3 sản phẩm công nghệ "Make in Vietnam" cho ô tô thông minh
Hệ thống Giám sát người lái (Driver Monitoring System - DMS)
Tiếp nối thành công của công nghệ nhận diện gương mặt với khả năng nhận dạng khuôn mặt cả khi đeo khẩu trang, VinAI tiếp tục phát triển tính năng này với tham vọng lớn hơn, hướng đến ngành công nghiệp ô tô.
Hệ thống giám sát người lái (DMS) ra đời với mục tiêu nâng cao an toàn cho người dùng khi điều khiển phương tiện. Dựa trên công nghệ nhận diện khuôn mặt nằm trong top 6 thế giới, giải pháp của VinAI sử dụng camera hồng ngoại và hệ thống cảm biến trên xe để nhận biết trạng thái của người lái như buồn ngủ, mệt mỏi và những hành vi nguy hiểm như mất tập trung hay sử dụng điện thoại, nhằm kịp thời đưa ra cảnh báo với các cấp độ khác nhau trong suốt hành trình.
Đáng chú ý hơn là hệ thống giám sát người lái của VinAI vẫn có thể hoạt động tốt cả khi tài xế đeo kính râm.
Điểm nổi trội của giải pháp do VinAI phát triển còn nằm ở tính linh hoạt, được thiết kế để tương thích với nhiều nền tảng phần cứng khác nhau. Giúp các nhà sản xuất ô tô có thể tích hợp DMS lên nền tảng phần cứng sẵn có mà không cần mất quá nhiều chi phí chuyển đổi.
Ngoài ra, theo yêu cầu của Euro NCAP (Euro New Car Assessment Programme - Tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động độc lập với mục đích chính là thử nghiệm và đánh giá mức độ an toàn của xe hơi mới của Châu Âu), bắt đầu từ năm 2023, hệ thống giám sát người lái (DMS) sẽ là tiêu chí bắt buộc để một mẫu xe mới đạt chứng nhận tiêu chuẩn an toàn 5 sao. Điều này cho thấy DMS là một giải pháp có tính thương mại hóa cao.
Tính năng quan sát toàn cảnh 360 độ giúp người lái chủ động hơn khi tham gia giao thông |
Tính năng quan sát toàn cảnh 360 độ (Surround View Monitoring - SVM)
Với mong muốn mang đến những đột phá công nghệ trong ngành công nghiệp ô tô, VinAI đã đưa ra giải pháp để phổ cập một tính năng vốn chỉ dành cho những dòng xe sang đến các phân khúc xe phổ thông hơn, đó là tính năng quan sát toàn cảnh 360 độ (SVM).
SVM là một hệ thống cung cấp các góc quan sát từ trên cao, từ đằng sau xe, hai bên bánh xe và trong không gian 3 chiều để hỗ trợ người lái khi di chuyển qua các đoạn đường đông phương tiện, trên cung đường hẹp và trong bãi đỗ xe.
Sử dụng hệ thống SVM, người lái có thể theo dõi toàn cảnh môi trường bên ngoài và thay đổi chế độ xem bằng bảng điều khiển trên màn hình. Với chế độ 3D, lái xe còn có thể quan sát các điểm mù không thể nhìn thấy được qua gương chiếu hậu, từ đó phát hiện các chướng ngại vật và hạn chế va chạm trên đường hẹp hoặc trong bãi đỗ xe. Ngoài ra, SVM hỗ trợ tốt cho quá trình đỗ xe khi người điều khiển phương tiện có thể quan sát đầy đủ phía trước, sau và 2 bên trái, phải để đưa xe vào vị trí đỗ một cách gọn gàng và chính xác, giúp việc đỗ xe trở nên dễ dàng với cả người mới cầm lái.
Công nghệ SVM được đội ngũ phát triển tại VinAI tối ưu hoá mang đến hình ảnh chất lượng cao nhất với hiệu suất cao nhưng cần ít sức mạnh từ bộ vi xử lý (CPU). Lợi thế này kết hợp với tính linh hoạt, tương thích cao với các phần cứng khác nhau giúp hệ thống SVM có khả năng ứng dụng rộng rãi trên nhiều dòng xe thuộc nhiều phân khúc khác nhau.
