Trong báo cáo mới công bố ngày 25/9, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang ở trạng thái nới lỏng nhằm kích cầu đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên chính sách này đang chịu áp lực từ ba yếu tố gồm áp lực tăng mạnh từ tỷ giá, áp lực gia tăng của lạm phát Việt Nam và tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đang nằm trong trạng thái khả quan. Điều này được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng tiêu dùng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ lũy kế đạt 19,3% và chỉ số ngành công nhiệp chế biến chế tạo tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phân tích cụ thể từng yếu tố, các chuyên gia tại đây cho hay tỷ giá tự do USD/VND bắt đầu có xu hướng tăng mạnh vào tháng quý II khi Fed quyết định thắt chặt bảng cân đối kế toán và nâng lãi suất. Xu hướng này đã tạo áp lực mạnh lên VND từ đó cho đến nay. Tính từ đầu năm, tỷ giá VND/USD đã mất giá 3,7% và lượng dự trữ ngoại hối đã bán được khoảng 20 tỷ USD từ 110 tỷ USD xuống còn 90 tỷ USD.

Bên cạnh đó, các yếu tố như cán cân thương mại xuất siêu 5,49 tỷ USD và lượng FDI giải ngân đạt 12,8 tỷ USD (10,5%) đang phần nào giúp hạn chế đà tăng của tỷ giá từ đầu năm.

Diễn biến tỷ giá USD/VND

Về áp lực lạm phát, so với các quốc gia khác lạm phát Việt Nam đang ở mức khá thấp và nằm dưới mức mục tiêu Chính phủ đề ra là 4%.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng về lạm phát cơ bản đang có mức tăng khá nhanh so với cả giai đoạn 5 năm gần đây. Hiện tượng này cho thấy yếu tố đáng quan ngại về giá cả hàng hóa gia tăng diện rộng.

Mức gia tăng giá cả chủ yếu đến từ khu vực dịch vụ khi nhóm này hồi phục mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu tiêu dùng hồi phục kéo theo đà tăng giá cả dịch vụ cho thấy lạm phát đang có yếu tố gia tăng về tình trạng cầu kéo. Đây cũng là nguyên nhân mà NHNN chấp nhận tăng lãi suất khi nhu cầu tiêu dùng đang có dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ.

Diễn biến CPI VIệt Nam