Theo điểm 1 Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
Tuy nhiên việc thu hồi dự án bỏ hoang là một quá trình gian nan. Đặc biệt, có những dự án chủ đầu tư đã thế chấp đất vay vốn ngân hàng, hoặc huy động vốn, thu tiền từ khách hàng. Thậm chí, dự án thu hồi xong sẽ xử lý các bước tiếp theo như thế nào cũng là bài toán nan giải.
Do dự án treo quá lâu trở thành tòa nhà hoang, thậm chí còn bị người dân lấn chiếm, nhiều vị trí được sử dụng làm bãi rác thải, điểm trông giữ xe, gara ôtô, buôn bán sắt vụn, sân bóng đá...
Quận Hoàng Mai
Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt
Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt do Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi - thuộc Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Tổng công ty Licogi) làm chủ đầu tư. Năm 2004, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi khoảng 35ha đất tại các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai, tạm giao cho Licogi tổ chức điều tra, lập phương án giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai dự án này.
Khu đất thực hiện dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt có vị trí đắc địa bậc nhất quận Hoàng Mai khi tiếp giáp với nhiều khu đô thị đã quy hoạch đồng bộ, hiện đại. Dự án có vị trí gần công viên và các khu cư dân hiện hữu sầm uất.
Tuy nhiên, đến nay đã 18 năm trôi qua, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống hoang hóa, nhếch nhác… Không những thế, người dân khu vực cho hay dự án này còn làm đảo lộn cuộc sống, mất kế sinh nhai của họ.
Theo kế hoạch, dự án sẽ kết thúc vào năm 2011. Dự án được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến kết thúc vào cuối năm 2008 với các công việc: Giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xây thô nhà vườn, cụm chung cư phục vụ tái định cư… Giai đoạn 2 là tiến hành xây dựng nhà cao tầng, cụm nhà biệt thự.
|
Khu đô thị mới Thịnh Liệt đã hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 nhưng đến nay vẫn đang quây tôn. Ảnh: Dân Việt |
Tại cuộc họp về điều chỉnh dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, lãnh đạo UBND TP Hà Nội từng nêu rõ, tiến độ giải phóng mặt bằng quá chậm nguyên nhân chính là nhà đầu tư - Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi chưa chủ động trong triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, TP Hà Nội sau đó vẫn để nhà đầu tư này tiếp tục thực hiện dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, trong điều kiện chủ đầu tư phải quyết liệt giải phóng mặt bằng và sớm đầu tư xây dựng dự án.
Dù bỏ hoang nhiều năm, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt vẫn không bị thu hồi và Licogi tiếp tục là chủ đầu tư. Từ tháng 8/2020, cơ quan chức năng quận Hoàng Mai đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của dự án với tổng diện tích khoảng gần 30ha.
Việc giải phóng mặt bằng đối với khu vực nghĩa trang nằm trong tổng thể quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay vẫn còn hàng chục hộ dân thuộc khu vực quy hoạch dự án chưa đồng thuận về việc thu hồi đất. Cuộc sống những hộ dân này phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ, không được sửa chữa, xây dựng nhà cửa mới.
Khu tái định cư Trần Phú
Dự án xây dựng nhà tái định cư tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2010 nhằm phục vụ giải phóng mặt bằng công viên Tuổi trẻ Thủ đô.
Theo phê duyệt chủ trương đầu tư thời điểm năm 2010, dự án có tổng kinh phí 761 tỷ đồng với quy mô dự kiến 4 cụm nhà chung cư cao tầng (từ 9 đến 15 tầng) có chức năng là nhà ở với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh.
|
Gà vịt được nuôi trong khuôn viên khu tái định cư Trần Phú. Ảnh: Tiền Phong |
Hiện, dự án này có 2 tòa nhà chung cư cao 9 và 15 tầng được xây dựng từ năm 2018 đã cơ bản hoàn thiện, nhưng bị bỏ hoang. Sau nhiều năm không có người ở, khu nhà tái định cư này đang dần xuống cấp.
Xung quanh dự án cỏ dại mọc um tùm. Tại dự án này, lối vào tầng 1, tầng hầm đóng kín. Trong sảnh tầng 1 cũng không có người trông coi. Các khu vực trồng cây hoa, lối lến xuống của dự án thành nơi trồng rau của người dân. Sau nhiều năm bỏ hoang, dự án này khá nhếch nhác.
Dự án chung cư tái định cư CT3, CT2
Nằm ngay vị trí "đất vàng", sát mặt đường lớn Tân Mai, đối diện hồ Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội), có vị trí không gian thoáng đãng, thuận tiện giao thông, song kỳ lạ thay 3 tòa chung cư đã xây dựng hoàn thiện nhưng đến nay vẫn bị bỏ hoang, không có người ở.
Được biết, 3 tòa chung cư này là dự án nhà ở tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng khu di dân Đền Lừ III, quận Hoàng Mai.
