Gần nhất là trường hợp một bệnh nhi là bé trai 10 tuổi, tạm trú tại phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Qua điều tra, ngày 19/6, bé bị sốt và được gia đình đưa đi khám tại Bệnh viên Nhi Đồng 1. Tại đây, bác sĩ tư vấn bé bị thiếu máu nên kê đơn thuốc bổ rồi cho ra về. Trong các ngày 21 và 22/6, bé sốt trên 38 độ và nổi hột nhỏ rải rác ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, rồi nôn ói nhưng gia đình vẫn cho bé ở nhà theo dõi.

Biểu đồ so sánh mắc tay chân miệng theo tuần (năm 2022-2023). Nguồn: Sở Y tế Bình Dương
Biểu đồ so sánh mắc tay chân miệng theo tuần (năm 2022-2023). Nguồn: Sở Y tế Bình Dương

Đến ngày 23/6, thấy con chuyển nặng, gia đình đưa đi khám tạu Bệnh viện Nhân Sinh (thành phố Thuận An), sau đó được chuyển viện đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương trong tình trạng lơ mơ. Đến 19h cùng ngày, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM. Ngày 25/6, bé tử vong tại bệnh viện.

Một trường hợp khác là bé gái 38 tháng tuổi, ngụ phường An Thạnh, thành phố Thuận An. Ngày 14/6, bệnh nhi được gia đình đưa nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM trong tình trạng đã chuyển nặng, 2 ngày sau bé đã tử vong.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, Bình Dương ghi nhận 938 ca mắc tay chân miệng (giảm 21% so với cùng kỳ 2022). Tuy nhiên, trong 4 tuần gần đây (từ 19/5/2023 đến 15/6/2023) đã ghi nhận 548 ca mắc, trong đó có 33 ca bệnh nặng. Số ca mắc bệnh tăng gấp 4 lần so với 4 tuần trước đó.

Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng gia tăng và có trường hợp tử vong, lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương đã chỉ đạo về việc tăng cường công tác giám sát và phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng .

Về công tác phòng bệnh tay chân miệng trong thời gian tới, ngành Y tế Bình Dương duy trì thường xuyên các hoạt động giám sát, xét nghiệm phát hiện ca bệnh và xử lý kịp thời, khống chế không để dịch bệnh lan rộng. Đồng thời tăng cường phối hợp với Viện Pasteur TP HCM triển khai giám sát chặt chẽ các biến thể vi rút mới.

Một trong các triệu chứng ở trẻ mắc bệnh tay chân miệng (Ảnh minh họa)
Một trong các triệu chứng ở trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Ảnh minh họa

Tăng cường sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, điều tra, xử lý ngay trong vòng 48 giờ khi phát hiện ca tản phát hoặc ổ dịch tay chân miệng. Tổ chức các đoàn giám sát, hỗ trợ kỹ thuật điều tra, xử lý, báo cáo ổ dịch tay chân miệng tại địa bàn quản lý...

Phòng Y tế các thành phố và cấp huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành trong công tác phòng chống dịch, kiểm tra công tác giám sát bệnh, vệ sinh phòng bệnh tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo đang tổ chức khóa học hè và các hộ trông trẻ tại gia đình. Phát hiện, cách ly sớm ca bệnh, thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường.

Một số lưu ý để chủ động phòng, chống và nhận biết dịch bệnh tay chân miệng:

Triệu chứng đi kèm

- Đa số bệnh nhi không có triệu chứng ho

- Đa số bệnh nhi không tiểu lỏng trong những ngày đầu của bệnh

- Nôn ói là dấu hiệu của biến chứng

Lưu ý những trẻ sốt cao

- Thường trẻ bị bệnh tay chân miệng chỉ sốt nhẹ

- Biến chứng thưởng xảy ra vào thời điểm sốt cao nhất trong quá trình bệnh

Tránh bỏ sót và cần lưu ý trẻ phát ban hay lở miệng kín đáo

- Chú ý vùng gối- mông - rìa bàn tay/ngón tay

- Chú ý khám kỹ vùng họng

- Trẻ có tổn thương da ít thường do EV17