Bộ Y tế lưu ý về khám sức khỏe hậu COVID-19

Bộ Y tế mới ban hành công văn về việc khám chữa bệnh cho người dân sau khi mắc COVID-19. Các triệu chứng hậu COVID-19 rất đa dạng, có đến 203 triệu chứng khác nhau...

Cụ thể, Bộ Y tế lưu ý người dân sau khi mắc COVID-19, một số người chậm hồi phục sức khỏe cần được theo dõi sức khỏe. Các triệu chứng hậu COVID-19 rất đa dạng, có đến 203 triệu chứng khác nhau, có thể xuất hiện sau khi COVID-19 đã hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu, hoặc tái phát theo thời gian. Triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực...

Bộ Y tế khuyến cáo khi các dấu hiệu, triệu chứng của hậu COVID-19 làm sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, tác động đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội, người dân cần đi khám sức khỏe. Các cơ sở khám, chữa bệnh đa khoa hoặc chuyên khoa thực hiện khám, chữa bệnh hậu COVID-19 theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cấp phép.

Theo Bộ Y tế có đến 203 triệu chứng khác nhau của hậu COVID-19, có thể xuất hiện sau khi COVID-19 đã hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu, hoặc tái phát. Ảnh: minh hoạ
Theo Bộ Y tế có đến 203 triệu chứng khác nhau của hậu COVID-19, có thể xuất hiện sau khi COVID-19 đã hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu, hoặc tái phát. Ảnh: minh hoạ

Cùng với đó, Bộ Y tế yêu cầu người dân không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không được cấp phép lưu hành sản phẩm hay các bài thuốc truyền miệng hoặc theo các nguồn tin không chính thống để chữa bệnh.

Theo đó, để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người dân sau khi mắc COVID-19 trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và y tế các bộ, ngành chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện khám, chữa bệnh cho người bệnh (người lớn và trẻ em) khi mắc và sau mắc COVID-19 theo đúng các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế đã ban hành, như hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, trong đó có hướng dẫn phục hồi chức năng cho người bệnh COVID-19 sau ra viện, chăm sóc sức khỏe tâm thần; hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do vi rút SARS-CoV-2 (COVID-19)...

“Sở Y tế các địa phương, y tế các bộ, ngành phải chỉ đạo các cơ quan truyền thông, cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để người dân hiểu đúng và đầy đủ về các dấu hiệu, triệu chứng hậu COVID-19. Đồng thời, hướng dẫn người dân về thời điểm nào cần đi khám, chữa bệnh và thực hiện khám, chữa bệnh phù hợp, tránh để người dân lo lắng, hoang mang quá mức, tránh lạm dụng chỉ định ở các cơ sở khám, chữa bệnh”, Bộ Y tế nêu rõ.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Thanh tra Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn về hoạt động chuyên môn, thông tin, quảng cáo khám, chữa bệnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh, xử lý nếu có vi phạm...

Ngày 24/4: Có 8.813 ca COVID-19 mới, riêng TP HCM chỉ có 48 ca

Tính từ 16h ngày 23/4 đến 16h ngày 24/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.813 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 8.812 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.553 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 6.245 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (970), Bắc Giang (540), Phú Thọ (511), Quảng Ninh (495), Nghệ An (442), Yên Bái (424), Lào Cai (325), Tuyên Quang (311), Vĩnh Phúc (302), Thái Nguyên (297), Bắc Kạn (278), Thái Bình (249), Quảng Bình (236), Nam Định (216), Hải Dương (207), Đắk Lắk (189), Hưng Yên (177), Gia Lai (165), Cao Bằng (163), Lạng Sơn (162), Lâm Đồng (162), Hà Tĩnh (137), Bắc Ninh (126), Ninh Bình (126), Lai Châu (120), Đà Nẵng (116), Bến Tre (107), Hòa Bình (94), Hà Nam (87), Hà Giang (87), Vĩnh Long (87), Quảng Trị (72), Thanh Hóa (71), Sơn La (71), Điện Biên (70), Bình Định (67), Quảng Nam (56), Bình Phước (56), Bà Rịa - Vũng Tàu (54), Hải Phòng (49), TP. Hồ Chí Minh (48), Tây Ninh (41), Phú Yên (40), Quảng Ngãi (31), Đắk Nông (29), Bình Dương (28), Cà Mau (27), Bình Thuận (25), Thừa Thiên Huế (13), Đồng Tháp (10), Khánh Hòa (9), Cần Thơ (6), Bạc Liêu (6), Kiên Giang (5), Đồng Nai (4), Long An (4), Trà Vinh (4), An Giang (4), Kon Tum (2), Hậu Giang (2).