Liên quan đến công trình này, từ tháng 1/2021, Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng TP Hà Nội) đã kiểm tra tòa nhà chung cư tái định cư CT3, CT2, yêu cầu nhà thầu và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai khắc phục một số hạng mục tại công trình như xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy, sửa chữa công trình do để lâu bị xuống cấp...
|
Dự án chung cư tái định cư CT3, CT2 bị bỏ hoang nhiều năm dù đã xây dựng xong phần thô. Ảnh: Báo Đấu thầu |
Tuy nhiên, đến nay, một số hạng mục vẫn chưa được sửa chữa, khiến người dân không khỏi xót xa bởi tòa chung cư nằm tại vị trí đắc địa trên mặt đường lớn Tân Mai, quận Hoàng Mai - đối diện là hồ Đền Lừ thoáng đãng, sạch, đẹp lại bị bỏ không.
2 tòa chung cư trên đường Khuyến Lương (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) cũng đã được hoàn thành xây phần thô nhiều năm nay nhưng hiện tại vẫn trong tình trạng "đắp chiếu".
Bên trong khu vực tầng 1 mới được xây thô, nhiều vị trí vương vãi rác thải xây dựng. Một người dân sinh sống gần tòa nhà cho biết, đã nhiều năm tòa nhà tái định cư này bỏ hoang, không có người dọn đến ở.
Đáng chú ý, vị trí của hai tòa nhà chung cư tái định cư này khá đẹp, gần đường vành đai 3, đối diện với nhiều dự án chung cư cao cấp như Gamuda…, nhiều người dân cho rằng không kịp thời đưa vào sử dụng là một sự lãng phí rất lớn.
Quận Đống Đa
Dự án xây dựng trường học tại số 6 Đào Duy Anh
Vào năm 2016, TP Hà Nội đã có công văn đồng ý đưa khu đất số 6 Đào Duy Anh do Công ty TNHH Việt Anh đang sử dụng để sử dụng vào mục đích mở rộng trường tiểu học Phương Liên và cấp đổi một khu đất khác cho Việt Anh, giao Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với doanh nghiệp để tìm địa điểm mới trên địa bàn thành phố.
Tháng 9/2019, thành phố đã có quyết định thu hồi 1.901 m2 đất tại 6 Đào Duy Anh, phường Phương Liên giao cho UBND quận Đống Đa quản lý và chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng trường công lập theo quy định.
Ngày 5/11/2019, UBND thành phố đã đồng ý chủ trương theo đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc cho phép Công ty Việt Anh nghiên cứu quy hoạch, đề xuất dự án đầu tư tại ô đất G.4/CCKO thuộc quy hoạch phân khu đô thị N10.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có văn bản báo cáo đề xuất UBND thành phố cho phép Công ty Việt Anh thực hiện theo hình thức thoả thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua tài sản gắn liền với đất tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên thuộc quy hoạch phân khu N10 để thực hiện dự án Tổ hợp công trình khách sạn - văn phòng - trung tâm thương mại. Hiện, UBND thành phố đang chỉ đạo xem xét, xử lý theo quy định.
|
Một góc phường Phương Liên, Đống Đa. Ảnh: Vietnammoi.vn |
Liên quan đến dự án này, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết: Về việc thu hồi đất tại số 6 Đào Duy Anh, năm 2019 UBND TP đã có quyết định thu hồi 1.901m2 đất của công ty Việt Anh giao cho quận thực hiện đầu tư dự án xây dựng trường học. Đồng thời, UBND TP cũng có văn bản giới thiệu lô đất khác cho Công ty Việt Anh ở quận Long Biên. Sở TN&MT đã tổ chức bàn giao mốc giới nhưng trong thời điểm bàn giao thì Công ty Việt Anh không ký biên bản. Do đó, UBND quận Đống Đa không nhận bàn giao được.
Trong thời gian qua, do nhu cầu về trường học, cũng như ý kiến cử tri về việc công trình tại số 6 ảnh hưởng trục tâm linh của di tích đền Kim Liên, quận nhiều lần đốc thúc nhưng Công ty Việt Anh vẫn không bàn giao. UBND quận Đống Đa cũng đã có báo cáo UBND TP, đến tháng 11/2022, TP có văn bản chỉ đạo giới thiệu Công ty Việt Anh thực hiện đầu tư tại quận Long Biên.
Tháng 12/2022, Sở TN&MT đã chủ trì họp cùng UBND quận Đống Đa, Công ty Việt Anh, UBND quận Long Biên và đã có biên bản thống nhất Công ty Việt Anh bàn giao đất cho Đống Đa.
Trong tháng 12/2022, ngay khi nhận bàn giao mặt bằng, quận Đống Đa sẽ triển khai ngay 2 điểm trường chuẩn quốc gia.
