Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), doanh nghiệp này đã kết thúc một quý kinh doanh khó khăn nhất trong lịch sử hoạt động với khoản lỗ ròng hơn 800 tỷ đồng.

Cụ thể, trong 3 tháng gần nhất, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam ghi nhận chỉ 370 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm đến 74% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý là dù doanh thu giảm gần 4 lần kể trên, giá vốn hàng bán của ACV lại chỉ giảm 2%, điều này dẫn tới công ty phải đối mặt khoản lỗ gộp 1.004 tỷ đồng trong quý (trong khi cùng kỳ vẫn lãi gộp 41 tỷ).

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam đón nhận quý thua lỗ lớn nhất trong lịch sử

Dù tiền lãi thu được từ hơn 33.000 tỷ đồng gửi ngân hàng mang về 464 tỷ đồng cũng không thể vãn hồi kết quả kinh doanh đầy ảm đạm của ACV như những quý trước đó.

Sau khi trừ các chi phí phát sinh trong kỳ, ACV đã lỗ trước thuế 883 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi dương 156 tỷ.

Lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp ACV ghi nhận trong quý III là âm 856 tỷ, tương đương mức giảm 718% do cùng kỳ. Đây là quý thứ 2 liên tiếp ACV ghi nhận đà giảm của chỉ tiêu lãi ròng và là quý thua lỗ đầu tiên trong năm 2021.

Ngoài ra, đây là quý thua lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp hạ tầng hàng không này.

Trong 9 tháng đầu 2021, ACV ghi nhận 3.798 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Dù đối mặt khoản lỗ kỷ lục trong quý III, nhưng nhờ 2 quý liền trước có lợi nhuận dương, ACV vẫn thu về 497 tỷ đồng lãi ròng sau 9 tháng, giảm 64%.

Đến cuối tháng 9, tổng tài sản cân đối với nguồn vốn của ACV là gần 55.400 tỷ, giảm nhẹ 3% so với đầu năm. Trong đó, số giảm chủ yếu do công ty giảm lượng tiền vay tại các ngân hàng.

Hiện ACV vẫn duy trì lượng tiền gửi tại các ngân hàng với giá trị gần 33.000 tỷ. Trong nhiều năm trở lại đây, khoản tiền gửi lên tới gần 1,5 tỷ USD quy đổi theo tỷ giá này đã mang về cho công ty hàng nghìn tỷ tiền lãi mỗi năm.

ACV cho biết, khoản nợ xấu của doanh nghiệp này đã tăng từ 125 tỷ đồng (đầu 2021) lên 700 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 9/2021). Đây là các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng công ty đánh giá là khó có khả năng thu hồi.

Trong đó, số nợ xấu phát sinh với hãng hàng không Vietjet là lớn nhất với giá trị 286 tỷ đồng; tiếp đến là Pacific Airlines với 250 tỷ; Bamboo Airways là 115 tỷ; Air Mekong là 26 tỷ...

Với số nợ xấu gần 700 tỷ kể trên, ACV cũng đang phải trích 255 tỷ đồng dự phòng rủi ro.