Bệnh viện đa khoa Thu Cúc: Biến tướng quảng cáo, trục lợi trên nỗi sợ hãi của người bệnh?
Khát khao sống của con người rất mãnh liệt, chưa kể, nhiều người có tâm lý “lo xa”, sợ sức khỏe giảm dần theo thời gian… Lợi dụng tâm lý này, nhiều cá nhân, doanh nghiệp nói chung và Bệnh viện Đa khoa quốc tế (BVĐKQT) Thu Cúc nói riêng đã nhắm đến nỗi sợ hãi của khách hàng bằng cách tung ra các video quảng cáo với lời dẫn cảnh báo “đe doạ”, từ đó “thần thánh hóa” các phương pháp điều trị của bệnh viện, trục lợi trên niềm tin của người tiêu dùng?
Truyền thông “nói quá” so với sự thật hay truyền thông đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng đang bị biến tướng theo nhiều hình thức khiến người dân bị “tung hỏa mù”. Cụ thể, slogan “Công nghệ tối tân - biết ngay ÁN TỬ” trong một quảng cáo mới đây của BVĐKQT Thu Cúc đã khiến người đọc cảm thấy hoang mang, lo lắng, sợ hãi hơn là sự tin tưởng.
Slogan “gây bão”, phẫn nộ trong dư luận. |
Theo quảng cáo “đao to búa lớn” này, khách hàng chỉ cần đến với BVĐKQT Thu Cúc, “những công nghệ tối tân” tại đây như... máy chụp cộng hưởng từ MRI - thiết bị mà các bệnh viện đầu ngành nào cũng có - sẽ giúp khách hàng biết được “Án tử” của mình?
Bên cạnh slogan đang “gây bão” nói trên, trên website chính thức của BVĐKQT Thu Cúc (benhvienthucuc.com), Thu Cúc sử dụng cả hình ảnh người nổi tiếng để “lợi dụng” khẳng định thêm “uy tín” với khách hàng.
Thu Cúc sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng để thêm phần uy tín? |
Ghi nhận thêm phản hồi về quảng cáo “Tầm soát ung thư sớm để trọn vẹn mỗi ngày”, đa số người dân đều tỏ ra khá bức xúc: “Tầm soát là một phương pháp văn minh nhưng không nên quảng cáo quá lời như vậy, nói vậy không khác gì khiến dư luận nghĩ theo hướng ngược lại, không đến Thu Cúc thì sẽ sống khônh trọn vẹn?”.
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long – người sáng lập truyền thông Trăng đen, ảnh hưởng đầu tiên của truyền thông "bẩn" là túi tiền người tiêu dùng. Những doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh sẽ nhắc tới toàn bệnh tật, chết chóc nên khiến một bộ phận người dân có tâm lý phòng còn hơn chữa; số còn lại sẽ “quay lưng” với chiêu trò của doanh nghiệp.
Những lời quảng cáo dễ gây hiểu lầm, hiệu ứng ngược |
Vấn đề nào cũng có hai mặt. Và mặt trái của việc quảng cáo quá đà dẫn đến việc đánh mất niềm tin của mọi người là một trong những hậu quả khủng khiếp và khó cứu vãn nhất của truyền thông “bẩn” đánh vào nỗi sợ hãi của người dân.
Ông Nguyễn Đồng Anh, giảng viên Khoa Truyền thông quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam từng bày tỏ quan điểm về vấn đề này rằng: "Niềm tin chính là tài sản của một con người, doanh nghiệp, mất đi cái đó chính là mất một lượng khách hàng lớn. Truyền thông là con dao 2 lưỡi nên về lâu về dài, một doanh nghiệp muốn kinh doanh bền vững, trường tồn thì họ cần có những định hướng chiến lược truyền thông nhất định, không nên sử dụng những công cụ mà nó không tốt, không lành mạnh”, ông Anh nói.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên Hệ thống Y tế Thu Cúc (gọi tắt là TCI, hiện nay gồm Bệnh viện đa khoa quốc tế Thu Cúc và Phòng khám đa khoa quốc tế Thu Cúc) vướng phải "lùm xùm" liên quan đến vấn đề quảng cáo. Gần đây nhất, tháng 12/2020, hàng loạt hình ảnh, clip do Thẩm mỹ Thu Cúc đăng tải trên Fanpage Thẩm mỹ Thu Cúc và kênh Youtube Thẩm mỹ Thu Cúc khiến nhiều người ngán ngẩm khi khách hàng, người mẫu nữ để lộ gần như toàn bộ vòng một nhằm mục đích quảng cáo quá trình đo vẽ trước thẩm mỹ, hoặc sản phẩm trước và sau khi hoàn thiện quá trình nâng cấp.
Việc Thẩm mỹ Thu Cúc vẫn được biết đến là thương hiệu lớn trong lĩnh vực thẩm mỹ tại Việt Nam nhưng lại sử dụng hình ảnh phản cảm để quảng cáo dịch vụ dễ khiến khách hàng có cái nhìn không hay về đơn vị này.
Quay trở lại sự việc trên, có thể, BVĐKQT Thu Cúc có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại hơn nhưng cách mà BVĐKQT Thu Cúc lựa chọn quảng cáo vs các câu từ không phù hợp đã khiến thương hiệu của Hệ thống Y tế Thu Cúc đặt ngang với sự quảng cáo lố bịch của các gánh "Sơn Đông mãi võ" đang dùng để bán thuốc gia truyền đặc trị khiến truyền thông, dư luận phẫn nộ.
Thiết nghĩ, Hệ thống Y tế Thu Cúc bên cạnh việc cần nâng cao, trau dồi chuyên môn thì cũng cần xem lại các phương thức truyền thông, quảng cáo; đặt đạo đức nghề nghiệp lên trên việc trục lợi từ “sự sợ hãi” của khách hàng.
Quảng cáo có đạo đức là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng hình ảnh doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Luật Quảng cáo năm 2012 đã quy định rõ các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam, phóng đại, phản cảm, thiếu thẩm mỹ… nhưng vi phạm về đạo đức trong quảng cáo vẫn diễn ra liên tục. Nguyên nhân là do hình thức xử phạt hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe, chủ yếu là phạt tiền và xử lý hành chính. Đa số các vi phạm trong quảng cáo thường rơi vào các trường hợp như: Lợi dụng niềm tin sai lệch; phóng đại; hình thức khó coi và mang tính nhạy cảm. Theo kết quả nghiên cứu của Nhóm chuyên về đạo đức kinh doanh cho thấy, có hơn 80% người tham gia phỏng vấn đã từng tẩy chay sản phẩm vì DN vi phạm đạo đức, và 99,7% người cho rằng, họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những DN tuân thủ đạo đức kinh doanh. Cho nên, nếu tất cả những người tiêu dùng đều mạnh dạn tẩy chay các DN vi phạm đạo đức kinh doanh nói chung và vi phạm đạo đức trong quảng cáo nói riêng thì sẽ là rào cản rất lớn cho các DN có hành vi vi phạm đạo đức. |