Bà Rịa - Vũng Tàu: Nở rộ mô hình homestay, farmstay tự phát

Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, mô hình homestay, farmstay trên địa bàn tỉnh đang bị biến tướng. Một số hộ kinh doanh mô hình này không đủ điều kiện để hoạt động du lịch cộng đồng.

Khảo sát tại các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, có hàng chục mô hình homestay, farmstay, khu nghỉ dưỡng tự phát xây dựng trên đất nông nghiệp, đất trồng lúa trong thời gian từ đầu năm 2022 đến nay, trong đó một số điểm như: Mộc Villa (xã Phước Tân), resort The Ruộng (xã Phước Thuận), homestay Dòng Sông Xanh (xã Xuyên Mộc) thuộc huyện Xuyên Mộc. Còn tại huyện Châu Đức có những nơi mới được hình thành, đi vào kinh doanh như: Suối Rao Ecolodge, Suối Rao Garden, Suối Rao Forest nằm ven khu vực suối Rao (xã Suối Rao)… được quảng cáo với các tên gọi rất mỹ miều.

Hầu hết các tổ chức, cá nhân tự ý xây dựng trái phép các cơ sở lưu trú du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch dạng farmstay, homestay, khu nghỉ dưỡng mà chưa được phê duyệt dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất thương mại, dịch vụ, xây dựng trên đất nông nghiệp.

Các mô hình này chủ yếu là các căn hộ của gia đình tự thiết kế bằng gỗ, xây dựng, bố trí các tính năng rồi cho thuê. Một số khác là các hộ tư nhân có đất giáp rừng, suối sau đó tự phân ô, chia nhỏ để xây dựng thành các homestay, farmstay để phục vụ khách lưu trú.

Điều kiện thuê homestay, farmstay cũng rất đơn giản, chỉ cần một người trong đoàn có chứng minh nhân dân là được, thậm chí có nơi còn không cần vì tất cả giao dịch được thực hiện qua internet. Điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự, an toàn kèm với đó là nguy cơ cháy nổ cao do hầu hết các homestay, farmstay đều được gia chủ tự thiết kế, vận hành không theo quy chuẩn kĩ thuật, không đảm bảo vấn đề môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây an toàn về cháy nổ, đặc biệt là vấn đề an ninh, môi trường khi có khách đến lưu trú.

Resort The Ruộng ở huyện Xuyên Mộc xây dựng trên đất lúa. Ảnh: VOV.VN
Resort The Ruộng ở huyện Xuyên Mộc xây dựng trên đất lúa. Ảnh: VOV.VN

Trước thực trạng nhiều homestay, farmstay xây dựng tràn lan trên địa bàn, lãnh đạo huyện Xuyên Mộc thừa nhận có tình trạng trên và đã chỉ đạo các xã, phường trên địa bàn thống kê, rà soát. Qua đó, UBND huyện sẽ làm báo cáo gửi tỉnh để có hướng xử lý, chấn chỉnh theo hướng ủng hộ phát triển mô hình du lịch cộng đồng nhưng phải đảm bảo pháp lý và điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật.

Cũng theo lãnh đạo huyện Xuyên Mộc, thời gian qua địa phương này đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đối với một số cá nhân, tổ chức tự ý xây dựng homestay, farmstay không đáp ứng tính pháp lý.

Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, huyện ủng hộ các mô hình du lịch phát triển cộng đồng như homestay, farmstay để góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, tuy nhiên các loại hình này trước hết cần phải đảm bảo tính pháp lý về đất đai, quy hoạch xây dựng. Các trường hợp tự phát, xây dựng trái phép huyện sẽ kiên quyết xử lý, không để xảy ra tình trạng tràn lan xây dựng mà thiếu quản lý, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch chung của tỉnh.

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, các mô hình tự phát trên không phải là điểm đến du lịch. Mô hình homestay, farmstay là phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người dân địa phương, việc cho thuê căn hộ, biệt thự là không đúng quy định.

“Homestay và farmstay cũng phải thực hiện theo Luật Du lịch, nếu cùng ăn, cùng ở và cùng làm với dân bản địa vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định, nhưng Homestay và farmstay hiện trên địa bàn đã bị biến dạng, hầu hết các mô hình này là để cho thuê căn hộ, biệt thự… cái này không phải là homestay hay farmstay” - ông Trịnh Hàng nói.

Yêu cầu rà soát đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án

Mới đây, Chính phủ yêu cầu cần rà soát, hoàn thiện quy định các điều kiện áp dụng đấu giá, đấu thầu, phân định rõ các trường hợp áp dụng hai hình thức này, bảo đảm tính minh bạch, khả thi, thuận lợi khi thực hiện.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các Thành viên Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan, tập trung hoàn thiện dự án Luật.

Cụ thể, về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất (Điều 63, 64, 65), rà soát, hoàn thiện quy định các điều kiện áp dụng đấu giá, đấu thầu, phân định rõ các trường hợp áp dụng hai hình thức này, bảo đảm tính minh bạch, khả thi, thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Về các trường hợp nhà nước thu hồi đất (Điều 67, Điều 68), cần cụ thể hóa trong Luật các tiêu chí, điều kiện đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng tránh tình trạng lạm dụng để thu hồi đất, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp về quyền lợi hợp pháp của người dân.

Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (Điều 146), thống nhất mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Quy định này phù hợp với Nghị quyết 18-NQ/TW và bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên cần đánh giá kỹ tác động, xác định hạn mức bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta.

Về mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất lúa cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp (Điều 214), việc mở rộng cho phép tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là nội dung lớn, nhạy cảm, cần đánh giá kỹ tác động đối với quy định này; cần quy định cơ chế, điều kiện chặt chẽ, bảo đảm người nông dân có đất để sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia.

Về thành lập quỹ hỗ trợ cho người bị thu hồi đất thuộc đối tượng hạn chế khả năng lao động (Điều 94): Đây là chính sách nhân văn. Tuy nhiên, cần tiếp tục cân nhắc theo hướng chỉ quy định nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về các chính sách hỗ trợ cụ thể.

Yêu cầu rà soát đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án. Ảnh minh họa
Chính phủ yêu cầu rà soát đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án. Ảnh minh họa

Về trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp phải dành một tỷ lệ diện tích đất để Nhà nước thực hiện các chính sách về đất đai (Điều 168), việc quy định chủ đầu tư phải dành quỹ đất để UBND cấp tỉnh hoặc Chủ đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp cho thuê đất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường, chính sách hỗ trợ khác của nhà nước… là cần thiết. Tuy nhiên, cần giao quyền chủ động cho địa phương để xác định phương thức hỗ trợ đối tượng này phù hợp với thực tế của từng địa phương, đồng thời cần nghiên cứu quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí, quy trình phù hợp, không rườm rà để các doanh nghiệp được tiếp cận quỹ đất này công khai, minh bạch, tránh cơ chế “xin-cho”.

Về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm” (Điều 198, Điều 212), quy định này nhằm phát triển thị trường quyền sử dụng đất, tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy các nhà đầu tư lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phù hợp với quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ các điều kiện để tránh trường hợp nhà đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai với nhà nước mà lợi dụng chính sách này để thế chấp, chuyển nhượng thu lời.

Về cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại (Điều 66), nội dung này đã được nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tuy nhiên, tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết số 18-NQ/TW là chủ yếu thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng tiếp tục đánh giá thêm tác động để hoàn thiện nội dung này. Ngoài ra, đối với trường hợp dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại vừa thuộc đối tượng thu hồi đất, vừa thuộc đối tượng nhận chuyển nhượng (khoản 1 Điều 66) thì cần có quy định cụ thể khi nào thực hiện thu hồi đất, khi nào thực hiện nhận chuyển nhượng; đồng thời giải quyết đồng bộ các vướng mắc từ thực tiễn liên quan đến chế độ sử dụng đất đối với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, văn phòng…

Về tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 6, Điều 206), đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến an ninh, quốc phòng, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm rõ, hoàn thiện nội dung này bảo đảm tính kế thừa các quy định hợp lý hiện hành, phù hợp, không có vướng mắc về tiếp cận đất đai, nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài; bảo đảm đồng bộ với quy định của pháp luật đầu tư, nhà ở và pháp luật liên quan.

Về giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản (Điều 211), đa số Thành viên Chính phủ thống nhất với dự thảo Luật, nhằm tránh tạo thêm trung gian, phát sinh chi phí, tác động tiêu cực đến quyền tài sản hợp pháp của người dân, đồng thời cần nghiên cứu quy định nhằm hạn chế phát sinh tiêu cực trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua. Nội dung này cần quy định thống nhất với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đà Nẵng lấy ý kiến đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sườn đồi

Ngày 31/8, ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Ban Quản lý Các dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp và Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng (Ban Quản lý) đã ký văn bản 715/BQLDA-KH lấy ý kiến đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sườn đồi.

Theo ông Anh, phân khu đô thị Sườn đồi diện tích khoảng 2.823 ha, thuộc các xã Hòa Ninh, Hòa Sơn,Hòa Nhơn, Hòa Phú, huyện Hòa Vang.

Ranh có phía Bắc giáp đường ĐT602; phía Tây giáp tuyến vành đai phía Tây; phía Đông giáp đường tránh Nam Hải Vân, cao tốc La Sơn - Túy Loan; phía Nam giáp sông Túy Loan và đường quy hoạch mới.

Phân khu đô thị Sườn đồi có quy mô dân số dung nạp tối đa dự kiến khoảng 193.000 người. Trong đó, đến năm 2030 đạt khoảng 140.000 người, còn đến năm 2045 đạt khoảng 193.000 người.

Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Tp.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, tại đây, phát triển khu đô thị mới ở khu vực phía Tây đường tránh Nam hầm Hải Vân, đoạn từ Quốc lộ 14G lên đến khu đô thị phía Tây đường tránh Nam hầm Hải Vân; dọc theo 2 tuyến đường chính là Hoàng Văn Thái nối dài và đường ĐT602, khu biệt thự sinh thái hồ Trước Đông.

Một góc xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Ảnh minh họa
Một góc xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, phát triển khu đô thị thương mại Phi thuế quan khu vực cuối đường Hoàng Văn Thái, sử dụng hỗn hợp, tạo thành điểm nhấn về không gian đô thị tại khu vực quy hoạch.

Đây là khu vực sử dụng hỗn hợp nhằm để tạo ra khu vực đô thị năng động, hấp dẫn và linh hoạt để phù hợp cho cả phát triển thương mại và nhu cầu của dân cư. Từ đó, cho phép sự kết nối tối đa các hoạt động sinh sống, làm việc và vui chơi giải trí. Mục đích là tạo ra các không gian kết nối và hoạt động 24/7 nhằm tăng cường sự thu hút của Tp.Đà Nẵng.

Ngoài ra, có khu vực công viên công cộng, cây xanh mặt nước, khu văn hóa – giải trí gắn với cắm trại, nghĩ dưỡng chữa bệnh tận dụng các yếu tố địa hình tự nhiên; khu Trung tâm Logistic tại khu vực phía Tây khu công nghiệp Hòa Nhơn; phát triển Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn,...

Ban Quản lý lấy ý kiến đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sườn đồi chậm nhất đến trước ngày 20/9.

Dự án biệt thự Vivian Le Jardin tại Thủ Đức

Vivian Le Jardin có vị trí nằm tại đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Dự án nằm gần kề tuyến đường Xa lộ Hà Nội và cầu Sài Gòn, thuận tiện cho việc di chuyển đến các quận lân cận như quận 9, quận 1 và quận Bình Thạnh.

Vivian Le Jardin có tổng diện tích quy hoạch 9.808 m2, được thiết kế với loại hình biệt thự với tổng diện tích sàn xây dựng 8.606 m2. Cung cấp ra thị trường 15 căn biệt thự biệt lập.

Dự án Vivian Le Jardin sở hữu các tiện ích nội khu như: sân thể thao ngoài trời và khu vực trong nhà, vườn đọc sách cho mọi cư dân thư giãn, phòng tập yoga, khu vui chơi trẻ em, nhà trẻ, an ninh 24/24 và biệt lập.

Từ dự án Vivian Le Jardin, cư dân có thể tiếp cận được những tiện ích ngoại khu như: TTTM Vincom Thảo Điền, Lotte, siêu thị Naman, siêu thị Big C An Phú, phòng khám Thảo Điền Medical Station, trung tâm y tế Thảo Điền, trường Quốc tế Mỹ, trường quốc tế Anh Việt…

Dự án biệt thự Vivian Le Jardin tại Thủ Đức
Dự án biệt thự Vivian Le Jardin tại Thủ Đức.

Chủ đầu tư dự án Vivian Le Jardin là Công ty Cổ phần Quản lý & Phát triển Viva, được thành lập ngày 15/05/2019, đặt trụ sở tại số 2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Theo công bố thành lập mới ngày 15/05/2019, doanh nghiệp có tổng vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng với sự góp vốn của các cổ đông sáng lập như: bà Nguyễn Thị Kim Khánh (30%), bà Dương Thị Hạnh (20%) và bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (25%).

Chủ tịch của Viva Land là ông Chen Lian Pang, cựu tổng giám đốc CapitaLand Việt Nam với hơn 40 năm hoạt động trong ngành bất động sản với một số dự án tiêu biểu gồm Capital Tower (Singapore) , D’Edge quận 2 (TP HCM), Capital Place (Hà Nội), The Vista (TP HCM).

Ngày 27/08/2022, chủ đầu tư tổ chức lễ ký kết hợp tác phân phối dự án Vivian Le Jardin với Công ty Bất động sản Smartland (Smartland) và Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản The One (The One Land).

Dự án Vivian Le Jardin dự kiến sẽ ra mắt thị trường trong tháng 10 này.