Ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long cùng chịu trách nhiệm trong vụ Việt Á

Từ ngày 28 đến ngày 31/3/2022, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 13. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.

Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:

I- Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 liên quan đến vụ việc tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, UBKT Trung ương nhận thấy:

Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Học viện Quân y; trong truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cá nhân.

Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; Phạm Công Tạc, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Trường Sơn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế và một số đồng chí lãnh đạo, cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nêu trên; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ông Chu Ngọc Anh (bên trái) và ông Nguyễn Thành Long (bên phải)
Ông Chu Ngọc Anh (bên trái) và ông Nguyễn Thành Long (bên phải)

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Liên quan đến những vi phạm nêu trên còn có trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Tài chính, sẽ tiếp tục được kiểm tra, làm rõ.

II- Thực hiện kết luận của UBKT Trung ương tại Kỳ họp thứ 12 về vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025; xem xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; UBKT Trung ương quyết định:

- Cảnh cáo các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy; Đại tá Nguyễn Tùng Linh, Đảng ủy viên Học viện, Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Khoa học Quân sự; Thiếu tá Ngô Anh Tuấn, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Tài chính; Thiếu tá Lê Trường Minh, Chi ủy viên, Trưởng Ban Hóa dược, Phòng Trang bị, Vật tư, Học viện Quân y.

- Khiển trách các đồng chí: Đại tá Phạm Nhật Quang, Bí thư Chi bộ Tổng hợp Kế hoạch - Thanh tra, Chánh Thanh tra Học viện; Đại tá Chu Đức Thành, Phó Bí thư Đảng ủy, Chánh Văn phòng Học viện; Trung úy Nguyễn Văn Tâm và Trung úy Nguyễn Thành Trung, Chi bộ Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Học viện Quân y.

- Khai trừ ra khỏi Đảng đối với các đồng chí: Thượng tá Hồ Anh Sơn, Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự; Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Trang bị, Vật tư, Học viện Quân y.

UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và các đồng chí: Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Học viện Quân y.

Bộ Y tế mở rộng chỉ định tiêm vaccine Moderna cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi

Ngày 31/3, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế ban hành Công văn số 2308/QLD-KD về việc mở rộng chỉ định cho trẻ em từ 6 - dưới 12 tuổi của vaccine Spikevax, hay còn gọi là vaccine Moderna.

Theo Công văn, Chi nhánh Công ty trách nhiệm hữu hạn Zuellig Pharma Việt Nam đã có hồ sơ, dữ liệu gửi đến Cục Quản lý Dược đề nghị mở rộng chỉ định cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi của vaccine Moderna theo hướng dẫn của cơ sở sản xuất vaccine.

Căn cứ kết luận của Hội đồng tư vấn cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc họp ngày 28/3/2022, Cục Quản lý Dược đã đồng ý với đề nghị trên.

Vaccine Moderna được quyết định dùng để tiêm cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi
Vaccine Moderna được quyết định dùng để tiêm cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi.

Cục Quản lý Dược yêu cầu Chi nhánh Công ty trách nhiệm hữu hạn Zuellig Pharma Việt Nam chịu trách nhiệm phối hợp với cơ sở sản xuất vaccie Moderna tiếp tục cập nhật, bổ sung hồ sơ, dữ liệu mới có liên quan trong quá trình lưu hành sản phẩm.

Liên quan đến tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đã bổ sung liều tiêm 0,25ml đối với vaccine Moderna. Đồng thời, Bộ cũng bổ sung thêm một số nhà sản xuất, nước sản xuất vacine này.

Tại hội nghị tập huấn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi do Bộ Y tế tổ chức chiều 31/3, PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, vaccine phòng COVID-19 Moderna tiêm cho trẻ từ 6 tuổi đến dưới 12 tuổi, liều tiêm bằng 1/2 liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml), giống như tiêm vaccine cho người lớn liều nhắc lại. Tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.

Số mắc mới COVID-19 giảm còn 80.838 ca

Tính từ 16h ngày 30/3 đến 16h ngày 31/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 80.838 ca nhiễm mới, trong đó 11 ca nhập cảnh và 80.827 ca ghi nhận trong nước (giảm 4.932 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 56.105 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (8.054), Phú Thọ (3.415), Nghệ An (3.399), Yên Bái (3.156), Đắk Lắk (3.107), Lào Cai (2.981), Hải Dương (2.864), Bắc Giang (2.688), Quảng Ninh (2.509), Quảng Bình (2.352), Hà Giang (2.344), Lạng Sơn (2.159), Vĩnh Phúc (2.039), Thái Bình (1.966), Bắc Kạn (1.917), Sơn La (1.813), Hưng Yên (1.784), Tuyên Quang (1.672), Bắc Ninh (1.653), Vĩnh Long (1.642), Cao Bằng (1.630), Bình Định (1.437), Quảng Trị (1.369), Cà Mau (1.265), Lâm Đồng (1.264), Hà Nam (1.258), Tây Ninh (1.238), Thái Nguyên (1.179), Điện Biên (1.164), Hòa Bình (1.160), Lai Châu (1.097), Ninh Bình (1.046), Hồ Chí Minh (924), Quảng Ngãi (920), Bến Tre (876), Bình Dương (827), Bình Phước (766), Hà Tĩnh (757), Đà Nẵng (736), Bà Rịa - Vũng Tàu (688), Nam Định (672), Thừa Thiên Huế (589), Trà Vinh (539), Thanh Hóa (535), Đắk Nông (426), Phú Yên (408), Khánh Hòa (386), Hải Phòng (365), Bình Thuận (341), Quảng Nam (270), Kon Tum (179), An Giang (178), Bạc Liêu (166), Kiên Giang (161), Long An (125), Cần Thơ (101), Đồng Nai (97), Đồng Tháp (85), Sóc Trăng (52), Ninh Thuận (20), Hậu Giang (12), Tiền Giang (5).

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến ngày 31/1/2022
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến ngày 31/1/2022

Ngày 31/3/2022, Sở Y tế Hưng Yên đăng ký bổ sung 11.517 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang (-1.311), Lạng Sơn (-466), Bình Dương (-383).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Dương (+1.081), Vĩnh Long (+188), Quảng Ngãi (+154).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 91.762 ca/ngày.