Ngày 23/5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã cảnh báo tình trạng giả mạo bác sĩ tư vấn bệnh để bán thuốc, thực phẩm chức năng.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện một số clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là nhân viên y tế tại các bệnh viện lớn, lương y, tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe là thuốc chữa bệnh để bán sản phẩm.

Cơ quan này dẫn chứng khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định rõ: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.

Như vậy, bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh. Người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với các clip giới thiệu từng là các bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh.

Việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh, không những tổn thất về kinh tế mà còn tổn hại tới sức khỏe.

Cục An toàn thực phẩm cũng cảnh báo người dân cần lưu ý các điểm sau đây trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe:

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Người dân cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe;

Nên chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng;

Đồng thời khi mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.

Trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip mạo danh bác sĩ của Bệnh viện Quân y 108 (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip mạo danh bác sĩ của Bệnh viện Quân y 108. Ảnh: BVCC

Mới đây, ngày 8/5, đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thời gian qua, đơn vị nhận được một đoạn clip nhân vật tự xưng là bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ và giới thiệu cuốn sách mang tên "Minh triết trong ăn uống của người phương Đông".

Cụ thể, người này khẳng định cuốn sách mới có thể chữa bệnh cho mọi người chứ không phải các phương pháp y học hiện đại.

Không những vậy, một số cá nhân đã chia sẻ đoạn clip trên lên trang Facebook cá nhân (có đến 203.000 người theo dõi) nhằm tạo niềm tin rằng "Bác sĩ Quân y 108" đã khẳng định chỉ cần áp dụng "liệu pháp chữa lành tự nhiên" là "chữa tất cả" và dần dẫn dắt người dân mua thực phẩm chức năng mà người đó bán.

Trước đó, vào tháng 2/2023, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đưa ra cảnh báo về việc một số trang fanpage giả mạo trang fanpage của bệnh viện.

Đặc biệt, một số đối tượng còn giả danh nhân viên của bệnh viện bán thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc cho người bệnh ngay tại phòng khám thuộc khu khám bệnh của Bệnh viện 108. Thậm chí, có đối tượng còn giả danh quen một số bác sĩ của bệnh viện giới thiệu khách hàng đến các phòng khám để trục lợi bất chính.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng đã có cảnh báo đơn vị này tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều người dân qua đường dây nóng về việc có một số đối tượng mạo danh giới thiệu là cán bộ, nhân viên của bệnh viện.

Các đối tượng này lập lên các trang Facebook, TikTok… giả mạo là nhân viên y tế, đội ngũ chuyên gia, thậm chí lợi dụng danh tiếng của các lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết Trung ương để lừa đảo.

Với nhiều thủ đoạn tinh vi, các trang giả mạo này đã thực hiện tư vấn, khám bệnh trực tuyến, giới thiệu bán thuốc điều trị bệnh đái tháo đường (tiểu đường), bệnh tuyến giáp, mồ hôi tay chân… và các bệnh nội tiết khác nhằm trục lợi từ người bệnh.

"Nhiều đối tượng còn ngang nhiên trà trộn trực tiếp đóng giả làm người bệnh và người nhà bệnh nhân bắt chuyện với bệnh nhân thật để bán nhiều loại nhân sâm, tam thất không rõ nguồn gốc, không có hạn sử dụng, nhãn mác, không ghi bất kỳ thành phần gì bên trong với giá cao lên tới từ 3 - 5 triệu đồng/liệu trình điều trị. Đã có nhiều người bệnh cả tin bị lừa và mua phải những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc này" - đại diện Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay.