Đây là thông tin được đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB), tổ chức ngày 21/4.

Trao đổi với cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, Vietcombank đang triển khai 3 nội dung tăng vốn.

Phương án 1, theo nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022 đã thông qua là tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019, với tỉ lệ phát hành tăng vốn 18,1%. Ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước đã thông qua đề xuất tăng vốn này. Nếu không có gì thay đổi, một tháng nữa Vietcombank sẽ hoàn thành tăng vốn theo phương án này.

Phương án 2, được Đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây đã thông qua, là tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 với mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ tăng thêm là 58,4%. Như vậy vốn điều lệ mới dự kiến đạt khoảng 75.000 tỷ đồng.

Phương án 3, kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng đang triển khai các bước theo thủ tục và đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn tài chính. Dự kiến, Vietcombank sẽ chào bán riêng lẻ cho đối tác ngoại trong năm 2023-2024.

Theo lãnh đạo Vietcombank, chủ trương tăng vốn đã được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính thống nhất và đang chuẩn bị các thủ tục để trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua. Còn với mức tăng vốn cao như phương án 2 thì phải được Quốc hội thông qua.

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 - Ảnh: VGP
Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023. Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đã đưa ra một số chỉ tiêu kinh doanh cơ bản cho năm 2023.

Cụ thể, Vietcombank cho biết mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng tối thiểu 15% so với năm 2022. Trước đó, ngân hàng này ghi nhận mức lãi hợp nhất trước thuế 37.368 tỷ đồng trong năm 2022. Như vậy, năm 2023, Vietcombank dự kiến lãi tối thiểu khoảng 43.000 tỷ đồng.

Ngân hàng này cũng dự kiến tổng tài sản tăng 9% so với cuối năm 2022. Trong đó, tín dụng tăng 13% với tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%. Huy động vốn từ thị trường 1 tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng với tỷ lệ cho vay/huy động không cao hơn mức thực hiện năm 2022.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Vietcombank tập trung thực hiện 6 đột phá chiến lược và 3 trọng tâm trong dịch chuyển cơ cấu hoạt động kinh doanh.

6 đột phá chiến lược bao gồm: Thứ nhất, triển khai Chương trình hành động chuyển đổi số và Kế hoạch hành động chuyển đổi đúng tiến độ đã phê duyệt, đảm bảo chất lượng. Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng nguồn nhân lực thích ứng cho chuyển đổi số. Phát triển văn hóa số và ứng dụng phương pháp làm việc Agile. Thứ ba, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu hoạt động; phát huy thế mạnh tổng thể của toàn hệ thống VCB. Thứ tư, đẩy mạnh công tác phát triển khách hàng, phát triển sản phẩm. Thứ năm, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách. Thứ sáu, triển khai đúng tiến độ với tinh thần quyết tâm cao nhất Phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.

3 trọng tâm trong dịch chuyển cơ cấu hoạt động kinh doanh của Vietcombank là:

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả bền vững: Gia tăng tỷ trọng và chất lượng tài sản đảm bảo trong tổng dư nợ; tăng trưởng tín dụng bán buôn gắn với phát triển khách hàng và dịch vụ; tăng trưởng tín dụng bán lẻ, tín dụng tại PGD đồng thời với việc đảm bảo chất lượng tín dụng

Thứ hai, phấn đấu cải thiện tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu nhập từ dịch vụ. Mở rộng cung ứng các sản phẩm dịch vụ trên kênh số và nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng.

Thứ ba, cơ cấu danh mục nguồn vốn theo hướng gia tăng hiệu quả. Phát triển mạnh mẽ vị thế tạo lập thị trường của VCB.

Trong báo cáo phân tích công bố mới đây, Chứng khoán Rồng Việt dự báo, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank năm 2023 sẽ đạt 44.400 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2022, nhờ cả thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi.

VDSC kỳ vọng thu nhập phí của Vietcombank sẽ tăng trưởng 18%, đạt 8.000 tỷ đồng vào năm 2023. Tổng thu nhập hoạt động sẽ tăng khoảng 13% trong năm nay lên 22.000 tỷ đồng. CIR đạt 31,5%, gần bằng mức năm 2022 (31,2%). Mặc dù kinh tế vĩ mô gặp khó khăn, Vietcombank có bộ đệm dự phòng dày cho các khoản vay khách hàng và tổ chức tín dụng, do vậy nhóm phân tích ước tính Vietcombank sẽ giảm chi phí dự phòng xuống 8.300 tỷ đồng vào năm 2023.