Xu hướng đầu tư của Gen Z khác Gen Y như thế nào? Gen Z quan tâm đầu tư gì năm 2024?
Nhà đầu tư Gen Z có mối quan tâm, tư duy tài chính và xu hướng đầu tư khác biệt so với thế hệ Gen Y tiền nhiệm. (Nguồn: Money)

Thế hệ dám liều lĩnh, mạo hiểm để tự do tài chính

Sự khác biệt lớn nhất trong tư duy tài chính của Gen Z đối với Gen Y cần kể tới sự liều lĩnh, dám đương đầu và thử nghiệm với nhiều điều mới mẻ. Nói cách khác, nhà đầu tư Gen Z có thể làm đủ mọi cách để tăng tỷ suất sinh lời, trong khi các thế hệ trước, như Gen Y thường hướng tới sự chắc chắn khi đầu tư tài chính.

Trước hết, bối cảnh rất quan trọng. Thế hệ Gen Z sinh ra và lớn lên trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, kinh tế số. Họ trải qua môi trường sống, nền văn hoá gắn liền với nhiều thành tựu khoa học công nghệ, nhờ đó được hưởng nhiều thuận lợi nhất định so với các thế hệ đi trước.

Chẳng hạn, họ có thể đầu tư sớm hơn với số tiền nhiều hơn vào các kênh đầu tư khác nhau thông qua Internet, mạng xã hội,… Nhiều nghiên cứu cho thấy, Gen Z có nhu cầu lớn tham gia vào đầu tư chứng khoán và tiền mã hóa với tỷ lệ đầu tư cao hơn từ khi còn rất trẻ so với những thế hệ trước.

Xu hướng đầu tư của Gen Z khác Gen Y như thế nào? Gen Z quan tâm đầu tư gì năm 2024?
Thế hệ Gen Z sinh ra và lớn lên trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin. (Nguồn: The Motley Fool)

Cụ thể, theo một nghiên cứu từ Diễn đàn Oliver Wyman/The News Movement và Hiệp hội nghiên cứu Zeldis ở Mỹ, Gen Z có khả năng bắt đầu đầu tư ở tuổi 21, cao hơn 45% so với Gen Y. Đáng chú ý, phụ nữ hiện chiếm một nửa số nhà đầu tư tiền mã hóa ở thế hệ Gen Z, trong khi ở các thế hệ cũ chỉ chiếm 37%.

Một cuộc khảo sát khác vào năm 2022 do Công ty Tư vấn Tài chính và Đầu tư The Motley Fool (Mỹ) thực hiện với hơn 1.200 nhà đầu tư cho kết quả: Gen Z có xu hướng sở hữu quyền chọn mua cổ phiếu và tiền mã hoá cao hơn so với Gen Y. Cụ thể, 30% nhà đầu tư Gen Z sở hữu quyền chọn mua cổ phiếu so với 18% nhà đầu tư Gen Y. Với tiền mã hoá, tỷ lệ giữa Gen Z và Gen Y lần lượt là 59% và 48%.

Như vậy, nhà đầu tư Gen Z không chỉ có xu hướng đầu tư tiền bạc nhiều hơn so với thế hệ trước, họ cũng được coi là động lực chính của sự thay đổi nhân khẩu học đang diễn ra theo hướng đa dạng hóa về giới tính và chủng tộc trong bối cảnh đầu tư.

Sự liều lĩnh, dám mạo hiểm có thể giúp Gen Z kiếm được nhiều tiền hơn nhưng cũng có thể khiến họ mất tiền nhanh hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, Gen Z là thế hệ kiếm được tiền nhưng cũng “không ngại tiêu tiền”. Trong khi thế hệ Gen Y hoặc trước đó đề cao nhiều vào giá trị cộng đồng thì Gen Z được biết đến với cái tôi và cá tính riêng nổi bật hơn cả. So với việc tích luỹ và tiết kiệm, họ có xu hướng tăng thêm chi tiêu hoặc đầu tư để thể hiện cá tính bản thân, đồng thời tăng thêm cơ hội kiếm được nhiều lợi nhuận trong ngắn hạn, hướng tới đạt được tự do tài chính sớm hơn.

