Theo chiến lược này, đến năm 2025, sẽ có 100% các dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4; 100% dịch vụ công mức độ 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 90% hồ sơ công việc tại Ngân hàng Nhà nước được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); Ít nhất 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có tối thiểu 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, tối thiểu 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử và tối thiểu 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số (kênh tiếp xúc giữa khách hàng với ngân hàng có kết nối mạng internet).

Chiến lược cũng đặt kỳ vọng tối thiểu 60% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; tối thiểu 50% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động và tối thiểu 70% hồ sơ công việc tại tổ chức tín dụng được xử lý và lưu trữ trên môi trường số (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);

Mục tiêu cơ bản đến năm 2030 của chiến lược này sẽ có ít nhất 70% hoạt động kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của Ngân hàng Nhà nước và đối với tổ chức tín dụng sẽ có ít nhất 70% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.

NHNN sắp ban hành loạt văn bản mới giúp ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số
NHNN sắp ban hành loạt văn bản mới giúp ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số.

Để thực hiện chiến lược này, NHNN đưa ra kế hoạch đẩy mạnh hoạt động truyền thông, hiện đại hóa hạ tầng thanh toán và rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số ngân hàng.

Cụ thể, năm 2021, NHNN sẽ ban hành Nghị định về xây dựng Cơ chế thử nghieemjcos kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Fintech Sandbox). Đồng thời, sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung cơ chế xác thực giao dịch theo hướng cân đối giữa xác thực khách hàng mạnh và trải nghiệm khách hàng xuyên suốt; Nghiên cứu rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định cho phép ứng dụng công nghệ số trong các giao dịch ngoại hối.

Năm 2021-2022, NHNN sẽ ban hành Nghị định thay thế nghị định 101/2012/NĐ-CP và các thông tư thay thế, sửa đổi, bổ sung về thanh toán không dùng tiền mặt, quản lý giám sát hoạt động thanh toán, thanh toán xuyên biên giới. NHNN cũng rà soát, nghiên cứu đề xuất quy định về hoạt động cho vay để cho phép thực hiện bằng phương thức điện tử và tự động hóa toàn bộ quy trình cho vay của tổ chức tín dụng với khách hàng.

Giai đoạn 2021-2015, NHNN sẽ sửa đổi, bổ sung các vấn đề cần được Luật hóa để phù hợp thực tiễn và xu hương ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng; Xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Đề án thanh toán không dùng tiền mặt…

Mục tiêu của Kế hoạch là đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ. Đồng thời, phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.