Cao ốc 131 Thái Hà hơn thập kỷ vẫn chưa xong
Tọa lạc tại vị trí đắc địa, công trình Khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở kinh doanh số 131 Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) do Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng làm chủ đầu tư được xây dựng hơn chục năm nay nhưng đến nay vẫn không được hoàn thiện để đưa vào sử dụng.
Dự án số 131 Thái Hà được cấp phép xây dựng vào năm 2005 và dự kiến thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010.
|
Dự án Khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở kinh doanh tại số 131 Thái Hà đang trong tình trạng “đắp chiếu”. Ảnh: Báo Xây dựng |
Vào năm 2014, Sở TN&MT Hà Nội từng công bố dự án 131 Thái Hà nằm trong danh sách dự án có chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ pháp lý dự án và hồ sơ đề nghị cấp “sổ đỏ” cho người mua nhà. Đây cũng là một trong số các dự án Sở Xây dựng Hà Nội từng kiến nghị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư hoặc thay đổi chủ đầu tư vào năm 2015.
Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn “giậm chân tại chỗ” ở phần xây thô và mới đây, UBND TP Hà Nội có báo cáo kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND thành phố về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, dự án Khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở tại 131 Thái Hà của Cty TNHH tổng hợp Huy Hùng nằm trong danh sách 20 dự án chậm hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trong đó, dự án 131 Thái Hà của Cty TNHH tổng hợp Huy Hùng nợ 45,2 tỷ đồng.
Dự án xây dựng và cải tạo chung cư cũ 51 Huỳnh Thúc Kháng
Nhà chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội bị ảnh hưởng rất nặng từ vụ đổ ngôi nhà số 49 bên cạnh từ đầu năm 2011. Trong quá trình đổ, ngôi nhà số 49 cao 5 tầng đã va chạm vào khu tập thể số 51 Huỳnh Thúc Kháng, làm sạt lở mấy căn hộ ở tầng 3 và tầng 4. Vụ sập nhà đã kéo theo ban công, phòng cơi nới cùng với cột chống tại đơn nguyên 1 của tòa nhà 51 này cũng bị sập theo. Hai trong ba cột dầm chịu lực của tòa nhà 51 đã bị nứt, lún nghiêm trọng, hệ thống lan can ở các tầng cũng đã hỏng nặng. Rất may, không có thiệt hại về người.
Hiện trạng sau ảnh hưởng của vụ sập, tòa chung cư này được đánh giá là vô cùng nguy hiểm, UBND TP Hà Nội đã di dời các hộ dân ở đơn nguyên 1 nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng về khu tái định cư Đại Kim trong thời gian chờ căn nhà xây sửa lại.
Nhà chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng cao 5 tầng, gồm 2 đơn nguyên nằm trong khu đất có diện tích 1.183m2, diện tích xây dựng khoảng 600m2. Toàn bộ diện tích tầng 1 và tầng 2 đơn nguyên 1 là diện tích làm việc và kinh doanh của Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (trực thuộc Bộ TN&MT). Phần diện tích sử dụng còn lại là 1.490m2 gồm 42 căn hộ của các gia đình sử dụng để ở. Sau khi khảo sát, công ty Coninco (được thuê để đánh giá chất lượng công trình) cho biết, mức độ nguy hiểm của đơn nguyên 1 cấp D và mức độ nguy hiểm đơn nguyên 2 là cấp B.
|
Đơn nguyên 1 và đơn nguyên 2 nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng đã bị lún tách ra. Ảnh: Reatimes |
Được biết, cuối năm 2011, Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 đã đề xuất lên Thành phố được xây mới tòa chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng thành tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ, văn phòng kết hợp căn hộ ở để bố trí tái định cư tại chỗ. Theo đó, quy mô công trình đề xuất cao 17 tầng + 1 tầng hầm. (Cao hơn gấp đôi theo quy định).
Với đề xuất của Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5, Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết: Tại thời điểm đó, việc đề xuất lập Dự án đầu tư xây dựng công trình cao tầng là chưa đủ cơ sở xem xét, chấp thuận. Sở Quy hoạch Kiến Trúc cho rằng, trong bối cảnh quản lý quy hoạch kiến trúc hiện nay, công ty có thể cân nhắc phương án xây dựng lại nhà tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng với quy mô công trình cao tối đa 8 tầng, với chiều cao tính từ vỉa hè đến đỉnh mái là dưới 28m.
Sau khi Sở Quy hoạch Kiến trúc có ý kiến trên, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 cho biết: Nếu như vậy, sau khi xây dựng 8 tầng thì đã sử dụng tái định cư hết 7 tầng nên không đủ chi phí bù đắp cho Dự án.
https://sohuutritue.net.vn/tp-ha-noi-loat-du-an-dap-chieu-bo-hoang-tai-quan-hoang-mai-va-quan-dong-da-d158963.html