Kết luận của Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM mới đây chỉ đạo giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND Thành phố trả lời nhà đầu tư - Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Tập đoàn Bitexco) về việc không có cơ sở xem xét việc nhà đầu tư đề nghị tiếp tục thực hiện Dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh theo quy định xử lý chuyển tiếp của Luật Đầu tư năm 2020 và triển khai Dự án Bệnh viện Sài Gòn thực sự đã cởi trói một gánh nặng lớn cho hơn 1.500 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp của Dự án. Bởi hơn 22 năm qua, kể từ khi có chủ trương, họ đã thực sự bức bối khi phải sống trong cảnh quy hoạch treo quá lâu.

Ngoài chỉ đạo nói trên, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố còn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND Thành phố thành lập tổ công tác rà soát thực hiện dự án này và Dự án Khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học. Theo đó, khẩn trương làm việc, đề xuất UBND Thành phố về phương thức thực hiện Dự án trong quý II/2023, đảm bảo khả thi, đúng quy định pháp luật và phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân.

Đặc biệt lần này, chính quyền Thành phố giao UBND Quận 1 xem xét thực hiện thu hồi thông báo thu hồi đất và các văn bản có liên quan đến thu hồi đất tại Dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh. Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, UBND Quận 1 lấy ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp để thực hiện.

Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, Quận 1,TP.HCM.
Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP HCM. Ảnh: Báo Đầu tư

Trước đó, năm 2000, UBND TP HCM ban hành chủ trương giải tỏa nhằm chỉnh trang Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh. Do trong quá khứ, khu vực này được xem là một điểm nóng về tệ nạn và là nơi ẩn thân của nhiều tay giang hồ cộm cán, nên khi có chủ trương trên, người dân rất ủng hộ. Với diện tích đất thu hồi hơn 6,8 ha, giới hạn bởi 4 tuyến đường gồm Nguyễn Trãi - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh - Cống Quỳnh, dự án này từng hứa hẹn mở ra một bước đột phá mới cho vùng đất vốn là nghĩa địa này.

Khu Mả Lạng (khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh) nằm ngay khu trung tâm quận 1 nhưng hơn 20 năm qua chủ trương giải tỏa nhằm thực hiện quy hoạch chỉnh trang đô thị khu Mả Lạng và dự án khu Mả Lạng của TP.HCM rơi vào bế tắc.

Năm 2000, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn được giao làm chủ đầu tư nhưng rồi cũng không đủ khả năng để thực hiện. Năm 2007, dự án được chuyển cho Tập đoàn Bitexco để thực hiện khu phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại. Tổng số nhà phải giải tỏa là 1.424 căn. Nhưng, đến nay, mọi kế hoạch chưa thể triển khai.

Khu Mả Lạng gồm khu phố 4,5,8 của phường Nguyễn Cư Trinh với 1.424 hộ dân nằm trong diện giải tỏa. Theo quy hoạch, diện tích thu hồi là 68.500m2. Vào năm 2009, số tiền đền bù giải phóng mặt bằng là khoảng 5.000 tỷ đồng. Đến nay, con số này đã tăng cao do biến động giá nhà, đất ở TP HCM những năm gần đây cũng tăng không ngừng nghỉ.

Được xem là một trong những chiến lược đột phá của TP HCM trong việc cải tạo, chỉnh trang đô thị, với mục tiêu xây dựng một khu phức hợp, bao gồm nhiều công trình có chức năng khác nhau, khu Mả Lạng cũng được người dân trông chờ. Dẫu vậy, kế hoạch này đến nay cũng chưa khả thi, còn người dân lại đang sống trong cảnh khổ sở, đi chẳng được mà ở cũng không xong.