Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa thông qua thỏa thuận bảo lãnh cho công ty con là Công ty TNHH MTV Chế tác và Kinh doanh Trang sức PNJ (PNJP) vay vốn ngân hàng với hạn mức 300 tỷ đồng.
Ngày 20/3, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) có báo cáo liên quan tới việc HĐQT CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ, mã chứng khoán PNJ) phê duyệt thỏa thuận bảo lãnh khoản vay ngân hàng cho công ty con.
Cụ thể, tại công văn 106 CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) do bà Cao Thị Ngọc Dung làm chủ tịch công bố thông tin bất thường vào ngày 19/3 cho biết, doanh nghiệp này đã thông qua thỏa thuận bảo lãnh giữa công ty với người có liên quan của công ty về việc bảo lãnh cho Công ty TNHH MTV Chế tác và kinh doanh Trang sức PNJ (PNJP) vay vốn tại ngân hàng với hạn mức là 300 tỷ đồng.
Mục đích vay vốn là nhằm bổ sung vốn lưu động, phát hành L/C và bảo lãnh ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
PNJP là công ty con do PNJ sở hữu 100% vốn tính đến ngày 31/12/2024.
Liên quan đến nhân sự tại PNJP, bà Trần Phương Ngọc Thảo vừa được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc PNJP thay cho ông Huỳnh Đức Huy, với nhiệm kỳ 3 năm kể từ ngày 05/02/2025. Ông Huỳnh Đức Huy sẽ tiếp tục giữ vai trò Thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV) trong nhiệm kỳ đã được bổ nhiệm trước đó.
Đồng thời, bà Trần Phương Ngọc Thảo cũng thôi giữ chức Chủ tịch kiêm người đại diện theo ủy quyền của PNJ tại Công ty TNHH MTV Giám định PNJ (PNJL). Bà Đặng Thị Lài được bổ nhiệm thay thế bà Thảo, với nhiệm kỳ 05 năm kể từ ngày 05/02/2025.
Bà Trần Phương Ngọc Thảo là con gái của bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ. Hiện tại, bà Thảo đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT PNJ.
Về kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, PNJ dự kiến tổ chức đại hội vào ngày 26/04/2025 theo hình thức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị White Palace, TP. Hồ Chí Minh. Thành phần tham dự bao gồm HĐQT, Ủy ban kiểm toán, Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và các cổ đông sở hữu cổ phiếu PNJ có tên trong danh sách chốt đến ngày 11/02/2025. Nội dung đại hội dự kiến thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ thường niên và các vấn đề khác.
Gần đây, cổ phiếu PNJ của bà Dung giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng khoảng 1 năm qua, ở mức 87.000 -90.000 đồng/cp cho dù giá vàng trong nước và thế giới tăng vọt liên tục lập đỉnh cao mới. Giá vàng miếng SJC và nhẫn tròn trơn lên mức 100 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức cao hơn.
PNJ là đại gia bán vàng, trang sức lớn nhất sàn chứng khoán.
So với đỉnh lịch sử hồi tháng 8 năm ngoái, giá cổ phiếu PNJ đã giảm khoảng 19%.
Giá vàng trang sức và vàng nhẫn tăng giúp các doanh nghiệp kinh doanh vàng có lãi. Tuy nhiên, với PNJ đây không hẳn là thông tin tốt. Giá vàng đầu vào cao có thể khiến lợi nhuận giảm.
Một điều đáng lo ngại là tình trạng khan hiếm nguồn cung, người người dân hầu như chỉ mua, rất hiếm có việc bán lại vàng miếng. Vàng đầu vào cho sản xuất trang sức cũng khan hiếm. Giá vàng cao và nguồn cung thấp cũng ảnh hưởng tới mảng kinh doanh vàng miếng của PNJ.
Sức cầu tiêu dùng thấp trong thời gian qua cũng ảnh hưởng tới doanh thu của các doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Dù vậy, PNJ vẫn đang trong chu kỳ mở rộng mạng lưới bán hàng. Điều này có thể giúp PNJ tăng trưởng doanh thu. Tới cuối năm 2024, PNJ có 429 cửa hàng. Dự kiến sẽ mở thêm 25 cửa hàng trong năm nay và khoảng 100 cửa hàng trong 2 năm sau đó.
Về tình hình kinh doanh, năm 2024, PNJ ghi nhận doanh thu kỷ lục hơn 37.800 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.115 tỷ đồng, tăng 7,3%, trong đó mảng trang sức đóng góp trên 68% tổng doanh thu.
© thitruongbiz.vn