Hướng dẫn mới nhận biết trẻ sơ sinh mắc COVID-19 trở nặng

Theo Bộ Y tế, không nhất thiết phải test COVID-19 thường xuyên cho tất cả trẻ sơ sinh kể cả khi người chăm sóc mắc bệnh.

Những nội dung trên nằm trong Hướng dẫn Chăm sóc, quản lý tại nhà đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc COVID-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký ban hành ngày 28/3.

Theo đó, phụ nữ mang thai mà chưa có chỉ định chấm dứt thai kỳ, chưa có dấu hiệu chuyển dạ, không có một trong các dấu hiệu cấp cứu hoặc bất thường sản khoa sẽ được chăm sóc tại nhà khi mắc COVID-19.

Trẻ sơ sinh mắc COVID-19 nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không có một trong các dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh cũng được chăm sóc tại nhà.

Theo Bộ Y tế, dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh như bú ít hoặc bỏ bú; ngủ li bì khó đánh thức; suy hô hấp với biểu hiện thở > 60 lần/phút ở 2 lần đếm khác nhau, thở rên, khò khè, phập phồng cánh mũi, rút lõm lồng ngực, có cơn ngưng thở trên 20 giây, SpO2<96%.

Ngoài ra, trẻ có thể gặp nguy hiểm nếu sốt cao >38°C, co giật hoặc co cứng; cử động bất thường, mắt sưng đỏ hoặc có mủ; rốn sưng đỏ hoặc chảy mủ; trẻ có dấu hiệu mất nước; nôn liên tục, bụng chướng, tiêu chảy, phân có máu; vàng da xuất hiện trước 3 ngày tuổi, đặc biệt là trong 24 giờ sau sinh, vàng da kéo dài trên 14 ngày...

Trẻ sơ sinh được chăm sóc tại trung tâm HOPE trong đỉnh dịch COVID-19.
Trẻ sơ sinh được chăm sóc tại trung tâm HOPE trong đỉnh dịch COVID-19.

Theo hướng dẫn này của Bộ Y tế, phụ nữ mang thai mắc COVID-19 khi cách ly tại nhà cần đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày và khi có dấu hiệu bất thường. Đếm nhịp thở, đếm mạch, SpO2 và huyết áp (nếu có thể) hàng ngày.

Duy trì khám thai định kỳ và khi có dấu hiệu bất thường hoặc chỉ định của nhân viên y tế. Nếu thai phụ đến ngày hẹn khám thai và không có bất thường sản khoa, có thể khám thai từ xa hoặc đợi đến ngày hết cách ly.

Bà mẹ trong thời kỳ hậu sản và cho con bú, cần thông báo ngay cho nhân viên y tế khi có dấu hiệu bất thường như ra máu tăng dần hoặc có máu cục, sản dịch có mùi hôi, đau bụng dữ dội hoặc đau âm ỉ.

Ngoài ra, vết khâu tầng sinh môn hoặc sẹo mổ đẻ có khối bất thường, tăng kích thước hoặc chảy mủ, sốt >38°C, không giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt, phù mặt, chân, tay hoặc nhìn mờ, đau đầu nhiều; co giật; vú sưng, nóng, đỏ đau hoặc chảy mủ…

Đối với trẻ sơ sinh mắc COVID-19, cần được theo dõi tình trạng bú mẹ, màu sắc da, phân và nước tiểu. Đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở và đo SpO2 hai lần/ngày. Bộ Y tế lưu ý, các máy đo SpO2 được dùng cho người lớn có thể không đo chính xác ở trẻ sơ sinh, do đó phải kết hợp theo dõi các dấu hiệu toàn trạng của trẻ.

Bộ Y tế cho rằng, không nhất thiết phải làm xét nghiệm thường xuyên cho tất cả trẻ sơ sinh, kể cả khi người chăm sóc trẻ mắc COVID-19.

Tuyệt đối không xông hơi cho trẻ sơ sinh dưới bất kỳ hình thức nào và không được xịt rửa mũi cho trẻ sơ sinh. Có thể dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ, tổng liều thuốc không quá 60 mg/kg/ngày.

Nếu chỉ có mẹ mắc COVID-19, mẹ có thể tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ với các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm như rửa tay, đeo khẩu trang khi tiếp xúc trẻ, vệ sinh bầu vú hoặc vắt sữa cho trẻ ăn...

Trường hợp sức khỏe bà mẹ tiến triển nặng, có thể sử dụng sữa thanh trùng từ ngân hàng sữa mẹ, hoặc theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Hỗ trợ bà mẹ cho con bú ngay khi sức khỏe ổn định.