Trong tương lai, mục tiêu của VinAI là nâng cấp tính năng SVM để từng bước tiến đến khả năng đỗ xe tự động thông qua nhận diện các vạch đỗ xe, các đối tượng như người đi bộ, xe máy, vật cản khó quan sát thấp gần mặt đường... Đây là ứng dụng quan trọng giúp đạt cấp độ tự động cao trong các tính năng tự lái tại bãi đậu xe hoặc trên các con đường chật hẹp.
Cơ chế tự lái cho xe (Autopilot L2+)
Trong những năm gần đây, xe tự hành đã và đang trở thành xu hướng của ngành công nghiệp ô tô và công nghệ, nhằm tối ưu hóa trải nghiệm lái xe của người dùng. Để giải quyết bài toán tự động trong lái xe cần 2 yếu tố là mô-đun nhận thức thu thập thông tin về môi trường xung quanh và bộ điều khiển trung tâm giúp ra quyết định về hành vi cho xe. Hai bộ phận này có thể hiểu như tai, mắt và não bộ của phương tiện, cần phải kết hợp chính xác và tối ưu nhất để tạo ra một cỗ máy toàn diện, đảm nhận nhiệm vụ điều khiển xe thay cho con người một cách mượt mà và an toàn.
Với hệ thống nhận thức cho xe, hiện VinAI đã phát triển thành công tính năng nhận diện làn đường và vật thể với độ chuẩn xác cao và tương thích với đặc thù môi trường tại Việt Nam, điều mà các công nghệ đi trước trên thế giới vẫn chưa đáp ứng được. Thuật toán có khả năng tổng hợp và phân tích dữ liệu từ camera, radar, bản đồ và các cảm biến tác động từ môi trường nhằm tính toán và đưa ra các quyết định điều khiển tối ưu về tốc độ và góc lái cho xe.
Bên cạnh đó, cơ chế tự lái do VinAI phát triển đã bước đầu đạt đến cấp độ 2+, người dùng không cần điều khiển vô lăng, chân ga hay thắng mà xe vẫn có thể tự di chuyển trên đường một cách an toàn dựa vào thông tin đến từ hệ thống nhận thức. Đầu năm nay, VinAI đã thực nghiệm thành công các tính năng giữ làn tự động, tự lái trên đường cao tốc hoặc trong thành phố với lưu lượng giao thông thấp và hỗ trợ đỗ xe, đồng thời tập trung vào việc phát triển cơ chế giảm thiểu rủi ro (MRM – Minimum Risk Maneuver), bước đệm tiến đến tự lái cấp độ 3 và những cấp độ cao hơn.
Nói về quá trình nghiên cứu và phát triển cơ chế tự lái, Tiến sĩ Trần Đức Trọng, Trưởng nhóm Hoạch định và Điều khiển xe tự hành tại VinAI cho biết: “Đội ngũ tại VinAI chỉ mới tiếp cận bài toán xe tự hành trong 1 thời gian ngắn nhưng đã đạt đến cấp độ tự lái 2+, đồng thời, chứng minh được tính khả thi của giải pháp thiết kế (proof-of-concept - POC) theo tôi là một bước tiến rất nhanh. Với tốc độ này, VinAI sẽ sớm có thể bắt nhịp và cạnh tranh trực tiếp với các công ty trên thế giới đã đi trước chúng ta nhiều năm về phát triển xe tự hành”.
Với tính năng tự lái ở cấp độ hiện tại, người lái vẫn cần phải chú ý quan sát và sẵn sàng nắm quyền điều khiển xe khi gặp tình huống ngoài khả năng xử lý của hệ thống. Vì vậy, sự kết hợp với hệ thống giám sát người lái sẽ tăng độ an toàn cho các tính năng tự lái. Mục tiêu trong tương lai của VinAI là tiếp tục chinh phục những cấp độ tự lái ưu việt hơn cho xe dựa trên nền tảng công nghệ sẵn có, nhằm nâng cao hơn nữa độ an toàn và trải nghiệm tiện lợi cho người dùng.