Cụ thể, trong phiên 28/12, giá cổ phiếu Apple đã giảm hơn 3% xuống còn 125,92 USD tại sàn giao dịch New York. Sự sụt giảm cổ phiếu này đã khiến vốn hóa của Apple bị thổi bay 1.000 tỷ USD xuống còn 2.000 tỷ USD.

Trước đó vào ngày 3/1/2022, giá trị cổ phiếu Apple đạt đỉnh 183 USD/cổ phiếu, giúp Apple trở thành công ty đầu tiên trên thế giới đạt vốn hóa 3.000 tỷ USD.

Apple mất 1.000 tỷ USD vốn hóa vì thiếu hàng iPhone 14
Sự sụt giảm cổ phiếu Apple đã thổi bay 1.000 tỷ USD giá trị vốn hóa xuống chỉ còn 2.000 tỷ USD.

Theo 9to5mac nhận định, nguyên nhân phần lớn là do sản lượng iPhone 14 thấp hơn kỳ vọng. Báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường TrendForce đã chỉ ra công suất hoạt động của nhà máy Foxconn sản xuất iPhone 14 đã giảm mạnh, thậm chí còn không đạt 70% công suất tối đa. Do đó, công ty phân tích đã giảm dự đoán lô hàng iPhone 14 sản xuất trong năm 2022 xuống chỉ còn 78,1 triệu thiết bị, so với mức dự kiến 80-85 triệu trước đó.

Đến quý I/2023, TrendForce cho rằng tình trạng thiếu nhân công ở nhà máy Trung Quốc vẫn sẽ tiếp diễn và thậm chí còn tệ hơn. Do đó, công ty phân tích ước tính lượng iPhone xuất xưởng trong giai đoạn này chỉ đạt 47 triệu chiếc, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. “Bên cạnh những thách thức ảnh hưởng đến nền kinh tế chung, Apple còn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân công, làm chuỗi sản xuất iPhone gặp khó”, TrendForce phân tích.

Do đó, TrendForce cho rằng Apple sẽ không còn phụ thuộc vào Foxconn để sản xuất dòng Pro cho iPhone 15 năm sau. Apple sẽ ký hợp đồng với Luxshare hoặc một đối tác khác để cùng sản xuất iPhone 15 Pro Max hoặc iPhone 15 Ultra. Như vậy, Foxconn không còn là đơn vị độc quyền lắp ráp dòng iPhone cao cấp nhất của “Táo khuyết”.

Tuy nhiên, nhà máy sản xuất iPhone của Luxshare hiện vẫn tập trung ở Trung Quốc. Mặc dù Luxshare cũng có nhà máy gia công sản phẩm cho Apple ở Việt Nam nhưng công ty này vẫn chưa có kế hoạch xây dựng chuỗi sản xuất xuất tại đây, TrendForce cho biết.

Trước đó, Bloomberg đã ước tính những tác động của Covid-19 trong 3 năm qua khiến Apple sụt giảm sản lượng và chịu thiệt hại tới 41 tỷ USD. Việc thiếu hụt sản lượng cuối năm có thể biến quý 4/2022 thành giai đoạn chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất kể từ khi đại dịch lan rộng vào đầu năm 2020.