Một số ý kiến khác nhận định thế hệ Gen Z có năng lực và có nhiều tiềm năng trở thành các nhà đầu tư “đa nhiệm”, tức là có sự đa dạng trong tư duy và cách thức phân bổ đầu tư, xu hướng trải nghiệm các loại hình đầu tư khác nhau, từ truyền thống đến mạo hiểm. Trong khi đó, thế hệ đi trước thường chuyên sâu hơn về một lĩnh vực đầu tư nhất định, hướng tới “ăn chắc mặc bền” để ổn định lâu dài hơn.

Gen Z bị ảnh hưởng lớn từ mạng xã hội

So với Gen Y, nhiều nghiên cứu chỉ ra các nhà đầu tư Gen Z có xu hướng coi mạng xã hội là động lực để đầu tư. Các nền tảng như TikTok, Facebook, Zalo, Youtube,… có ảnh hưởng lớn đến quyết định tài chính của Gen Z.

Xu hướng đầu tư của Gen Z khác Gen Y như thế nào? Gen Z quan tâm đầu tư gì năm 2024?
Nhiều nhà đầu tư Gen Z thừa nhận tiếp thu kiến thức tài chính chủ yếu từ mạng xã hội. (Nguồn: Investorplace)

Cụ thể, theo báo cáo 2022 của The Motley Fool, gần một nửa Gen Z cho biết đã học những điều cơ bản về đầu tư và khoảng 1/3 học các chiến lược tài chính nâng cao thông qua mạng xã hội. 30% cho biết đã mua cổ phiếu do cộng đồng đầu tư trên mạng xã hội đề xuất.

Những quyết định này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì mạng xã hội thường là nơi có nhiều thông tin “chìm nổi” chưa kiểm chứng. Việc phân biệt tin tức thật – giả, lời khuyên thật – giả trên Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng là một thách thức lớn. Nhiều nhà đầu tư Gen Z đã phải thừa nhận bị mất tiền hoặc bị tác động tiêu cực khi nhận được các lời khuyên mua cổ phiếu từ mạng xã hội.

Tư duy tài chính bị ảnh hưởng lớn bởi mạng xã hội là một đặc thù của các nhà đầu tư Gen Z so với những thế hệ đi trước.

Dù mạng xã hội rất phát triển nhưng các thế hệ đầu tư đi trước vô cùng cẩn trọng khi sử dụng các nền tảng này. Minh chứng là nhiều ngân hàng hàng đầu ở Mỹ và Anh không tham gia vào các nền tảng truyền thông xã hội phổ biến như TikTok.

Số hoá không đồng nghĩa “quay lưng” với truyền thống

Gen Z và Gen Y đều có xu hướng sử dụng các dịch vụ tài chính kỹ thuật số mới. Một cuộc khảo sát phân tích thanh toán bán lẻ năm 2021 của Oliver Wyman cho thấy, 21% người từ 18 đến 24 tuổi sử dụng ngân hàng số.

Hai nhóm này cũng có xu hướng sử dụng thẻ tín dụng thấp nhưng sẵn sàng sử dụng các phương thức thanh toán số, bao gồm mua ngay trả sau (BNPL), tiền mã hóa và các siêu ứng dụng.

Xu hướng đầu tư của Gen Z khác Gen Y như thế nào? Gen Z quan tâm đầu tư gì năm 2024?
Gen Z có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm tài chính số. (Nguồn: Vietnam Insider)

Theo một nghiên cứu, Gen Z sử dụng thẻ tín dụng tại cửa hàng chỉ ở mức 27% vào năm 2021, thấp hơn so với mức 48% ở thế hệ Baby Boomers (khoảng 1946 – 1964). Tại Mỹ, 55,1% nhà đầu tư kỹ thuật số Gen Z ở độ tuổi 14 trở lên đã sử dụng dịch vụ BNPL ít nhất 1 lần vào năm 2022, trở thành thế hệ áp dụng các dịch vụ BNPL nhiều nhất. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng BNPL của các nhà đầu tư kỹ thuật số thuộc thế hệ Y ở Mỹ là 48,6% và thế hệ Baby Boomers là 16,3%.

Dù ưa chuộng các sản phẩm tài chính số, người tiêu dùng hay nhà đầu tư Gen Z vẫn tin tưởng các ngân hàng truyền thống uy tín bởi “cảm giác chắc chắn và an tâm”.

Mặc dù là những người thích sử dụng các dịch vụ tài chính số nhưng phần lớn Gen Z vẫn dùng tài khoản chính ở ngân hàng truyền thống thay vì ngân hàng số. Điều đó cho thấy, bất kể thế hệ nào, người tiêu dùng hay nhà đầu tư vẫn tin tưởng các ngân hàng truyền thống uy tín bởi “cảm giác chắc chắn và an tâm”. Một nghiên cứu riêng biệt được thực hiện vào năm 2021 bởi Deloitte cho biết, có 56% người tiêu dùng Gen Z lựa chọn các chi nhánh khi mở tài khoản mới.

Các kênh đầu tư tiềm năng của Gen Z năm 2024

Gửi tiết kiệm

Gửi tiết kiệm ngân hàng lãi suất thấp nhưng mức độ rủi ro rất thấp, phù hợp với tư duy tài chính “ăn chắc mặc bền” của các thế hệ đi trước. Tuy nhiên, với giới trẻ, việc gửi ngân hàng không hấp dẫn, bởi tỷ suất lợi nhuận thấp. Thời gian gửi lâu để nhận được số tiền mong muốn, tính linh hoạt không cao khiến nhiều nhà đầu tư Gen Z không chọn hình thức này.

Chứng khoán

Đầu tư chứng khoán là một kênh đầu tư truyền thống, nhưng thực sự phát triển và bùng nổ khi kinh tế số tăng trưởng. Với thế hệ Z, việc đầu tư chứng khoán được ưu tiên hơn ở thời đại kinh tế số đa dạng về sản phẩm, danh mục đầu tư và kênh tiếp cận. Gen Z có “khẩu vị” rủi ro cao, linh hoạt hơn, có xu hướng lựa chọn các sản phẩm cổ phiếu năng động, mang lại tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn.

Vàng

Thế hệ trước coi vàng là kênh trú ẩn an toàn để bảo vệ cho tài sản của mình. Với thế hệ nhà đầu tư yêu thích mạo hiểm để tìm kiếm lợi nhuận lớn, vàng không phải là kênh hấp dẫn. Nhiều bạn trẻ cho rằng vàng là kênh đầu tư chậm chạp, tỷ suất sinh lời thấp.

Tiền điện tử

Xu hướng đầu tư của Gen Z khác Gen Y như thế nào? Gen Z quan tâm đầu tư gì năm 2024?
Tiền điện tử được xem là xu hướng đầu tư "thời thượng" của giới trẻ những năm gần đây nhưng rủi ro rất cao. (Nguồn: Money)

Tiền điện tử chỉ mới xuất hiện và bùng nổ trong hơn một thập kỷ qua, thực sự đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư trẻ tuổi. Đầu tư tiền điện tử được coi là một phương thức đầu tư thời đại mới, với mức độ rủi ro rất cao, tỷ suất sinh lời cũng biến động khôn lường.

Nhiều nhà đầu tư Gen Z sẵn sàng liều lĩnh, chi số tiền “khủng” để đầu tư Bitcoin, Etherium hay các loại tiền điện tử khác, với kỳ vọng lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, với nhiều biến cố xảy ra với thị trường tiền điện tử những năm qua, khiến rất nhiều nhà đầu tư “cháy tài khoản”, Gen Z có xu hướng không chỉ tập trung vào 1 kênh tiền điện tử mà phân bổ dòng tiền đa dạng hơn để giảm thiểu rủi ro biến động lên xuống của thị trường.

Quỹ đầu tư

Ở nhiều thị trường trên thế giới, các quỹ đầu tư, chẳng hạn như quỹ ETF, là một kênh tài chính được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ tiếp tục là xu hướng trong tương lai. Tuy nhiên, theo một báo cáo của FiinGroup vào tháng 6/2023 cho thấy cả hai thế hệ rất năng động là Gen Y và Gen Z vẫn chưa đầu tư nhiều vào những sản phẩm này.