Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa (Tổng Cục Hải quan) đã có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Tâm Thịnh (Sinh năm 1973, thường trú tại số 371 KDC Miếu Nổi, phường 3, quận Bình Thạnh, TP HCM).

Ông Thịnh là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group).

Chủ tịch Trung Nam Group Nguyễn Tâm Thịnh bị tạm hoãn xuất cảnh
Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Trung Nam Group

Thông báo nêu rõ, ông Nguyễn Tâm Thịnh là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 6/5 đến khi doanh nghiệp này nộp đủ tiền thuế.

Hiện, Công ty Đầu tư Xây dựng Trung Nam đang còn nợ quá hạn tại Chi cục Hải quan Ninh Thuận - Cục Hải quan Khánh Hòa gần 22 tỷ đồng và đang bị cơ quan hải quan áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Vào tháng 1/2024, Cục Hải quan TP HCM đã ban hành quyết định cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan với hàng hóa xuất, nhập khẩu của Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group), do doanh nghiệp này có khoản nợ thuế hơn 27,5 tỷ đồng quá thời hạn nộp 90 ngày.

Được biết, Trung Nam Group thành lập từ năm 2004, hoạt động trong 5 lĩnh vực chính là năng lượng, xây dựng, hạ tầng, bất động sản và công nghiệp thông tin điện tử.

Công ty bổ sung ngành năng lượng tái tạo từ năm 2018 và đưa mảng này trở thành nguồn thu chính. Hiện Trung Nam Group là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành điện năng lượng tái tạo khi sở hữu nhiều dự án quy mô lớn, vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng và quy mô tài chính khổng lồ.

Theo một báo cáo của VNDirect Research, Trung Nam Group hiện là công ty có thị phần lớn nhất trong ngành năng lượng tái tạo với khoảng 7%, xếp trên các đơn vị khác như Xuân Thiện, Bamboo Capital hay BIM Group.

Một số dự án điện chủ lực của tập đoàn này có thể kể tên như Điện gió Ea Nam Đắk Lắk tổng công suất 400 MW, Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW, Điện mặt trời Trung Nam công suất 204MW, Điện gió Trung Nam gần 152 MW hay Điện mặt trời Trung Nam - Trà Vinh công suất 140 MW...

Chủ tịch Trung Nam Group Nguyễn Tâm Thịnh bị tạm hoãn xuất cảnh

Ở diễn biến khác, thời điểm cuối tháng 12/2023, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luật thanh tra về việc chấp hành chính sách trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Đáng chú ý, kết luận có nêu rõ những sai phạm trong việc mua bán điện gữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và nhà máy Thuỷ điện Đồng Nai 2.

Dự án thủy điện Đồng Nai 2 tại xã Tân Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng do Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam (Trungnam Power – một thành viên trực thuộc Trung Nam Group) làm chủ đầu tư với công suất lắp máy là 75 MW, vốn đầu tư là 2.500 tỷ đồng.

Theo kết luận Thanh tra Chính phủ, ngày 9/5/2014, công ty mua bán điện và Công ty Cổ phần thuỷ điện Trung Nam đã ký kết hợp đồng mua bán điện với giá tạm tính 1.740 đồng/kWh, cao hơn 757 đồng/kWh so với mức giá trần khung giá phát điện năm 2013 áp dụng đối với các nhà máy thuỷ điện (983 đồng/kWh) được quy định tại Quyết định số 8440/QĐ-BCT ngày 15/1/2013 của Bộ Công Thương.

Mặc dù sau đó, EVN đã đề xuất tạm thanh toán theo mức giá trần quy định của từng năm nhưng Bộ Công Thương đã chấp thuận mức giá tạm thời thanh toán là 1.740 đồng/kWh vượt khung giá quy định, điều này là chưa đúng quy định của Luật Điện lực và quy định giá mua điện không được vượt khung giá do Bộ Công Thương ban hành.

Sau khi chủ đầu tư phê duyệt quyết toán vốn đầu tư nhà máy Thuỷ điện Đồng Nai 2, Công ty Mua bán điện và chủ đầu tư đàm phán lại nhưng giá mua điện vẫn vượt khung quy định là ngoài thẩm quyền phê duyệt hợp đồng của Cục Điều tiết điện lực.

Tuy nhiên, Cục Điều tiết điện lực chưa thực hiện kiểm tra hợp đồng mua bán điện, báo cáo Bộ trưởng xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Mặt khác, EVN và Công ty Cổ phần Thuỷ điện Đồng Nai 2 chưa kịp thời báo cáo Cục Điều tiết điện lực để kiểm tra hợp đồng mua bán điện sau khi đàm phán và ký tắt hợp đồng mua bán điện trên cơ sở quyết toán vốn đầu tư là không đúng quy định của Bộ Công Thương.

Việc đàm phán giá điện trên cơ sở số liệu quyết toán vốn đầu tư do chủ đầu tư cung cấp, trong khi số liệu kiểm toán vốn đầu tư dự án do đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện thiếu tin cậy, do đó giá mua điện đang tạm thanh toán 1.740 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) là chưa đảm quản cơ sở pháp lý.

Những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu trên dẫn đến việc đàm phán, kiểm tra, phê duyệt, xử lý các vướng mắc về giá mua điện, hợp đồng mua bán điện của nhà máy Thuỷ điện Đồng Nai 2 diễn ra từ tháng 12/2008 đến nay chưa được giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật và hợp đồng mua bán điện, Thanh tra Chính pủ xác định trách nhiệm thuộc về Cục Điều tiết điện lực và Bộ Công Thương.