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến ngày 24/4.
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến ngày 24/4.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Phú Thọ (-242), Bà Rịa - Vũng Tàu (-156), Gia Lai (-153).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Tĩnh (+137), Bến Tre (+67), Lai Châu (+38). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 11.593 ca/ngày.

Việt Nam đã tiêm hơn nửa triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số liều vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đến chiều ngày 24/4 là 575.771 liều (mũi 1).

Như vậy sau mười ngày triển khai tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi này, tính từ ngày 14/4 khi Quảng Ninh tiến hành tiêm cho gần 200 trẻ đầu tiên học lớp 6 trường THCS Trần Quốc Toản ( TP Hạ Long), đến nay đã có 45/63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm và có báo cáo kết quả hàng ngày về Bộ Y tế là TP Hà Nội, TP Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Quảng Ninh, Nghệ An, Lai Châu, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, TP HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, TP Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Bạc Liêu.

Hôm nay, các địa phương tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi theo lộ trình tiêm trẻ lớp 6 trước sau đó hạ dần độ tuổi và khối lớp.

Bộ Y tế hướng dẫn tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi

Việt Nam đã tiêm hơn nửa triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Ảnh minh họa

Theo GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế, khi mắc COVID-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong. Với trẻ em qua theo dõi thì thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19).

Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm.

Việc tiêm chủng này có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm đi được lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Và khi được tiêm chủng, trẻ cũng sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác.

Hà Nội tạm dừng, thu gọn các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19

Với số ca mắc COVID-19 mới giảm mạnh thời gian gần đây, nhiều cơ sở thu dung điều trị F0 thể nhẹ tại Hà Nội đang được tạm dừng, thu gọn.

Trạm Y tế lưu động số 1 huyện Thanh Trì cuối năm 2021 từng là một trong những Cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 thể nhẹ đầu tiên của Hà Nội. Cùng với đó là 20 Trạm Y tế đã được kích hoạt đồng loạt tại 16/16 xã, thị trấn của huyện Thanh Trì. Đến nay, khi dịch có xu hướng giảm, huyện Thanh Trì đã có những thay đổi để thích ứng.

Bà Nguyễn Kim Nhung - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì cho biết: "Chúng tôi đã xin ý kiến huyện và huyện đã chỉ đạo tạm dừng các hoạt động của các cơ sở thu dung và 13 Trạm y tế lưu động. Tất cả cơ sở khi dừng hoạt động, chúng tôi đã phối hợp với Ban chỉ huy quân sự huyện cũng như Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện để thực hiện các biện pháp y tế, đảm bảo khử sạch, khử khuẩn và bàn giao lại cho các đơn vị trường học tiếp tục hoạt động".

Bên cạnh việc tạm dừng phần lớn hoạt động của các cơ sở thu dung và các Trạm y tế lưu động, Y tế huyện Thanh Trì đã có những phương án từng bước, không để bị động trước tình hình dịch có thể thay đổi.

Cùng với huyện Thanh Trì nhiều quận, huyện khác của Hà Nội cũng đã và đang giải thể, tạm dừng các cơ sở thu dung bệnh nhân COVID-19 không sử dụng đến.

Còn tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 - nơi điều trị F0 nặng nhất của Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc, khu vực phòng đệm, tiếp đón cấp cứu đầu tiên bệnh nhân COVID-19 hiện nay gần như không có bệnh nhân. Toàn bệnh viện đang điều trị khoảng 20 bệnh nhân ở mức độ trung bình.

Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyên, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 cho hay: "Lúc đỉnh dịch, bệnh viện hoạt động tới 9 Đơn nguyên, điều trị khoảng hơn 250 bệnh nhân. Hiện tại, bệnh viện đang vận hành 2 đơn nguyên, trong đó mỗi đơn nguyên chỉ vận hành dưới 1 nửa, áp lực cho các nhân viên y tế đã giảm đi rất nhiều".

Việc tạm dừng, thu gọn loạt cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh hiện nay được đánh giá là cần thiết nhằm tránh lãng phí thiết bị y tế và nhân lực vận hành. Bên cạnh đó là tâm thế sẵn sàng huy động đưa vào sử dụng lại khi có những diễn biến mới của dịch bệnh.