Giá thanh long tăng gấp 3-4 lần, nông dân lãi lớn ăn Tết to

Trao đổi với PV. VietNamNet chiều 11/1, ông Trương Quang An, Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu (Long An), cho biết, thanh long ruột trắng đã tăng lên trên 20.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ ở mức 30.000 đồng/kg.

Đây là thanh long nghịch vụ, sản lượng không có nhiều. Những ngày này, nhà vườn có bao nhiêu ông gom mua hết bấy nhiêu để xuất khẩu. Thế nên, ngoài lượng thanh long của các thành viên trong HTX, ông còn thu mua thêm từ các nhà vườn liên kết, song vẫn thiếu hàng. Như ngày 11/1, ông chỉ gom mua được 15 tấn thanh long ruột trắng và ruột đỏ.

Theo ông, không chỉ tiêu thụ rất tốt tại thị trường nội địa dịp Tết Nguyên đán, xuất khẩu thanh long cũng nhộn nhịp hơn trước. Đặc biệt, sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, hàng xuất sang thị trường này càng thuận lợi hơn nên giá cũng tăng mạnh so với trước kia.

Thời điểm cuối năm 2021 đầu năm 2022, tình trạng tắc biên khiến giá thanh long thu mua tại vườn giảm xuống mức 2.000-4.000 đồng/kg. Sau đó, giá thanh long đã phục hồi nhưng neo ở mức thấp, nhiều nông dân chặt bỏ vườn thanh long già cỗi để chuyển sang các loại cây trồng khác.

“Nay Trung Quốc tăng mua, xuất khẩu thuận lợi, nhà vườn lãi lớn ăn Tết to”, ông An chia sẻ. Ông nhẩm tính, 1ha thanh long ruột trắng vụ nghịch cho thu khoảng 26 tấn trái. Với mức giá bán như hiện nay, nhà vườn có thể thu lãi từ 250-300 triệu đồng/ha/vụ. Một năm 3 vụ nên giá ổn định như thời điểm hiện tại thì người nông dân yên tâm duy trì sản xuất.

Vườn thanh long của ông Trần Văn Bình ở xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) đã có rất nhiều thương lái đến hỏi mua dù trái thanh long còn 3 ngày nữa mới tới lứa cắt bán.

“Nhu cầu thị trường nội địa tăng, Trung Quốc mở cửa trở lại nên tiêu thụ thanh long tốt, giá bán cao”, ông nói.

Tại thủ phủ thanh long Bình Thuận, thương lái thu mua thanh long ruột trắng từ 18.000-26.000 đồng/kg, còn thanh long ruột đỏ dao động từ 35.000-42.000 đồng/kg. Mức giá này tăng gấp 3-4 lần so với cách đây một tháng, còn so với cùng kỳ năm ngoái tăng gấp cả chục lần.

Các vựa thanh long ở huyện Chợ Gạo đang thu mua thanh long ruột đỏ loại 1 với giá trên 34.000 đồng/kg, loại 2 với giá 28.000-30.000 đồng/kg và loại 3 là từ 23.000-25.000 đồng/kg.

Bán được giá cao, nông dân trồng thanh long dịp này lãi lớn.
Bán được giá cao, nông dân trồng thanh long dịp này lãi lớn.

Ông Trần Đình Trung - Giám đốc HTX Thuận Tiến (Hàm Thuận Bắc) - khẳng định, với giá thanh long như hiện nay người nông dân trúng đậm, nhưng sản lượng vụ nghịch này không có nhiều, hàng khá khan hiếm.

Diện tích thanh long của các thành viên HTX này chỉ 24ha, diện tích liên kết khoảng 200ha. Theo ông Trung, nếu duy trì được mức giá thanh long từ 14.000-15.000 đồng/kg trở lên thì bà con nông dân sẽ canh tác tốt, ổn định sản xuất, bởi mức giá này đã có lãi.

Ở nước ta sản lượng thanh long lên tới hàng triệu tấn mỗi năm. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính, chiếm khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam. Khi Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid, kiểm soát chặt dịch bệnh trên phương tiện, hàng hóa khiến trái thanh long xuất khẩu sang thị trường này bị ảnh hưởng nặng, giá lao dốc.

Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo từ ngày 8/1 gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng chống Covid-19 tại cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả hàng hóa đông lạnh. Đồng thời, Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch Covid-19.

Trao đổi về thị trường Trung Quốc tại họp báo Kết quả công tác năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Bộ NN-PTNT, cơ quan chức năng ngành nông nghiệp nhận định, Trung Quốc mở cửa là cơ hội cho nông sản Việt Nam xuất khẩu, nhất là xuất khẩu trái cây. Thời gian qua, nhiều loại trái cây của ta đã ký được nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân này.

Trung Quốc mở cửa trở lại, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc dự báo sẽ bùng nổ thời gian tới.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định, với những tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh, trong đó kim ngạch xuất khẩu quả thanh long có thể lấy lại mốc tỷ USD.

Hoàn thành hơn 160 chuyến hàng Tết lưu động về các xã vùng xa

Tính đến hết ngày 19/1 (28 tháng Chạp), các HTX thương mại dịch vụ của tỉnh Đồng Nai đã cơ bản hoàn thành chuyến hàng Tết bình ổn giá lưu động về các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn các huyện: Trảng Bom, Tân Phú, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán với doanh thu đạt khoảng 1,4 tỷ đồng.

Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Phương Lâm (huyện Tân Phú) Nguyễn Danh Thịnh cho biết, HTX đã hoàn thành 30 chuyến hàng thiết yếu với giá bình ổn về các xã vùng xa trong huyện, tăng thêm 10 chuyến hàng so với năm ngoái.

