Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2023 của Vinamilk theo hình thức trực tuyến, với giao diện đổi mới tạo sự thuận tiện và trải nghiệm ngày càng tốt cho cổ đông tham dự. Đây là đại hội kết thúc năm đầu tiên của giai đoạn chiến lược 5 năm 2022-2026.

Năm 2022 là năm được điều hành bởi Hội đồng Quản trị mới đã được bầu chọn từ ĐHĐCĐ năm 2022. Trong năm, Vinamilk tiếp tục nâng giá trị thương hiệu lên 2,8 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ, trở thành thương hiệu sữa lớn thứ 6 toàn cầu (theo Brand Finance) và duy trì thứ hạng trong Top 40 doanh nghiệp sữa lớn nhất toàn cầu về doanh thu (theo Plimsoll).

Năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 60.075 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 8.578 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần Nội địa/Xuất khẩu/Các chi nhánh nước ngoài đạt lần lượt là 50.704/4.828/4.424 tỷ đồng. Duy trì mức cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông năm 2022 ở mức cao, tổng số tiền cổ tức của năm là 8.046 tỷ đồng, chiếm 94% lợi nhuận sau thuế hợp nhất phân bổ cho chủ sở hữu của Công ty.

Đặc biệt, năm 2023 cũng đánh dấu cột mốc 20 năm cổ phần hóa thành công của doanh nghiệp này, với doanh thu tăng 15 lần, lợi nhuận tăng gấp 13 lần so với thời điểm chính thức cổ phần hóa năm 2003. Tổng đóng góp cho ngân sách nhà nước từ đó đến nay là gần 55.300 tỷ đồng, luôn nằm trong nhóm doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông cao nhất, với lũy kế từ khi lên sàn năm 2006 đến nay là 76.228 tỷ đồng.

Buổi đại hội diễn ra theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Vinamilk
Buổi đại hội diễn ra theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Vinamilk

Nội dung được cổ đông quan tâm nhiều nhất là kế hoạch kinh doanh 2023, trong bối cảnh thị trường chung còn thách thức. Theo đó, công ty đặt mục tiêu doanh thu 63.380 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế 10.496 tỷ đồng, bằng 2022.

Với câu hỏi "Tăng trưởng của thị trường sữa chậm lại, liệu đã tới giai đoạn bão hòa và làm thế nào để bứt phá?", Tổng giám đốc Mai Kiều Liên cho biết thị trường sữa Việt Nam chưa bão hòa vì dân số và thu nhập người dân có xu hướng tăng, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người còn thấp so với các nước (Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Malaysia…), nên, lĩnh vực này còn nhiều tiềm năng phát triển. Đó cũng là lý do, mới đây, Vinamilk tổ chức lễ ký kết với 6 tập đoàn dinh dưỡng hàng đầu, nhằm ứng dụng thành tựu khoa học, cùng Vinamilk làm ra sản phẩm theo chuẩn quốc tế, giá thành phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.

Giải đáp thắc mắc "Vì sao tăng trưởng doanh thu các năm qua gần như không đổi, trong khi lợi nhuận có xu hướng giảm, liệu có xuất hiện các vấn đề trong cơ cấu hoạt động?", bà Mai Kiều Liên nhìn nhận, mỗi công ty có chu kỳ tăng trưởng, phát triển riêng, tùy tình hình chung của thị trường. Trong bối cảnh thế giới biến động, môi trường cạnh tranh, đơn vị tái cấu trúc nguồn lực, mô hình để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, kiên định với chiến lược đề ra.

Dù tự tin với các kế hoạch thay đổi thúc đẩy quá trình chuyển đổi, bà Mai Kiều Liên vẫn thừa nhận, môi trường kinh doanh còn nhiều thử thách. Không như trước đây, với sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các quốc gia và thương mại quốc tế, tác động của suy thoái kinh tế trong một nền kinh tế sẽ được cảm nhận sâu sắc hơn ở những nơi khác. Điều đó có thể tác động đến người tiêu dùng và đối tác của Vinamilk.

Trước những yếu tố này, Vinamilk bước vào năm tài chính 2023 với sự thận trọng và quyết tâm chuyển đổi, vì chỉ có chuyển đổi mới vượt qua cái bóng của những thành công trước đây, phát huy hết các tiềm năng trong thời kỳ mới.

Bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc - Thành viên HĐQT Vinamilk trả lời các câu hỏi của cổ đông ở phiên thảo luận
Bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc - Thành viên HĐQT Vinamilk trả lời các câu hỏi của cổ đông ở phiên thảo luận. Ảnh: Vinamilk

Bà Mai Kiều Liên chia sẻ, ưu tiên ngắn hạn là tăng trưởng thị phần và doanh số bán hàng bền vững, có lợi nhuận. Đó là lý do công ty tối ưu chi phí vận hành để tái đầu tư, mở rộng kênh phân phối, củng cố sức mạnh thương hiệu.

Tiếp nối đà tăng trưởng tốt của năm 2022 đến từ các cửa hàng Giấc mơ sữa Việt, doanh thu tăng trưởng trên 20%, kênh Khách hàng đặc biệt với doanh thu tăng trưởng trên 10%, kênh Thương mại điện tử cũng tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng trên 30%, Vinamilk sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối, đầu tư cho kênh Giấc mơ sữa Việt (gồm hệ thống cửa hàng và kênh bán hàng trực tuyến).

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động R&D, tung các sản phẩm mới, nâng cao chất lượng, với định hướng không chỉ về giá trị dinh dưỡng mà còn là giá trị cộng thêm cho người tiêu dùng. Năm 2022, công ty ra mắt và cải tiến 20 sản phẩm, các sản phẩm mới tung như Super Nut (Sữa 9 loại hạt) đã giúp cho ngành hàng sữa thực vật tăng trưởng 2 con số, bên cạnh duy trì tăng trưởng tốt của các ngành chủ lực như sữa chua, sữa đặc, sữa tươi.

Vinamilk đồng thời nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động tại các công ty thành viên, phối hợp để đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm như Nhà máy sữa Hưng Yên, Dự án chăn nuôi chế biến thịt bò (Vinabeef), Dự án tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu.

Đối với mảng xuất khẩu, Vinamilk đã ký kết thành công nhiều hợp đồng với tổng giá trị đạt 100 triệu USD, dự kiến được thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2023 và đạt trên 200 triệu USD cho cả năm 2023.

Năm 2022, ĐHĐCĐ Vinamilk đã thông qua phương án chia cổ tức 3.850 đồng/cổ phần. Công ty đã tạm ứng 2 đợt, 1.500 đồng/cổ phần vào ngày 19/8/2022 và 1.400 đồng/cổ phần vào ngày 28/2/2023. Như vậy, Vinamilk sẽ thanh toán nốt cổ tức 950 đồng/cổ phần trong đợt 3, dự kiến vào ngày 5/10/2023. Tổng số tiền cổ tức của năm là 8.046 tỷ đồng.

Năm 2023, Vinamilk dự kiến dùng tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất để trả cổ tức, dự kiến tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 vào ngày 5/10/2023 ở mức 1.500 đồng/cổ phiếu.