Sáng 7/12, tại họp báo chăm lo Tết cho người lao động, ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, phân tích trong các giai đoạn khó khăn, làn sóng rút BHXH một lần đã xảy ra dù cơ quan quản lý không muốn, công đoàn tích cực tuyên truyền công nhân gắn bó sản xuất. Với tình trạng thiếu đơn hàng, sản xuất tiếp tục khó khăn từ nay đến giữa năm sau, làn sóng này có thể gia tăng. Hiện ngoài 42.000 công nhân mất việc, còn có hơn 500.000 người thiếu việc làm tại 1.500 doanh nghiệp trên cả nước.

Theo quy định, người lao động sau một năm nghỉ việc mà không tìm được việc làm mới, không tiếp tục đóng BHXH thì đủ điều kiện rút một lần, song về già không có lương hưu. Những ngày này, hàng trăm người dân xếp hàng suốt đêm trước trụ sở Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn (TP HCM) chờ làm thủ tục rút BHXH một lần. Người rút hầu hết là lao động mất việc sau đợt dịch Covid - 19 cuối năm 2021

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: Tình trạng rút BHXH có thể gia tăng
Tổng LĐLĐ sẽ trích kinh phí hỗ trợ công nhân bị cắt giảm việc làm, có hoàn cảnh khó khăn mỗi suất 500.000 đồng, dự kiến khoảng một triệu lao động thụ hưởng.

Ông Phan Văn Anh cho rằng trong bối cảnh hiện nay rất cần chính sách hỗ trợ kịp thời lẫn những thay đổi căn cơ, lâu dài trong chính sách. Công đoàn mong muốn Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh Xã hội sớm báo cáo lên cấp có thẩm quyền, xem xét trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, giãn đóng BHXH để hỗ trợ doanh nghiệp cho đến khi sản xuất ổn định trở lại. Các chính sách này đều đã được luật định, thẩm quyền quyết định là Quốc hội.

Riêng kinh phí công đoàn (trích 2% quỹ lương đóng BHXH) mà doanh nghiệp đóng hàng tháng, ông Văn Anh cho biết tới đây khi sửa Luật Công đoàn sẽ tính toán sửa đổi theo hướng trực tiếp báo cáo Thường vụ Quốc hội trong trường hợp bất khả kháng để sớm xử lý. Về đoàn phí công đoàn (người lao động đóng 1% tiền lương đóng BHXH) thuộc thẩm quyền Tổng liên đoàn, cơ quan này sẽ nghiên cứu cho lùi đóng với những lao động bị cắt giảm việc trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng đơn hàng.

Về đề xuất gia hạn một số chính sách hỗ trợ của gói 26.000 tỷ đồng (Nghị quyết 68), theo lãnh đạo Tổng liên đoàn là "hoàn toàn hợp lý" bởi ban hành gói mới vào cuối năm sẽ mất thời gian, trong khi ngày càng nhiều doanh nghiệp lẫn lao động bị ảnh hưởng.

Trước mắt, Tổng liên đoàn trích kinh phí hỗ trợ công nhân bị cắt giảm việc làm, có hoàn cảnh khó khăn mỗi suất 500.000 đồng, dự kiến khoảng một triệu lao động thụ hưởng. 22 tỉnh thành sẽ tổ chức các phiên chợ Tết để công nhân mua sắm đồ dùng thiết yếu, giá mặt hàng thấp hơn thị trường từ 15% đến 50%.

Tết Quý Mão, Công đoàn, Trung ương Đoàn huy động doanh nghiệp hỗ trợ hơn 8.000 phần quà Tết cho người lao động khó khăn tại 11 tỉnh thành. Mỗi suất 700.000 đồng, gồm 300.000 đồng tiền mặt cùng nhu yếu phẩm. Công đoàn cơ sở sẽ lập danh sách từng hoàn cảnh và lấy ý kiến lao động, không để phát sinh thủ tục rườm rà.

Công đoàn dự báo từ nay đến hết quý II/2023, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 15.000 lao động, 271.700 người bị giảm giờ làm. Ngoài ra sẽ có tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH và các chế độ khác hoặc lợi dụng tình hình để thanh lọc lao động trên 35 tuổi nhằm tuyển dụng người trẻ, chi phí thấp hơn.

Sản xuất khó khăn cũng khiến ngừng việc tập thể gia tăng. Tới cuối tháng 11, cả nước xảy ra 144 cuộc ngừng việc tại các khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế, tăng 53 cuộc so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu vẫn liên quan đến lương, phúc lợi bị cắt giảm hoặc chưa được điều chỉnh trong khi lao động giảm sút thu nhập, tích lũy sau hai năm đại dịch.