Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết trước diễn biến giá xăng dầu giảm, Hiệp hội đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh taxi trên địa bàn thành phố nghiên cứu thực hiện đồng nhất việc giảm giá cước taxi với mức tham khảo từ 500 đồng/km - 1.000 đồng/km.

Ông Hùng cũng cho biết, Thanh Nga và Vạn Xuân là hai hãng taxi đã thực hiện việc giảm giá cước. Các doanh nghiệp còn lại đang kê khai giá cước mới để gửi Sở GTVT TP Hà Nội, ông Hùng cho biết.

Tại TP HCM, Hãng taxi Vinasun vừa đăng ký thủ tục giảm giá cước 1.000 đồng/km sau khi giá xăng dầu giảm.

Trước tháng 1/2022, khi giá xăng tăng đến 23.600 đồng/lít, giá cước của các hãng taxi vẫn giữ nguyên khoảng 13.800 đồng/km so với đợt giá xăng dưới 20.000 đồng/lít. Sau đó, do giá xăng dầu tăng liên tục, các hãng đề xuất tăng giá cước lên 8%. Hiện tại, mức giá cước của hầu hết các hãng taxi ở Hà Nội là 15.000 đồng/km.

Chiếm hơn 50% trong cơ cấu giá thành vận tải, việc xăng, dầu liên tục điều chỉnh giảm là tiền đề để các doanh nghiệp vận tải hạ nhiệt giá cước tương ứng. Về nguyên lý là vậy, tuy nhiên trong chu kỳ tăng giá xăng, dầu vừa qua, mức tăng giá cước giữa các doanh nghiệp cũng như lĩnh vực vận tải là không đồng đều.
Chiếm hơn 50% trong cơ cấu giá thành vận tải, việc xăng, dầu liên tục điều chỉnh giảm là tiền đề để các doanh nghiệp vận tải hạ nhiệt giá cước tương ứng. Về nguyên lý là vậy, tuy nhiên trong chu kỳ tăng giá xăng, dầu vừa qua, mức tăng giá cước giữa các doanh nghiệp cũng như lĩnh vực vận tải là không đồng đều.

Vì sao doanh nghiệp vận tải chưa giảm giá?

Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) cho biết, giá cước tuyến Hà Nội - Lào Cai hiện nay của hãng là 280.000 đồng/người/lượt, tăng 40.000 đồng từ tháng 3/2022 khi giá xăng dầu ở mức 25.000 đồng/lít, sau đó dù giá xăng dầu liên tục tăng cao, chạm mốc gần 33.000 đồng/lít nhưng Sao Việt vẫn không điều chỉnh tăng giá theo mà vẫn giữ nguyên giá cước ở thời điểm giá xăng ở mức 25.000 đồng/lít.

Đến nay, giá xăng tuy đã giảm xuống chỉ còn 24.600 đồng/lít nhưng thời gian giảm chưa dài, chưa đủ để doanh nghiệp bù lỗ trong khoảng thời gian giá xăng tăng cao nên Sao Việt vẫn chưa đề xuất giá cước mới.

Ông Hán Trọng Bằng, chủ hãng xe Cường An chuyên tuyến Hà Nội - Tuyên Quang cho biết trước đây, khi giá xăng chỉ 15.000 - 16.000 đồng/lít, giá vé tuyến Hà Nội - Tuyên Quang đã là 100.000 đồng/vé.

Khi giá xăng tăng đến 26.000 đồng/lít vào tháng 4/2022 (tăng đến 68%), doanh nghiệp mới đề xuất tăng giá vé lên 120.000 đồng/vé (tăng khoảng 20%). Nên dù giá xăng hiện tại đã giảm, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với thời điểm áp dụng mức giá cũ nên hãng cũng chưa đề xuất giảm.

Tại TP HCM, các hãng xe Phương Trang hay Thành Bưởi cũng giữ nguyên giá vé vì trong đợt xăng tăng giá trước đó, giá vé không tăng.

Chiếm hơn 50% trong cơ cấu giá thành vận tải, việc xăng, dầu liên tục điều chỉnh giảm là tiền đề để các doanh nghiệp vận tải hạ nhiệt giá cước tương ứng. Tuy nhiên trong những chu kỳ tăng giá xăng, dầu vừa qua, mức tăng giá cước giữa các doanh nghiệp cũng như lĩnh vực vận tải là không đồng đều. Có thể nhận thấy, chưa tăng nên chưa giảm là một trong những lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp vận tải chưa điều chỉnh giảm giá cước.

Bộ Tài chính đề xuất quy định cụ thể hơn về việc kê khai giá

Liên quan về vấn đề trên, ông Đỗ Công Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho hay việc giảm giá vé hay không phụ thuộc phần lớn vào kê khai lại của doanh nghiệp.

Ví dụ, tại thời điểm doanh nghiệp kê khai, giá xăng dầu cao nhất là 32.000 đồng, sau đó lại giảm xuống 25.000 đồng. Nếu doanh nghiệp không giảm giá vé đã tăng trước đó là 10% các sở GTVT có thể yêu cầu doanh nghiệp rà soát kê khai lại.

Khi doanh nghiệp kê khai lại, các chi phí đầu vào và xăng dầu có tăng hay giữ nguyên so với mức giá tăng cao nhất của xăng dầu mới tính toán được giá cước vận tải có cao hay không.

Tuy nhiên, ông Thủy cũng chia sẻ hiện nay chưa có quy định yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai lại giá khi giá xăng, dầu giảm. Do đó, khi sửa các nghị định về kê khai giá, có thể kiến nghị bổ sung nội dung: Khi các yếu tố đầu vào hình thành giá thay đổi, nếu doanh nghiệp không thực hiện điều chỉnh giá, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được yêu cầu doanh nghiệp kê khai lại.

Mới đây, Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Giá (sửa đổi) đề xuất quy định cụ thể hơn về việc kê khai giá để phục vụ bình ổn giá trong trường hợp cần thiết cũng như là một trong các nguồn thông tin phục vụ cho cơ sở dữ liệu về giá.

Theo Luật Giá hiện hành, biện pháp kê khai giá thể hiện rất rõ chủ trương quản lý, điều hành giá gián tiếp, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước. Hàng hóa thuộc diện kê khai do doanh nghiệp tự quyết định và gửi bản kê khai đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện là phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, thực tế những quy định này chưa phát huy được hết hiệu quả đối với cả cơ quan quản lý và cả phía đơn vị thực hiện. Theo quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành, thì việc kê khai chỉ là cung cấp thông tin về giá để có ngay các giải pháp điều hành, bình ổn giá, vì vậy cần tiếp tục củng cố khâu tổ chức thực hiện linh hoạt, hiệu quả.

Chính vì vậy, tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), chính sách về kê khai giá được xây dựng trên cơ sở bỏ biện pháp đăng ký giá, đồng thời tăng cường biện pháp kê khai giá để có cơ chế kiểm soát hoạt động này; gắn với đó là danh mục hàng hóa, dịch vụ phải kê khai và giao Chính phủ quy định cụ thể, đồng thời đẩy mạnh phân công, phân cấp trong tiếp nhận kê khai giá.