Bộ Tài chính đang đề xuất miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, trong đó có 35 khoản phí, lệ phí với mức giảm cao, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Dự kiến số giảm thu ngân sách từ giảm các khoản phí, lệ phí này là khoảng 700 tỷ đồng.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán (trừ phí giám sát hoạt động chứng khoán và lệ phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận hành nghề chứng khoán).

Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; Phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã số mã vạch nước ngoài; Lệ phí sở hữu công nghiệp cũng được đề xuất giảm 50%.

Một số khoản phí, lệ phí khác được đề xuất giảm 50% gồm: Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; Phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy; Lệ phí cấp Căn cước công dân; Phí trong chăn nuôi...

Bộ Tài chính đề xuất giảm 10 - 50% nhiều khoản phí, lệ phí. Ảnh minh họa
Bộ Tài chính đề xuất giảm 10 - 50% nhiều khoản phí, lệ phí. Ảnh minh họa

Kể từ 1/1/2024 trở đi, các mức thu tại biểu phí nêu trên sẽ trở lại thực hiện theo quy định tại thông tư gốc.

Như vậy, Bộ Tài chính đã liên tục rà soát để tiếp tục giảm các khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh còn nhiều khó khăn sau đại dịch. Dù ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, nhưng Bộ Tài chính vẫn kiên định theo đúng mục tiêu đã đề ra, đó là tiếp tục triển khai các gói tài khóa hỗ trợ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, việc giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí hỗ trợ cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo Thông tư số 120/2021/TT-BTC trong 8 tháng qua đã lên tới khoảng 900 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ có công văn số 2614/VPCP-KTTH về phương án miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2023. Trong đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính chủ động thực hiện việc xây dựng văn bản quy định về giảm các khoản thu phí, lệ phí theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả việc báo cáo Thủ tướng quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với thông tư của Bộ Tài chính.