Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành Vietcombank cho biết, kể từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 30/4/2023, Vietcombank sẽ tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho khách hàng cá nhân và tổ chức có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...

Với các đối tượng khách hàng thuộc diện được hỗ trợ, Vietcombank sẽ chủ động giảm lãi suất mà khách hàng không cần phải đề nghị, tiết giảm tối đa chi phí, thời gian đi lại cho khách hàng, đồng thời tạo sự minh bạch trong việc áp dụng chính sách lãi suất đồng đều đến tất cả các khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Trước đó, trong năm 2022, Vietcombank là một trong những ngân hàng tiên phong giảm lãi suất cho vay khách hàng với mức giảm đồng loạt 1%/năm với hầu hết khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu từ ngày 1/11/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Đợt giảm lãi suất này có tác động đến khoảng 175.000 khách hàng với quy mô dư nợ khoảng 500.000 tỷ đồng, chiếm một nửa danh mục tín dụng của Vietcombank.

Vietcombank tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay từ ngày 1/1/2023
Vietcombank cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới ngay từ đầu năm 2023.

Năm 2023, ông Nguyễn Thanh Tùng khẳng định Vietcombank sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cho vay ở mức cạnh tranh nhất thị trường nhằm hỗ trợ tối đa khách hàng trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn.

Đồng thời, Vietcombank sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao chuẩn mực quản trị rủi ro cả về tín dụng, thanh khoản và nhiều yếu tố khác để từ đó cung cấp sản phẩm dịch vụ an toàn tới khách hàng; quyết liệt hơn trong đầu tư triển khai chuyển đổi số, không chỉ về sản phẩm, dịch vụ mà chuyển đổi cả về mô hình tổ chức, phương pháp làm việc mới hướng đến khách hàng, làm sao để cung cấp sản phẩm dịch vụ kịp thời hơn. Năm 2023, Vietcombank tiếp tục quá trình hoàn thiện nhằm đáp ứng chuẩn mực quốc tế Basel III.

Chia sẻ về kết quả kinh doanh năm 2022, lãnh đạo Vietcombank cho biết, tổng tài sản của ngân hàng chính thức vượt mốc 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2021. Về huy động vốn, dù luôn giữ mặt bằng lãi suất huy động ở mức hợp lý để góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nhưng tăng trưởng huy động của Vietcombank vẫn đạt mức 9%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn hệ thống (khoảng 6%). Về tín dụng, tính đến hết năm 2022, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 19,05% tương đương mức tăng ròng gần 200.000 tỷ đồng.

"Toàn bộ dư nợ tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực rủi ro như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán... chỉ chiếm chưa tới 1% dư nợ và đều là khách hàng tốt, trả nợ đúng hạn", ông Tùng cho hay.

Về chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu đến hết năm 2022 được kiểm soát ở mức 0,62%, thấp nhất trong các ngân hàng có quy mô lớn tại Việt Nam, dự phòng bao nợ xấu khoảng 380% (tức với mỗi 100 đồng nợ xấu, Vietcombank đang dành tới 380 đồng để trích lập dự phòng rủi ro).

Về dịch vụ, sản phẩm, năm 2022 cũng là năm thành công của Vietcombank. Doanh số thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại trong năm tăng 33%, đạt khoảng 136 tỷ USD, duy trì thị phần 18% tổng doanh số thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, lớn nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Các sản phẩm, dịch vụ dành cho khách hàng tổ chức, cá nhân đều được đầu tư, ứng dụng công nghệ mới với mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Tuy con số lợi nhuận cụ thể của năm 2022 chưa được tiết lộ nhưng lãnh đạo Vietcombank cho biết ngân hàng này tiếp tục là ngân hàng thương mại Nhà nước có số nộp ngân sách lớn nhất và đứng số 1 về lợi nhuận trước thuế cả năm.

Trước đó, báo cáo tài chính quý III/2022 của Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 25.000 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 81% kế hoạch năm.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/12, cổ phiếu VCB có giá 80.700 đồng/cổ phiếu.