Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại Nhà nước về các giải pháp giảm lãi suất cho vay , tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác trong rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc dự án bất động sản.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh trong lúc người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành và sử dụng hết các công cụ của Nhà nước để chia sẻ, hỗ trợ, trên tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro". Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cần sử dụng hết các công cụ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý.

Đối với thị trường tài chính, Thủ tướng yêu cầu hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện, bảo đảm phù hợp, chặt chẽ, khả thi; nhất là việc giảm lãi suất huy động và cho vay, bảo đảm cân đối, hài hoà giữa tỉ giá và lãi suất, giữa lãi suất và lạm phát, tăng khả năng tiếp cận vốn, hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp.

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp , Thủ tướng yêu cầu đưa ra các công cụ, cách thức, phương pháp để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có điều kiện, khả năng thanh toán cho các trái chủ theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường niềm tin của thị trường. Bộ Tài chính cần phát huy vai trò chủ động hơn nữa, thảo luận với với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và trái chủ để tìm ra tiếng nói chung, giải pháp chung trên nguyên tắc lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ.

Đối với thị trường bất động sản , ngoài tháo gỡ về pháp lý, cần hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp để hoàn thành các công trình, dự án đưa các sản phẩm vào thị trường. Triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh trục lợi, tiêu cực.

Thủ tướng cho rằng các ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm tỉ lệ lớn trong tổng lượng tín dụng của nền kinh tế. Do đó, các ngân hàng này cần tham gia dẫn dắt, điều tiết thị trường; giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay; có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với từng đối tượng cụ thể, hướng tín dụng vào đúng vào các địa chỉ, lĩnh vực cần thiết.

Giảm lãi suất, thuế VAT, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp Ảnh minh họa
Giảm lãi suất, thuế VAT, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp Ảnh minh họa

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, tại cuộc hợp, 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước đã đồng thuận cao về chủ trương của NHNN về việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản hệ thống để góp phần giúp các ngân hàng hạ mặt bằng lãi suất.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, thông tin thêm, trong thời gian qua, NHNN đã điều hành liên tục tăng lượng tiền cung ứng trên thị trường mở, giảm lãi suất trên thị trường này từ 6% xuống còn 5%. Thanh khoản hệ thống dồi dào với số dư tiền gửi dự trữ của các ngân hàng tại NHNN thường xuyên dư thừa, lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh tạo điều kiện giảm lãi suất trên thị trường 1.

Cùng với đó, tỷ giá VND ổn định so với các đồng tiền khác giúp NHNN mua một lượng lớn ngoại tệ tăng dự trữ ngoại tệ, tương ứng đưa lượng tiền đồng lớn ra thị trường.

Thực tế, thời gian gần đây, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.

Chỉ trong vòng 2 tuần, NHNN đã tiến hành liên tiếp 2 đợt giảm lãi suất điều hành vào các ngày 15/3 và 3/4. Lãi suất huy động đã giảm mạnh sau 2 lần giảm lãi suất điều hành. So với mức đỉnh điểm ghi nhận hồi giữa tháng 1, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5-1,5% ở tất cả kỳ hạn.

Mặt bằng lãi suất huy động nhiều ngân hàng đã về dưới 8%/năm. Hiện chỉ còn 2 ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi trên 9%/năm là ABBank và OCB.

NHNN vừa công bố diễn biến lãi suất của tổ chức tín dụng đối với khách hàng tháng 3/2023. Theo đó, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5,5- 5,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 7,0-8,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 6,7-7,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 7,1- 8,1%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Lãi suất tiền gửi USD của tổ chức tín dụng ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Từ đầu tháng 4 đến nay, các ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động, mức giảm khoảng 1-1,5%/năm.

Về lãi suất cho vay, theo NHNN, trong tháng 3, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,6-11,3%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,5%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN. Lãi suất cho vay USD bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,4 - 5,7%/năm đối với ngắn hạn; 6,1-6,4%/năm đối với trung và dài hạn.

Hiện, mức lãi suất cho vay mới đã giảm 0,6% so với với cuối năm 2022 và tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới.