TP HCM: Đề nghị chọn lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp theo Luật Đấu thầu

Trong báo cáo mới đây gửi Bộ Công thương đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và 2 năm thực hiện Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, UBND TP.HCM cho hay, còn tồn tại trong công tác quản lý.

Các quy định còn đang chồng chéo gây khó khăn cho công tác quản lý cụm công nghiệp.

Rõ nhất, hiện tại vẫn chưa có sự tập trung đầu mối thống nhất quản lý về các lĩnh vực như: quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, lao động...

Mặc dù 2 Nghị định của Chính phủ có nêu Sở Công thương là cơ quan quản lý nhà nước tiếp nhận hồ sơ, tuy nhiên theo các quy định cao hơn (Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai,...) thì các cơ quan chuyên ngành khác sẽ thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, xây dựng, đầu tư...

Do đó, Sở Công thương chỉ là khâu trung gian tiếp nhận hồ sơ của các chủ đầu tư, sau đó chuyển cho các cơ quan chuyên môn để xử lý. Như vậy sẽ làm phát sinh khâu trung gian và kéo dài thời gian trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư trong cụm công nghiệp.

TP.HCM khẳng định, có sự chồng chéo, chưa rõ ràng cụ thể đối với quy định lựa chọn nhà đầu tư.

Tính đến ngày 30 tháng 4 năm 2022, TP.HCM có 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 1.677,5 ha và 2 cụm công nghiệp đã chuyển đổi thành khu công nghiệp với tổng diện tích 222,5 ha (cụm An Hạ 123,5 ha do Công ty Cổ phần - Tư vấn - Đầu tư - Xây dựng - Thương mại - Sản xuất Nhựt Thành làm chủ đầu tư, cụm Cơ khí ô tô Hòa Phú 99 ha do Công ty cổ phẩn Hòa Phú làm chủ đầu tư)

Cụ thể, tại 2 nghị định của Chính phủ quy định việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thông qua thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư theo thang điểm 100 (không phải đấu thầu).

Trong khi đó, theo khoản 3 điều 1 của Luật Đấu thầu năm 2013: "Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất" nghĩa là các dự án khác có sử dụng đất cũng phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Ngoài ra, tại khoản 4 điều 1, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP quy định: phương án phát triển cụm công nghiệp thay thế quy hoạch cụm công nghiệp và tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Như vậy quy hoạch chung của tỉnh sẽ là cơ sở pháp lý để quản lý quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn mà không phải là phương án phát triển cụm công nghiệp.

TP.HCM: Đề nghị chọn lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp theo Luật Đấu thầu
TP.HCM đề nghị chọn lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp theo Luật Đấu thầu

Bên cạnh đó, diện tích cụm công nghiệp được quy định không quá 50 ha (giai đoạn 1) và mở rộng giai đoạn 2 không quá 75 ha là tương đối nhỏ nên chi phí và giá thành đầu tư vào cụm công nghiệp cao, tính cạnh tranh thấp.

Trong khi nhu cầu quỹ đất công nghiệp còn nhiều, nhưng chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp rất lớn và không có sức cạnh tranh so với đầu tư khu công nghiệp, đồng thời cơ chế hỗ trợ từ ngân sách còn hạn chế. Do đó, ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư hạ tầng.

Một số chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đã có quyết định chủ trương đầu tư, nhưng còn chậm triển khai dẫn đến việc kêu gọi đầu tư các cụm công nghiệp khác trên cùng địa bàn sẽ không thực hiện được do quy định tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp trên cùng địa bàn tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP.

Ngoài ra, chưa có sự thống nhất, rõ ràng trong việc lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Các thủ tục đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp lại mất nhiều thời gian do phải qua nhiều cơ quan chuyên môn thấm định, làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dự án.

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Công thương xem xét xây dựng mô hình đối với một số tỉnh thành có thể tập trung chức năng quản lý nhà nước về cụm công nghiệp cho Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, tại khoản c mục 1 Điều 10 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP: “c) Trong trường hợp địa bàn cấp huyện đã thành lập cụm công nghiệp thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đạt trên 50% hoặc tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các cụm công nghiệp nhỏ hơn 50 ha”.

Hiện nay, theo quy hoạch cụm công nghiệp TP.HCM, các cụm công nghiệp thường được quy hoạch chủ yếu ở các huyện ngoại thành, có huyện được quy hoạch 4 đến 5 cụm công nghiệp (huyện Bình Chánh), nhưng tiến độ đầu tư không đồng đều, có cụm công nghiệp được quyết định thành lập trước nhưng chậm triển khai, làm ảnh hưởng đến việc thành lập các cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch trên địa bàn.

Vì vậy cần điều chỉnh điểm c, khoản 1, Điều 10 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP theo hướng quy định này chỉ áp dụng đối với các cụm công nghiệp chưa có trong quy hoạch, cụm công nghiệp đã được phê duyệt; đối với các cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch được triển khai thực hiện không áp dụng quy định tại điểm này.

UBND TP.HCM cũng đề xuất Bộ Công thương nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp phù hợp với quy định Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư hiện hành;

Tham mưu Chính phủ sớm ban hành Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; bổ sung các cụm công nghiệp vào danh mục ưu đãi đầu tư; bổ sung lĩnh vực đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp vào danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư... và điều chỉnh các thủ tục cũng như các quy định về đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp cho thống nhất, đồng bộ giữa các Bộ, ngành liên quan.

Thí điểm hàng loạt cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa

Sáng 16/6, các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ 1/8/2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.

