Xem xét ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong tháng 9

Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức thanh toán sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như: Ví điện tử, Mobile Banking, Internet Banking… hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng thay việc người mua và người bán trực tiếp trao đổi với nhau như thông lệ hiện nay.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, tại cuộc họp về Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Thông báo nêu rõ thanh toán không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích như an toàn, thuận tiện, giảm chi phí xã hội, bảo đảm quản lý Nhà nước về vĩ mô, tiền tệ, thanh toán, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm, quản lý thuế...

Đảng và Chính phủ đã có các chủ trương về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Từ năm 2006 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cho từng giai đoạn để làm cơ sở thực hiện. Sau khi kết thúc Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng và xin ý kiến của các cơ quan liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án cho giai đoạn 2021-2025.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp thu đầy đủ những góp ý để hoàn chỉnh Đề án, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và có thể đánh giá được kết quả thực hiện, tập trung vào một số nội dung quan trọng.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu bổ sung thêm những nội dung mang tính chất trọng yếu làm cơ sở đánh giá việc thực hiện mục tiêu, giải pháp của giai đoạn trước; nêu rõ những mục tiêu lớn đạt được và chưa đạt được để trên cơ sở đó thiết kế mục tiêu, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.

Đối với một số mục tiêu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu đưa ra chỉ tiêu phù hợp, trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn trước và điều kiện triển khai của giai đoạn 2021-2025. Xem xét xây dựng khung chỉ tiêu để bảo đảm khả thi, phù hợp thực tế.

Về giải pháp, phải quán triệt nguyên tắc thiết kế các giải pháp tạo môi trường, điều kiện ưu đãi, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của pháp luật, không đưa các giải pháp mang tính chất thủ tục hành chính bắt buộc, đặc biệt là làm tăng chi phí. Có giải pháp tăng lợi ích để khuyến khích và tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, thói quen của người dân đối với các lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt.

Về tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát để bổ sung quy định về phân công trách nhiệm thực hiện cụ thể cho các bộ, cơ quan với nhiệm vụ rõ ràng, có thời gian thực hiện, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, cơ quan kiểm tra, đánh giá, để bảo đảm đạt được mục tiêu chung của đề án. Nghiên cứu về sự cần thiết xây dựng Luật Thanh toán.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại cuộc họp ngày 21/7/2021, bảo đảm an ninh tiền tệ quốc gia, an toàn hệ thống, bí mật cá nhân, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, công khai, minh bạch và theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương chủ trì, nghiên cứu, hoàn thiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành trong tháng 9/2021.

Thanh toán không dùng tiền mặt góp phần hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ. (Ảnh minh họa: Internet)
Thanh toán không dùng tiền mặt góp phần hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ. (Ảnh minh họa: Internet)

Xu hướng thanh toán “một chạm” ngày càng phát triển

Thanh toán không dùng tiền mặt góp phần hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Đồng thời, phát triển các dịch vụ chuyên nghiệp về thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt quy đổi. Khi thanh toán không dùng tiền mặt trở thành một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng hơn.

Đồng thời, tất cả người dân và doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng, đặc biệt là nhóm những người sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Điều này có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế - xã hội trước những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, giúp tăng thích ứng nhanh, hồi phục nhanh, trước những biến cố khó lường của xã hội.

Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Thông tin từ các tổ chức thanh toán lớn cho thấy thanh toán không tiền mặt đã có bước phát triển rất nhanh do người dân có xu hướng online nhiều hơn. Trước đại dịch, người Việt Nam dành 3,1 giờ trực tuyến mỗi ngày, nhưng trong thời gian giãn cách xã hội, con số đó tăng vọt lên 4,2 giờ một ngày vào lúc cao điểm.

Khảo sát về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng của Visa cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh qua tần suất sử dụng ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc và mã QR. 85% người tiêu dùng được khảo sát cho biết đang sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử trên điện thoại thông minh để mua sắm hàng hóa và dịch vụ ít nhất một lần một tuần. Trong đó 44% người tiêu dùng lần đầu tiên mua sắm qua các kênh mạng xã hội kể từ khi đại dịch lan rộng.

Theo số liệu từ mạng lưới VisaNet, tỉ lệ giao dịch không tiếp xúc trên tổng số giao dịch trực tiếp của thẻ Visa tăng 230% so với cùng kỳ. Tỉ lệ tăng trưởng hằng năm của tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử trong giai đoạn quý 1 năm 2021 tăng 5,5 lần so với quý 4 năm 2020. Thanh toán thẻ không tiếp xúc được dùng nhiều nhất trong danh mục thực phẩm và ăn uống, với 67% người tiêu dùng tăng cường sử dụng phương thức này trong năm 2020. Thanh toán qua mã QR cũng tăng vọt trong đại dịch, đặc biệt trong các giao dịch hàng ngày như thanh toán hóa đơn (tăng 71%), mua sắm trong lĩnh vực bán lẻ (tăng 58%) và tại siêu thị (tăng 57%).

Còn theo kết quả khảo sát "Chỉ số thanh toán mới" mà Mastercard thu thập từ 18 thị trường trên toàn cầu, thì 84% người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp cận với nhiều hình thức thanh toán hơn so với một năm trước. Mối quan tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với phương thức thanh toán qua mã QR, ví điện tử và tiền mã hóa đã vượt mức trung bình toàn cầu.

Ngược lại, việc sử dụng tiền mặt sẽ giảm dần. Trên thực tế, 69% người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương tham gia nghiên cứu dự định sẽ ít sử dụng tiền mặt hơn trong năm tới. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra 60% người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết họ sẽ tránh những cửa hàng không chấp nhận bất kỳ hình thức thanh toán điện tử nào.

Tuy nhiên, an ninh vẫn là mối quan tâm hàng đầu. Hơn 40% người dùng nói rằng những lý do hàng đầu khiến họ không thử sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là do lo ngại các vấn đề an ninh và bảo mật dữ liệu. Họ muốn dùng phương thức thanh toán mới nhưng cần có sự đảm bảo nhất định các phương thức thanh toán do người bán đưa ra là an toàn.