1. Bánh chưng ngũ sắc

Trong tâm thức người Việt, chiếc bánh chưng vuông vức, nhỏ bé vốn có rất nhiều ý nghĩa, biểu tượng của một nét văn hoá lâu đời của Việt Nam mỗi khi Tết đến xuân về. Đó là khi cả gia đình quây quần xung quanh canh nồi bánh chưng, sum họp ấm áp trong bữa cơm gia đình. Đó cũng là thức ăn trang trọng để cúng gia tiên, thể hiện tấm lòng “uống nước nhờ nguồn” của con cháu dành cho cha mẹ, tổ tiên, như trong sự tích “bánh chưng, bánh dầy”.

Bốn món ngon độc lạ giúp gia đình “đổi vị” ngày Tết
Bánh chưng ngũ sắc là món lạ ngày Tết giúp mâm cơm gia đình thêm hương sắc

Quả thực, nói đến bánh chưng ngày Tết của người Việt, người ta sẽ nghĩ đầu tiên đến bánh chưng xanh. Tuy nhiên, đến nay, bánh chưng đã được người Việt sáng tạo theo nhiều cách khác nhau mà vẫn gìn giữ được hồn cốt, ý nghĩa của món ăn truyền thống này. Bánh chưng ngũ sắc chính là một trong những sáng tạo đó – một món ngon độc lạ mà quen thuộc tạo thêm những màu sắc cho mâm cơm gia đình ngày đầu năm.

Bánh chưng ngũ sắc vẫn được làm từ nếp, đậu xanh, hành củ, tiêu hạt và thịt mỡ; thời gian nấu bánh tương tự với khi nấu một chiếc bánh chưng thông thường.

Điểm khác nằm ở khâu sơ chế nếp với các nguyên liệu tạo màu như lá riềng xay, nghệ tươi, gấc, nếp cẩm. Công đoạn khó nhất trong việc thực hiện một chiếc bánh chưng ngũ sắc chính là đổ nếp sao cho các màu nếp không bị trộn lẫn vào nhau.

Như vậy, món ăn cuối cùng sẽ có được 5 màu rõ ràng, tượng trưng cho ngũ hành trong âm dương, bao gồm gồm xanh (tượng trưng mộc), trắng (tượng trưng kim), đỏ (tượng trưng hỏa), tím (tượng trưng thuỷ), vàng (tượng trưng thổ).

2. Lẩu bông súng cá rô đồng

Bốn món ngon độc lạ giúp gia đình “đổi vị” ngày Tết
Lẩu bông súng cá rô đồng là món lạ đặc sắc của người dân miền Tây trong Tết cổ truyền

Lẩu bông súng cá rô đồng là một trong những món ngon đặc sắc của vùng sông nước Tây Nam Bộ trong ngày Tết. Món ăn chế biến đơn giản, ít dầu mỡ nhưng vẫn đủ vị chua cay mặn ngọt, có thể giúp gia đình lấy lại cảm giác ngon miệng sau những ngày chỉ ăn đồ chiên rán và nhiều tinh bột. Bởi lẽ, nồi lẩu được nấu toàn nguyên liệu tươi sống và ít béo nhưng vẫn chứa nhiều dinh dưỡng cho cơ thể.

Cá rô chừng non ba ngón tay khép lại, người ta thường gọi là cá rô “mề”, là loại đạt chất lượng nhất. Kết hợp với các loại rau ăn lẩu chua phong phú như bông súng, đậu bắp, rau muống, cù nèo, rau nhút, bắp chuối, giá sống, cần ống… Nói thêm về bông súng, đây là loại rau có hình cọng, mọc ngầm dưới nước rất nhiều ở các bưng, đìa, ao, vũng. Cọng bông súng tước bỏ vỏ, cắt đoạn chừng 10cm cho vào lẩu rất dễ ăn với lẩu cá rô đồng.

Sau cùng, thêm ít muối hột, sả bằm phi nhẹ, ớt xắt lát; nêm đường, mắm, bột canh; rồi bỏ cà, khóm, me hoặc mẻ chua, rau mù om. Như vậy đã có một nồi lẩu đúng điệu, dân dã mà vẫn thơm nức hương vị Tết của người dân vùng sông nước miền Tây.

3. Pa pỉnh tộp

Khi nghe đến cái tên này, chắc hẳn nhiều bạn đọc vẫn còn cảm thấy xa lạ, không biết đây là thức ăn của vùng nào. Tuy nhiên, món ăn vừa mới lạ vừa thơm ngon này lại là một món ăn rất quen thuộc với người Việt.