Về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, Nghị quyết quy định, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao.

Về quản lý đất đai, Nghị quyết quy định HĐND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ chủ trương đầu tư dự án tổng thể, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng trong phạm vi mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm thực hiện dự án tổng thể.

Quyết định đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm để thực hiện. Đồng thời là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất.

Về cơ chế đặc thù phát triển Khu kinh tế Vân Phong, Nghị quyết đã đưa ra danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào khu kinh tế này, gồm: xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); công nghệ thông tin, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực đại dương, hàng hải có quy mô vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên. Nhà đầu tư được xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính có quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng.

Đầu tư xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf cũng là ngành nghề được ưu tiên vào Khu kinh tế Vân Phong.

Khu kinh tế Vân Phong cũng ưu tiên loại hình xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt.

Các nhà đầu tư chiến lược đầu tư tại Vân Phong với các ngành nghề ưu tiên được hưởng nhiều ưu đãi, như tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nhà đầu tư chiến lược cũng được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của dự án đầu tư.

Nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng có vốn điều lệ từ 10.000 tỉ đồng trở lên hoặc có tổng tài sản từ 25.000 tỉ đồng trở lên khi thực hiện các dự án đầu tư. Ngoài ra, phải có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

Đầu tư gần 18.000 tỷ đồng làm đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1

Sáng 16/6, với 475/479 đại biểu tán thành (chiếm 95,38%), Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, giai đoạn 1.

Dự án hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải.

Dự án tạo động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Nghị quyết nêu rõ việc đầu tư khoảng 53,7 km, chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công; quy mô đầu tư của từng dự án thành phần chi tiết tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết.

Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 519,64 ha, tổng mức đầu tư của dự án là 17.837 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 14.270 tỷ đồng; nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2026 - 2030 là 3.567 tỷ đồng.

Đầu tư gần 18.000 tỷ đồng làm đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Đầu tư gần 18.000 tỷ đồng làm đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Nghị quyết nêu rõ việc chuẩn bị đầu tư, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.

Việc triển khai, thực hiện dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt. Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án hoàn trả vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp đầu tư dự án.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công; cho phép phân chia các dự án thành phần theo địa giới hành chính của các địa phương thuộc phạm vi của dự án.

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo các địa phương bảo đảm nguồn vốn thực hiện dự án.

Chính phủ chỉ đạo rà soát và chịu trách nhiệm về tính khả thi của nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải. Tính toán phạm vi và tổng mức đầu tư các dự án thành phần trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo quy định pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí.

Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết này, bảo đảm đúng mục tiêu, công khai, minh bạch và hiệu quả, không để trục lợi chính sách.

Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình thực hiện dự án; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư và hỗ trợ triển khai dự án.

Các địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc bảo đảm nguồn vốn theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết này và tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Andochine Resort & Spa Phú Quốc mở bán với nhiều ưu đãi

Khu du lịch nghỉ dưỡng Andochine Resort & Spa Phú Quốc có vị trí tại đường Trần Hưng Đạo, xã Dương Tơ, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Andochine Resort & Spa Phú Quốc nằm cách Bãi Dài 100 m và Chùa Sùng Hưng 10 km. Sân bay gần nhất là sân bay quốc tế Phú Quốc, nằm trong bán kính 5 km.

Khu du lịch nghỉ dưỡng Andochine Resort & Spa Phú Quốc có tổng diện tích 5 ha, có quy mô 32 căn biệt thự, 9 khối khách sạn tiêu chuẩn 4 sao và 5 sao. Trong đó, biệt thự biển diện tích 400 m2/nền; biệt thự hướng biển diện tích 378 m2/nền.

Tiện ích nội khu: Bãi biển 150 m, nhà hàng, bar biển, phố đi bộ, hồ bơi ngoài trời, trung tâm mua sắm, thể thao bãi biển, gym, spa…

Tiện ích ngoại khu dự án: Mất khoảng 10 phút để đến thị trấn Dương Đông, 7 phút đến Sân Bay Quốc Tế, vài phút để đến với các trung tâm giải trí của Phú Quốc.

Trên thị trường, giá căn hộ Andochine Resort & Spa Phú Quốc từ 39 - 50 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Bản tin bất động sản 17/6: Nhiều ưu đãi tại Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Andochine Resort & Spa Phú Quốc
Trên thị trường, Andochine Resort & Spa Phú Quốc có giá từ 39 triệu đồng/m2.

Dự án Andochine Resort & Spa Phú Quốc do Công ty Cổ phần Fecon Phú Quốc làm chủ đầu tư, hoạt động ngày 30/12/2013, trụ sở chính có địa chỉ tại số 324 đường Nguyễn Trung Trực, khu phố 5, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Doanh nghiệp do ông Đỗ Trần Nam làm người đại diện pháp luật, hoạt động chính trong các lĩnh vực: Dịch vụ lưu trú ngắn ngày; xây dựng nhà các loại, bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng; nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Liền kề dự án Andochine Resort & Spa Phú Quốc là hàng loạt các dự án do các doanh nghiệp lớn khác của ngành du lịch như Best Western Premier, Novetel, Pullman, Intercontinental…

Chủ đầu tư Công ty Cổ phần Fecon Phú Quốc và Công ty Hạ tầng Đô thị Corporation đã thực hiện dự án biệt thự biển cao cấp Amon Beach Resort và khu phức hợp Sim Island.

Các sản phẩm tại dự án Andochine Resort & Spa Phú Quốc có giá cho thuê trên thị trường từ 7 triệu đồng/đêm.