nghệ và tài chính. APS kỳ vọng trong thời gian tới, sẽ tái cấu trúc hoạt động đầu tư, môi giới theo xu hướng số và sớm tiếp cận được nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới

Trên thị trường chứng khoán, trong tháng 5 vừa qua APS đã tăng 66,04%, tương ứng từ 3.500 đồng/cổ phiếu lên 8.800 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, sau đà tăng nóng, đến phiên 29/5, APS đã giảm kịch sàn 9,09% xuống 8.000 đồng/cổ phiếu và dư bán 1,8 triệu đơn vị. Tại phiên giao dịch ngày 6/6, mã APS dừng ở mức 8.400 đồng/cổ phiếu.

Cùng trong hệ sinh thái Apec, cổ phiếu API của CTCP Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương và IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam cũng có phiên giao dịch ngày 29/5 u ám sau chuỗi tăng tích cực.

Cụ thể, API giảm kịch sàn trong phiên 29/5 về 10.200 đồng/cổ phiếu và dư bán 2,4 triệu đơn vị. Trước đó mã này đã tăng nóng từ 4.700 đồng/cổ phiếu lên 11.300 đồng/cổ phiếu chỉ trong 1 tháng với nhiều phiên tăng trần liên tiếp.

Tương tự, IDJ giảm 8,75% xuống 7.300 đồng/cổ phiếu và dư bán hơn 2,24 triệu đơn vị. Chỉ trong 1 tháng trước đó, IDJ đã tăng 73,91% từ 4.600 đồng/cổ phiếu lên 8.000 đồng/cổ phiếu tại phiên giao dịch ngày 28/5.

Đà tăng của bộ ba trên trùng hợp với việc ông Nguyễn Đỗ Lăng - nguyên Chủ tịch Apec Group, cựu Thành viên HĐQT API xuất hiện trong ĐHĐCĐ của API ngày 10/5 sau khi vướng lùm xùm.