Tương tự, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Suối Cát (huyện Xuân Lộc) Bùi Văn Thìn cho biết, HTX triển khai 3 điểm bán hàng bình ổn giá tại chợ và vừa hoàn thành 22 chuyến hàng bình ổn giá đến các địa phương vùng xa để phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn H.Xuân Lộc vào dịp Tết Nguyên đán.

Theo Sở Công thương, các địa phương trong tỉnh đã phê duyệt 6 đơn vị tham gia triển khai các chuyến hàng đưa hàng hóa bình ổn giá vào dịp Tết đến các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh với tổng số tiền hỗ trợ chi phí vận chuyển, nhân công và bao bì gần 405 triệu đồng với 163 chuyến hàng.

Chi trên 4.400 tỉ đồng hỗ trợ người lao động trong dịp tết

Theo Tổng liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam, tính đến ngày 17/1, các cấp công đoàn đã hỗ trợ quà và tiền mặt cho gần 4,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động với tổng số tiền trên 4.239 tỉ đồng; hỗ trợ cho gần 83.176 vé tàu, xe, máy bay cho đoàn viên, người lao động với số tiền gần 147 tỉ đồng; bố trí 1.855 chuyến xe để đưa đón gần 388.000 đoàn viên, người lao động về quê đón tết với số tiền lên đến gần 36 tỉ đồng; tổ chức trao tặng 694 căn nhà “Mái ấm công đoàn” với tổng số tiền trên 19 tỉ đồng.

Theo số liệu chưa đầy đủ, tổng số tiền chăm lo cho đoàn viên, người lao động chi từ nguồn tài chính công đoàn khoảng 1.814 tỉ đồng; nguồn kêu gọi xã hội hóa ủng hộ kinh phí chăm lo cho đoàn viên, người lao động trên 2.627 tỉ đồng.

Bên cạnh hoạt động chăm lo truyền thống thăm hỏi, tặng quà, mua vé tàu, xe, vé máy bay, tặng nhà mái ấm công đoàn, gửi thư chúc tết, gặp gỡ và trao quà đến tận các khu nhà trọ… các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 được đa dạng về hình thức, phương thức chăm lo như: tổ chức những chương trình tết cho con em công nhân lao động, tặng vé du xuân, đi chợ hoa tết, tặng cành đào, bánh chưng, giỏ quà tết đối với đoàn viên, người lao động không thể về quê đón tết…

Công nhân Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn được tặng quà và vé xe về quê ăn tết. Ảnh: Báo Thanh Niên
Công nhân Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn được tặng quà và vé xe về quê ăn tết. Ảnh: Báo Thanh Niên

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có riêng kế hoạch tổ chức chương trình “Chợ tết công đoàn 2023" tại 22 địa phương, ngành trong đó tập trung, ưu tiên tổ chức chương trình tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, kinh tế - xã hội khó khăn và những địa phương, ngành có đông công nhân lao động...

Tại mỗi chương trình “Chợ tết công đoàn năm 2023”, Tổng LĐLĐ tổ chức từ 40 - 120 gian hàng để giới thiệu, cung cấp các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa với giá ưu đãi từ 15% đến 70%, gian hàng 0 đồng; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui xuân; tư vấn, khám sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí; tư vấn pháp luật; tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn…; tặng phiếu mua hàng cho 2.000 - 2.500 người lao động, với giá trị 300.000 đồng/phiếu (tổng giá trị 15,45 tỉ đồng).

Tính đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức thành công 22 chương trình "Chợ tết công đoàn 2023", thu hút sự tham gia bán hàng, giới thiệu sản phẩm của khoảng 1.320 doanh nghiệp với 1.479 gian hàng. Qua các ngày của chương trình đã có hơn 300.000 lượt đoàn viên, người lao động, người dân tham gia. Trị giá hàng hóa giảm giá bán ra trong các ngày diễn ra chương trình ước khoảng 150 tỉ đồng. Số tiền giảm giá cho đoàn viên, người lao động ước khoảng 31 tỉ đồng so với giá thị trường.

Xuất hiện gốc mai 1,5 tỷ đồng ở chợ hoa kiểng Bạc Liêu

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, vào chiều 28 Tết, tại chợ hoa kiểng Bạc Liêu (nằm trên đường Nguyễn Tất Thành và đường Hòa Bình nối dài, phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) trở nên nhộn nhịp hơn hẳn so với những ngày trước đó.

Nhiều gốc mai kiểng, hoa kiểng giá cao được bày bán nhiều trên phố. Người đến mua cũng tấp nập, người chở hoa thuê cũng tất bật vận chuyển hoa cho khách.

Gốc mai 1,5 tỷ cũng xuống phố.
Gốc mai 1,5 tỷ cũng xuống phố.

Ông Hồng Văn Vẹn, Chủ tịch UBND phường 1 cho biết, tiểu thương buôn bán ở chợ hoa kiểng năm nay đến từ các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp và Bạc Liêu... với hơn 200 lô sạp đã được đăng ký trước đó.

"So với dịp giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, dịp giáp Tết năm nay số tiểu thương đăng ký lô sạp tại chợ hoa kiểng cao hơn", ông Vẹn cho hay.

Đặc biệt, tại đây xuất hiện gốc mai được treo giá 1,5 tỷ được chủ nhân trồng cách nay hơn 10 năm với tán rộng sum suê. Gốc mai tiền tỷ này có chiều cao khoảng 5m và rộng khoảng 6m. Gốc mai to hơn hai gang tay người chụm lại.