Trái ngược với sự khởi sắc trên sàn HoSE, 2 chỉ số chứng khoán bên sàn Hà Nội là HNX Index và UPCoM Index cùng tăng nhẹ dưới 0,5 điểm. Kết phiên cuối cùng của năm Quý Mão, HNX Index đạt 231 điểm, còn UPCoM Index đạt 89,33 điểm.

Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 hôm nay ghi nhận duy nhất cổ phiếu MWG điều chỉnh giảm trong khi có tới 26 mã tăng, 3 mã giữ tham chiếu.

Theo ghi nhận, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là tâm điểm thu hút dòng tiền. CTG tiếp tục hành trình tìm về đỉnh lịch sử khi tăng tới 3,2%. Bên cạnh đó, TCB cũng gây ấn tượng mạnh với mức tăng lên đến 4,63%. Đây cũng là 2 cổ phiếu tác động tích cực nhất tới VN-Index. Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng khác đều tăng điểm, trong đó nhiều mã tăng khá như VPB tăng 1,55%, MBB tăng 1,95%, HDB tăng 2,39%, VIB tăng 1,4%, TPB tăng 2,21%, OCB tăng 1,68%, MSB tăng 1,08%.

VN-Index tăng 10 điểm phiên giao dịch cuối năm, nhà đầu tư nhiều nhóm cổ phiếu 'ăn Tết Nguyên đán to'
VN-Index tăng 10 điểm phiên giao dịch cuối năm, nhà đầu tư nhiều nhóm cổ phiếu 'ăn Tết Nguyên đán to'

Cổ phiếu chứng khoán diễn biến khả quan theo đà tăng của VN-Index. Đa số chỉ tăng nhẹ dưới 1% nhưng nổi lên 2 cái tên đáng chú ý: VND tăng 4,07% và VDS tăng 4,25%.

Ở nhóm bất động sản, sắc xanh nhỉnh hơn sắc đỏ, tuy nhiên dù ở "phe" nào thì đa số cổ phiếu biến động trong biên độ hẹp. Cổ phiếu gây ấn tượng nhất là "ông lớn" VHM khi có thêm 1,95% giá trị.

Tuy nhiên không có mã nào thực sự đột phá. Chiều giảm có DIG, CEO, NLG, DXG, TCH, VPI, SZC, HDC, CTD...

Nhóm thép ghi nhận bộ ba đầu ngành là HPG, HSG, NKG đều tăng giá nhưng tỷ lệ chỉ dưới 1%.

Cổ phiếu hàng không và bán lẻ phân hóa: VJC tăng 0,77% còn HVN giảm 0,79%; MWG và DGW giảm lần lượt 0,85% và 0,71% trong khi PNJ và FRT lần lượt có thêm 0,22% và 1,21% giá trị.

Nhóm nông nghiệp chứng kiến sự phục hồi HNG, tăng 3,3% lên mức giá 4.030 đồng/cp, HAG giảm 1,1%. Đáng chú ý là DBC tăng 5,6% lên mức giá 28.550 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 8/2022; khớp lệnh hơn 22 triệu đơn vị.

Tương tự, nhóm cổ phiếu thiết bị điện chứng kiến GEX (+1,6%), CAV (+1,1%), RAL (+0,5%), SAM (+1,2%).

Trên thị trường phái sinh, cả bốn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng từ 11 đến hơn 17 điểm. Trong đó, VN30F2402 tăng 15,1 điểm, tương đương +1,25% lên 1.219 điểm, khớp lệnh hơn 136.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 43.300 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, các mã thanh khoản cao nhất đều tăng, với CVPB2309 khớp hơn 4,4 triệu đơn vị và tăng 13,6% lên 250 đồng/cq, CSTB2322 với 2,64 triệu đơn vị và tăng 7,6% lên 850 đồng/cq.

Sự tích cực của thị trường chứng khoán khiến số lượng tài khoản mở mới tăng vọt. Theo số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm 125.169 tài khoản trong tháng 1/2024, gấp hơn 3 lần so với tháng cuối năm ngoái. Đây là số lượng tài khoản chứng khoán mở mới cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây.