Vợ Phó tổng giám đốc ngân hàng VIB đăng ký bán 1,9 triệu cổ phiếu
Bà Kim Ngọc đã đăng ký bán 1,9 triệu cổ phiếu VIB để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 88.801 cổ phiếu (tỷ lệ 0,006% vốn cổ phần). Phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Thời gian thực hiện giao dịch từ 19/5 đến 17/6/2022.

Cụ thể, theo báo cáo của bà Phạm Thị Kim Ngọc gửi tới Ủy ban Chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM và Ngân hàng VIB chiều 16/5, cá nhân bà Ngọc đang sở hữu gần 1,99 triệu cổ phiếu VIB (tỷ lệ 0,128% vốn cổ phần). Bà Kim Ngọc đã đăng ký bán 1,9 triệu cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 88.801 cổ phiếu (tỷ lệ 0,006% vốn cổ phần). Phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Thời gian thực hiện giao dịch từ 19/5 đến 17/6/2022.

Đầu năm 2022, Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) đã công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận vượt 8.000 tỷ đồng, tăng trưởng 38% so với năm trước, tiếp tục nằm trong top đầu ngành về hiệu quả hoạt động với tỷ lệ ROE đạt 31%. Riêng trong quý 4, VIB ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ với mức lợi nhuận gần 2.700 tỷ đồng, đây là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng, tiếp nối đà tăng trưởng kép về lợi nhuận trên 60% trong 5 năm liên tiếp 2016-2021. Kết thúc năm 2021, lợi nhuận VIB vượt 8.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.

Trong đó, tổng thu nhập hoạt động của VIB đạt gần 15.000 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước. Thu nhập lãi thuần đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 39%. Tăng mạnh thu nhập lãi thuần đến từ việc VIB mở rộng biên lãi ròng (NIM) đạt 4,4%, thông qua tối ưu hóa chi phí sử dụng vốn, giảm đến 1,1% so với năm 2020.

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản VIB ghi nhận gần 310.000 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt hơn 200.000 tỷ, tăng 19%. Tổng nguồn huy động đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 27%. Riêng tiền gửi CASA tăng trưởng bứt phá 55%, chiếm tỷ trọng trên 16% tiền gửi khách hàng.

Kết quả kinh doanh quý 1/2022 của VIB cũng ấn tượng với lợi nhuận gần 2.300 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 26% so với cùng kỳ và tiếp tục duy trì vị thế top đầu ngành về hiệu quả hoạt động với ROE đạt 30%. Kết quả này đến từ việc tập trung vào mảng bán lẻ với gần 90% danh mục là tín dụng bán lẻ và 95% có tài sản đảm bảo.

Nợ tái cấu trúc tiếp tục giảm mạnh trong quý I/2022, còn 840 tỷ đồng, chiếm 0,39% danh mục tín dụng, bằng 1/3 so với giai đoạn giãn cách xã hội quý III/2021. Các chỉ số về an toàn vốn, tỷ lệ nợ xấu và thanh khoản đều được ngân hàng quản lý chặt chẽ, thuộc nhóm tốt nhất ngành. Tại VIB, số dư trái phiếu doanh nghiệp tính đến hết quý I/2022 là 2.600 tỷ đồng, tương đương 1,2% danh mục tín dụng.

Trái phiếu do VIB đầu tư tập trung vào doanh nghiệp sản xuất, có kết quả kinh doanh tốt, tài sản đảm bảo chất lượng, kiểm soát rủi ro chặt chẽ và có mục đích sử dụng vốn rõ ràng, an toàn, minh bạch. Hiện nay, VIB là một trong những nhà băng duy trì chỉ số tỷ lệ Tài sản rủi ro (RWA) trên Tổng tài sản thuộc nhóm tốt nhất ngành.

Tuy nhiên, nợ xấu của VIB này đang tăng cao hơn. Tại ngày 31/3/2022, tỷ lệ nợ xấu của khách hàng tại VIB là 1,78% (ngày 31/12/2021 là 1,75%). Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là hơn 1.497 tỉ đồng, tăng hơn 13% so với cuối năm 2021. Nợ nghi ngờ là 2.631 tỉ đồng, tăng 64,1% so với cuối năm.

Nợ xấu của VIB tăng dần theo thời gian

Trong phiên giao dịch sáng 17/5, vào lúc 11h00 cổ phiếu VIB đang ở ngưỡng 25.300 đồng/cổ phiếu, giảm 250 đồng so với chốt phiên giao dịch chiều 16/5 và giảm mạnh so với đỉnh 54.000 đồng vào ngày 4/6/2021.

Có thể nói, những con số về lợi nhuận của VIB là vô cùng khả quan tuy nhiên với ngân hàng thì điều quan trọng nhất nằm ở chất lượng tài sản. Ngày 31/12/2021 nợ xấu tại VIB ghi nhận là 1,75% thì đến hết quý 1/2022 ghi nhận là 1,78%.

Theo quy định hiện tại, dư nợ của ngân hàng chia thành 5 nhóm: nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1), nợ cần chú ý (nhóm 2), nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3), nợ nghi ngờ (nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5).

Trong đó, nợ xấu được tính từ nhóm 3 đến nhóm 5. Tại VIB, sở dĩ nợ xấu tăng mạnh do nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh. Cụ thể, nợ nhóm 3 vào ngày 31/12/2021 là hơn 1.747 tỉ đồng (tăng 208% so với cuối năm 2020); tương tự nợ nhóm 4 là 1.603 tỉ đồng (tăng 101,2%).

Nợ cần chú ý (nhóm 2) của VIB cũng tăng tới 109,2%. Nhìn vào con số trên có thể thấy, nợ xấu và các khoản nợ tiềm ẩn có thể trở thành nợ xấu của VIB đang gia tăng nhanh. Nợ xấu phình to do trong năm 2021 nhà băng này tăng tổng tài sản lên tới 40% và dư nợ tín dụng cũng tăng 19,1%.

Nợ xấu tăng, khiến VIB cũng tăng trích lập dự phòng rủi ro lên 1.598 tỉ đồng (tăng 68,6%) trong năm 2021, tuy nhiên mức tăng này so với mức độ gia tăng nợ xấu và so với các ngân hàng trong hệ thống còn rất khiêm tốn.

Cụ thể, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tính đến 31/12/2021 của VIB theo một số thống kê là 55%, đứng gần cuối bảng (23/26 ngân hàng đang niêm yết) và cách rất xa so với các ngân hàng top đầu (Vietcombank 424%, MB 268%, BIDV 219%, ACB 209%).

Riêng các khoản nợ có khả năng mất vốn (nhóm 4), cuối năm 2021, VIB sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý giảm gần 17,3% so với cùng kỳ nhưng vẫn còn hơn 1.319 tỉ đồng.