Trái phiếu doanh nghiệp là gì?

Trước hết, khái niệm trái phiếu nói chung là một sản phẩm tài chính mà một tổ chức phát hành (có thể là chính phủ hoặc doanh nghiệp) để huy động nguồn vốn vay từ nhà đầu tư. Tổ chức phát hành có nghĩa vụ thực hiện các cam kết nợ, bao gồm thanh toán lãi suất định kỳ và hoàn lại số tiền đầu tư ban đầu khi đến kỳ đáo hạn.

Từ định nghĩa trên, ta có thể liên hệ đơn giản rằng, trái phiếu doanh nghiệp là trái phiếu do doanh nghiệp phát hành, dưới dạng chứng chỉ hoặc bút toán ghi nợ. Doanh nghiệp có nghĩa vụ thanh toán cả lãi lẫn gốc cho chủ sở hữu trái phiếu khi đến kỳ hạn. Khi bạn mua trái phiếu của một công ty nào đó thì lúc này, bạn đang là chủ nợ của họ.

Trái phiếu doanh nghiệp được chia làm 2 loại như sau:

  • Trái phiếu niêm yết: Là loại trái phiếu được đăng ký và lưu ký đầy đủ tại Trung tâm lưu ký chứng khoán, đồng thời được giao dịch rộng rãi trên các sàn tập trung như HNX và HSX. Toàn bộ quá trình giao dịch đều phải dựa trên các quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán.
  • Trái phiếu OTC: Hay còn gọi là trái phiếu phi tập trung, được giao dịch trên thị trường OTC. Giao dịch không bị ràng buộc bởi các chính sách pháp lý mà dựa trên những thỏa thuận mua bán riêng giữa các nhà đầu tư.

Về điểm giống nhau, giữa trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ đều có những tính chất sau đây:

  • Đều là chứng chỉ nợ, quy định nghĩa vụ thanh toán nợ của bên phát hành;
  • Nhà đầu tư đóng vai trò là người cho vay, thu nhập dựa trên lãi suất định kỳ;
  • Có khả năng mua đi bán lại, tặng hoặc chuyển nhượng;
  • Đều có lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm;
  • Có kỳ hạn tối thiểu là 1 năm.

Điểm khác nhau của trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ:

Tiêu chí Trái phiếu chính phủ Trái phiếu doanh nghiệp
Đơn vị phát hành Nhà nước (Ngân hàng nhà nước, kho bạc, bộ tài chính…) Doanh nghiệp tư nhân
Mục đích phát hành Bù đắp thiếu hụt ngân sách tạm thời, phục vụ cho các mục đích công Phục vụ mục tiêu phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh hoặc giải quyết vấn đề tài chính
Lãi suất Thường giữ ở mức cố định Cố định hoặc thả nổi tùy vào doanh nghiệp phát hành
Kỳ hạn Thường kéo dài trong trung hạn (5-12 năm) hoặc dài hạn (12-30 năm) Thường kéo dài trong ngắn hạn (1-3 năm)
Khả năng bảo toàn vốn Rất cao, gần như tuyệt đối Tương đối
Rủi ro Rủi ro cực thấp, chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi tỷ giá hối đoái Rủi ro ở mức trung bình, chủ yếu đến từ khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp phát hành
Khả năng chuyển đổi sang cổ phiếu (trái phiếu chuyển đổi) Không
Trái phiếu doanh nghiệp là gì? Điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Điều kiện để doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra thị trường trong nước được quy định cụ thể tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Theo Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền (không bao gồm việc chào bán trái phiếu của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng), doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.

Thứ hai, thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn.

Thứ ba, đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Thứ tư, có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định.

Thứ năm, có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này.