Theo đó, Tổng sản lượng hàng hóa Vietjet vận chuyển đạt 33 nghìn tấn, tăng gần 40% so với cùng kỳ.

Vietjet ghi nhận doanh thu và lợi nhuận vận chuyển hàng không quý 2/2023 đạt 12.522 tỷ đồng và 72 tỷ đồng, tăng 10% và 101%; doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 16.872 tỷ đồng và 214 tỷ đồng, tăng 46% và 18% so với quý 2/2022.

Hãng bay cho biết, bên cạnh việc chi phí nhiên liệu bay được tối ưu nhờ vào đội tàu bay mới, giá nhiên liệu bay giảm khoảng 40% so với cùng kỳ đã giúp Vietjet tiếp tục đạt hiệu quả trong quý 2/2023.

Lũy kế 6 tháng, Vietjet ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 29.770 tỷ đồng, tăng 87% và hoàn thành 60% kế hoạch năm. Mảng doanh thu phụ trợ duy trì mức tăng trưởng cao, đạt 9.000 tỷ đồng, gấp hai lần cùng kỳ và đóng góp 40% tổng doanh thu.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 387 tỷ đồng, tăng 167% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 30/06/2023, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 71.500 tỷ đồng, chỉ số nợ/vốn chủ sở hữu 1,2 lần và chỉ số thanh khoản 1,5 lần. Số dư tiền và tương đương tiền tại thời điểm cuối quý 2/2023 đạt 2.165 tỷ đồng.

Trong quý II/2023, Vietjet tiếp tục tăng trưởng cao, có lợi nhuận nhờ vào chiến lược kinh doanh bền vững, trong đó tiên phong phát triển mạng bay quốc tế, liên tục đổi mới và tăng cường sản phẩm, dịch vụ phụ trợ có tỷ suất lợi nhuận cao, sở hữu đội bay mới và đơn đặt hàng tàu bay lớn với Airbus, Boeing mang lại lợi thế về hiệu suất hoạt động và tài chính tàu bay.

Vietjet (VJC) lãi 387 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 187% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa
Vietjet (VJC) lãi 387 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 187% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa

Vietjet đã mở mới 11 đường bay quốc tế trong quý II/2023 đến Australia, Indonesia, Ấn Độ, nâng tổng số đường bay lên 120 đường bay (45 đường bay quốc nội, 75 đường bay quốc tế).

Vietjet đã tiên phong khai thác thị trường Ấn Độ với 7 đường bay nối Hà Nội, TP HCM với Mumbai, Delhi, Ahmedabad và Kochi, mang khách tới các thành phố của Việt Nam.

Từ giữa tháng 4/2023, hãng đã mở liên tiếp 3 đường bay thẳng từ các thành phố lớn nhất của Australia là Sydney, Melbourne, Brisbane đến TP HCM với những chuyến bay luôn đầy khách.

Trong thông báo mới nhất trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Hàng không Vietjet (VJC) cho biết, đơn vị này đã huy động thành công 300 tỷ đồng sau khi phát hành 3.000 trái phiếu mã VJCH2328003.

Được biết, lô trái phiếu này có thời hạn 5 năm, mệnh giá mỗi trái phiếu là 100 triệu đồng. Chi tiết về đợt phát hành không được công bố, nhưng theo dữ liệu từ HNX, lãi suất của VJCH2328003 là 12%/năm.

Sau 12 tháng kể từ ngày phát hành, tổ chức phát hành có quyền mua lại trước hạn 1 phần hoặc toàn bộ trái phiếu đã phát hành.

Trước đó, vào các ngày 6/6 và 15/6, hãng hàng không này cũng phát hành thành công 2 lô trái phiếu VJCH2328001 và VJCH2328002 với tổng giá trị theo mệnh giá 600 tỷ đồng. Cả 2 lô trái phiếu đều có kỳ hạn 60 tháng và được phát hành ở thị trường trong nước.

Ngày 30/5, Vietjet đã công bố nghị quyết HĐQT thông qua phương án phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, nhằm bổ sung nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, chi trả các chi phí hoạt động về xăng dầu, chi phí cảng, điều hành bay, kỹ thuật, lương, bảo hiểm, thanh toán đặt cọc tàu bay (PDP) và các chi phí khác.

Trái phiếu được phát hành với lãi suất cố định tối đa 12%/năm cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên, các kỳ tính lãi còn lại sẽ tính bằng tổng của biên độ tối đa 3,5%/năm và lãi suất tham chiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 60 tháng, là trái phiếu doanh nghiệp thông thường, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm…