Trải qua một năm đầy biến động, tuy hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành chịu nhiều ảnh hưởng, nhưng chính bối cảnh khó khăn đó càng làm nổi bật những doanh nghiệp trụ cột với sức chống chịu tốt, được Vietnam Report vinh danh trong Top 10 Công ty Vật liệu xây dựng (VLXD) năm 2023.

Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan nhằm ghi nhận và tôn vinh những doanh nghiệp trụ cột của ngành vật liệu xây dựng đã và đang nỗ lực hết mình đạt nhiều thành tựu trong việc cung cấp sản phẩm cho khách hàng, tạo dựng được hình ảnh ấn tượng trong mắt công chúng và nhà đầu tư, thể hiện bản lĩnh vững vàng với năng lực tài chính ổn định, sức chống chịu tốt khi phải đối mặt với khó khăn chồng khó khăn từ sự suy giảm nguồn cung giai đoạn trước Covid-19, những hệ lụy của đại dịch cho tới cuộc xung đột Nga - Ukraine, biến động giá nguyên vật liệu, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh…

Các doanh nghiệp được lọc ra từ cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp Việt Nam trong các nghiên cứu xếp hạng của Vietnam Report thuộc ngành vật liệu xây dựng với dữ liệu tài chính cập nhật đến ngày 31/12/2022 kết hợp sử dụng phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí trên truyền thông), khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan nhằm đưa ra đánh giá tổng hợp, khách quan và đầy đủ nhất về doanh nghiệp xuyên suốt giai đoạn khó khăn vừa qua, làm nổi bật lên những tên tuổi sau.

Top 10 Công ty Xây dựng năm 2023
Top 10 Công ty Xây dựng năm 2023
Top 10 Công ty Xây dựng năm 2023
Top 10 Công ty Xây dựng năm 2023

Điểm nhấn nổi bật trong năm qua là làn sóng tăng giá VLXD, trong đó có những mặt hàng ghi nhận mức tăng vượt đỉnh. Điển hình như thép xây dựng, có thời điểm, giá thép lên đến gần 21 triệu đồng/tấn, vượt xa đỉnh cũ của năm 2021. Năm 2022, giá mặt hàng này trải qua gần 30 lần điều chỉnh, trong đó có 7 lần tăng giá liên tiếp vào đầu năm, sau đó giảm liên tiếp 15 lần từ tháng 4 đến tháng 8 xuống xung quanh 14 triệu đồng/tấn.

Tính chung năm 2022, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng tăng 6,96%. Tuy nhiên, giá các mặt hàng VLXD leo thang không phải do cầu thị trường tăng mà do tác động của giá nguyên liệu đầu vào từ quốc tế như xăng, dầu, than, giá cước vận tải,.. tăng cao và khan hiếm dẫn đến chi phí khai thác và sản xuất đều tăng, đặt gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp.

Xét riêng ngành thép, nếu như trong suốt năm 2020 – thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, giá nguyên liệu sản xuất và giá bán thép xây dựng tương đối ổn định thì kể từ năm 2021, giá bắt đầu điều chỉnh lên cao và đến cuối quý I/2022, giá nguyên liệu sản xuất thép ghi nhận mức giá giao dịch cao nhất trong những năm gần đây.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra rằng tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại về Tác động của suy thoái kinh tế và Tiến trình cấp phép, phê duyệt dự án chậm hơn trước đây tiếp tục gia tăng trong 12-18 tháng tới. Trong khi đó, những khó khăn liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, lạm phát và tâm lý thận trọng trong hoạt động đầu tư do tác động của đại dịch sẽ giảm dần mức độ ảnh hưởng.

Tín hiệu tích cực trong năm nay đến từ mảng xây dựng hạ tầng và xây dựng công nghiệp. Đối với nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng (đặc biệt các dự án cao tốc) dù còn tác động của chi phí đầu vào cao do các loại vật liệu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí như đất đắp, cát san nền,... vẫn duy trì xu hướng tăng giá, song được kỳ vọng có sức bật từ đầu tư công.

Giai đoạn 2023-2024 dự báo sẽ là cao điểm giải ngân đầu tư công, mang đến nguồn việc lớn cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Vào tháng 10/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố khoản đầu tư bổ sung 71,7 nghìn tỷ đồng (2,9 tỷ USD) vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để tài trợ cho việc xây dựng đường bộ. Theo Tổng cục Thống kê, trong quý 1/2023 vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước ước đạt 153 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư công được dự báo sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới có thể tạo ra động lực phục hồi cho nhiều doanh nghiệp.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), các doanh nghiệp ngành xây dựng trong năm 2022 ghi nhận khối lượng công việc giảm sút, chỉ trừ xây dựng công nghiệp - chiếm 10% - vẫn duy trì ổn định. Trong bức tranh năm 2023, xây dựng công nghiệp vẫn sẽ là mảng sáng hỗ trợ tăng trưởng toàn ngành, với 66,7% số doanh nghiệp đặt niềm tin vào một triển vọng sáng sủa hơn.

Xây dựng vốn là một trong những ngành thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhất trong những năm qua, do đó, hai phần ba số doanh nghiệp xây dựng tiếp tục kỳ vọng FDI sẽ là động lực hỗ trợ cho sự phát triển chung toàn ngành trong thời gian tới. Vào giữa tháng 2 năm 2023, Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo rằng Việt Nam có khả năng thu hút 831,1 đến 877,3 nghìn tỷ đồng (36 đến 38 tỷ USD) vốn FDI vào năm 2023 – tăng từ 287,7 nghìn tỷ đồng (27,7 tỷ USD) vào năm 2022, củng cố thêm niềm tin tăng trưởng cho các doanh nghiệp xây dựng giữa các khó khăn bủa vây.