Đối với phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú, có thể dùng thuốc hạ sốt, oresol, kẽm trong thời gian mắc Covid-19. Nếu ho thì dùng chanh, mật ong, súc miệng bằng dung dịch Natriclorua 0,9%. Thuốc ho có chứa hoạt chất Dextromethorphan, Guaifenesin… hoặc có nguồn gốc thảo dược.

Không tự ý dùng thuốc kháng virus kháng sinh, kháng viêm cho phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú, trẻ em… khi chưa có chỉ định, kê đơn.

Số mắc COVID-19 tiếp tục giảm xuống còn 83.376 ca

Tính từ 16h ngày 27/3 đến 16h ngày 28/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 83.376 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 83.373 ca ghi nhận trong nước (giảm 8.453 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 55.010 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (9.326), Bắc Giang (4.186), Nghệ An (3.883), Yên Bái (3.795), Phú Thọ (3.493), Lào Cai (3.377), Đắk Lắk (3.205), Quảng Ninh (2.522), Thái Nguyên (2.487), Hà Giang (2.433), Thái Bình (2.245), Vĩnh Phúc (2.140), Quảng Bình (2.098), Lạng Sơn (1.981), Tuyên Quang (1.963), Sơn La (1.867), Hưng Yên (1.740), Cà Mau (1.697), Bắc Kạn (1.678), Cao Bằng (1.599), Hòa Bình (1.501), Bình Định (1.367), Hải Dương (1.365), Hà Nam (1.342), Bắc Ninh (1.097), Quảng Trị (1.078), Lâm Đồng (1.049), Lai Châu (1.020), Tây Ninh (969), Bình Dương (959), Ninh Bình (916), Điện Biên (907), Vĩnh Long (891), Hà Tĩnh (874), Đà Nẵng (795), Phú Yên (778), TP. Hồ Chí Minh (745), Bình Phước (743), Đắk Nông (695), Thừa Thiên Huế (673), Thanh Hóa (602), Nam Định (600), Bà Rịa - Vũng Tàu (540), Quảng Ngãi (537), Bến Tre (476), Trà Vinh (474), Kon Tum (402), Hải Phòng (380), Bình Thuận (369), Khánh Hòa (361), Quảng Nam (298), Bạc Liêu (172), Kiên Giang (136), An Giang (134), Long An (95), Đồng Tháp (95), Sóc Trăng (69), Đồng Nai (67), Cần Thơ (53), Ninh Thuận (17), Hậu Giang (13), Tiền Giang (4).

Số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam tính đến ngày 28/3.
Số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam tính từ 1/3 đến ngày 28/3.

Ngày 28/3/2022, Sở Y tế Hà Nội đăng ký bổ sung 180.000 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lạng Sơn (-1.140), Hà Nội (-926), Đắk Lắk (-704).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Tĩnh (+874), Hòa Bình (+304), Hưng Yên (+247).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 109.424 ca/ngày.

Bộ Y tế hướng dẫn tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-dưới 12 tuổi

Ngày 28/3, Bộ Y tế đã ra công văn số 1535/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi.

Theo Bộ Y tế, ngày 5/2/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP về việc mua vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ ở độ tuổi nói trên.

Để sẵn sàng tiêm chủng và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vaccine phòng COVID-19 cho trẻ, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng tiêm chủng đến lịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế tại các văn bản trước đó.

Để chuẩn bị triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, các đơn vị phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 1 đến lớp 6. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.

Các địa phương xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể triển khai ngay khi được phân bổ vaccine; Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với những nơi tổ chức học tập trung tại trường).

Loại vaccine sử dụng là vaccine được Bộ Y tế phê duyệt. Liều lượng và khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Bộ Y tế hướng dẫn tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi
Bộ Y tế hướng dẫn tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Ảnh minh họa: TTXVN

Bộ Y tế nêu rõ việc tổ chức tiêm thực hiện theo quy định tại mục III Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ban hành kèm theo các hướng dẫn trước đó.

Cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký Phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu. Thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn tại Quyết định 2470/QĐ-BYT ngày 14/6/2019, Quyết định số 5002/QĐ-BYT ngày 29/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Việc hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng theo các hướng dẫn tại Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Bộ Y tế yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xây dựng tài liệu hướng dẫn việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tổ chức tập huấn cho các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc.

Các viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur lập kế hoạch tập huấn, hướng dẫn việc tiêm vaccine cho các tỉnh, thành phố trong trường hợp cần thiết và tổ chức giám sát, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các tỉnh, thành phố theo địa bàn phân công phụ trách trong quá trình tổ chức triển khai tiêm chủng.

Trước đó, ngày 27/3, Chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã thông báo chính thức cho biết vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em về Việt Nam vào tuần tới và sẽ triển khai tiêm chủng khoảng từ tuần thứ 2 của tháng 4/2022 ngay khi các thủ tục kiểm định và chứng nhận xuất xưởng của vaccine hoàn tất.