Bốn món ngon độc lạ giúp gia đình “đổi vị” ngày Tết
Pa pỉnh tộp - Món lạ mà quen ngày Tết đến từ dân tộc Thái ở vùng núi Tây Bắc

Pa pỉnh tộp vốn là một món ăn đặc sản ngày Tết của người dân tộc Thái ở vùng núi Tây Bắc. Nhưng không chỉ dừng ở đó, nếu bạn có dịp du lịch tới xứ sở chùa vàng Thái Lan thì sẽ biết rằng đây cũng là món ăn thân thuộc vô cùng với người Thái đen nơi đây.

Món ngon độc lạ này được chế biến với nguyên liệu chính là những con cá tươi được nuôi từ sông suối, hay từ những thác nước chảy xuống như cá trắm, cá trôi, cá chép. Người ta sơ chế sạch cá, mổ dọc theo sống lưng và nhồi gia vị đậm hương thơm như sả, mắc khén, gừng vào trong bụng cá. Ngoài ra, cá còn được tẩm thêm một lớp mầm măng của cây sa nhân, phết bên ngoài da cá là thính gạo cùng với bột riềng.

Sau đó, người Thái đem nướng chín những con cá thơm ngon này trên bếp than lửa hồng. Món ăn thành phẩm cuối cùng là khi nướng chín, từng loại gia vị hoà quyện vào nhau, thấm đượm qua lớp thịt cá thơm mềm, lớp da cá giòn rụm, dậy một hương thơm lan toả khắp nơi. Một món ăn ngày tết đậm chất người dân tộc miền núi Tây Bắc, những cũng vừa lạ vừa quen với người dân vùng đô thị hay vùng sông nước, có thể khiến bất kỳ ai “nuốt nước bọt” chỉ với mùi thơm của nó.

4. Bánh láo khoải

Nhắc đến những món ăn đặc sản và cổ truyền lạ mắt lạ tai ngày Tết của người dân tộc thiểu số chắc chắn không thể thiếu bánh láo khoải của người dân tộc Mông. Đã thành truyền thống, Tết của người Mông không thể thiếu ba món là rượu, thịt và bánh ngô.

Chính vì thế, món đặc sản bánh láo khoải của người Mông, không hề bất ngờ, được chế biến từ nguyên liệu chính là ngô – một trong những loại cây lương thực được đồng bào Mông trồng rất nhiều. Bánh láo khoải còn có những cái tên gọi khác như bánh rớ khoải hay là lức khoải.

Bốn món ngon độc lạ giúp gia đình “đổi vị” ngày Tết
Đơn giản và thân thương, Tết người Mông không thể thiếu bánh láo khoải

Mặc dù là món ăn vô cùng đơn giản và thân thương, đối với người Mông, đặc biệt với đồng bào Mông cư trú trên địa bàn Sính Lủng, Thài Phìn Tủng, Vần Chải, Sủng Trái, bánh láo khoải không hề kém cạnh “sơn hào hải vị”, chỉ xuất hiện trong dịp Tết cổ truyền mà thôi. Đối với những người miền xuôi, đây chắc chắn là một món ngon độc lạ ngày Tết đầy thú vị nếu được xuất hiện trong mâm cơm gia đình.

Bánh có màu vàng óng bắt mắt với hình dạng bầu dục, vỏ bánh được phết bao quanh một lớp mật ong rừng tươi trộn đều với mỡ lợn, tạo độ ngọt và ngậy cho bánh. Ngoài cách ăn thông thường, bánh láo khoải có thể được người dân tộc nơi đây nướng trên bếp than, hoặc thái sợi chỉ rồi đem nấu với nước đường ăn rất mát, nước dùng như nước bánh trôi.

Ngoài ra, bánh cũng có thể nấu cùng với đậu Hà Lan, cho thêm muối, mỡ động vật như nấu canh, nêm nếm với những gia vị thường ngày tuỳ theo khẩu vị của mỗi gia đình. Chắc chắn, món canh đậm nét văn hoá người Mông này cũng sẽ rất ngon độc lạ trong bữa cơm gia đình ngày Tết.

Điều đặc biệt khác là khi bánh chưa được dùng thì người Mông sẽ bảo quản chúng bằng một phương pháp là ngâm bánh vào nước lã - phương pháp này có thể kéo dài tuổi thọ của chiếc bánh tới hàng tháng trời mà không bị ẩm mốc.