Hà Nội mạnh tay xử lý vi phạm quản lý chung cư thương mại

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, việc quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại đã được các cấp, các ngành thành phố triển khai thực hiện theo quy định pháp luật. Việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại đã từng bước đi vào nề nếp, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn, cải thiện điêu kiện ở và xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội đánh giá, quản lý, còn một số bất cập trong vận hành nhà chung cư thương mại, chưa giải quyết triệt để, vẫn còn các tranh chấp khiếu kiện về quỹ bảo trì; quản lý diện tích thuộc sở hữu chung; bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng; chỗ để xe ...

Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan nhà nước có lúc, có nơi còn chưa được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc; ứng xử của một số chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư, cộng đồng dân cư và một số cá nhân còn thiếu chuẩn mực, chưa tuân thủ theo các quy định của pháp luật; việc giải quyết đơn thư, kiến nghị chưa được kịp thời dẫn đến một vài khiếu kiện kéo dài gây bức xúc dư luận…

Để xảy ra các tồn tại trên có nguyên nhân do hệ thống các quy định pháp luật của nhà nước trong việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại còn một số bất cập, chưa đồng bộ; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng nhà chung cư của một số tổ chức cá nhân chưa nghiêm.

Một số chủ đầu tư thiếu ý thức thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị. Việc bàn giao hồ sơ nhà chung cư, bàn giao kinh phí bảo trì, bàn giao diện tích sở hữu chung, diện tích sở hữu riêng... cho các ban quản trị còn chậm và chưa đầy đủ; chạy theo lợi ích của chủ đầu tư mà chưa tôn trọng quyền lợi chính đáng của cư dân; năng lực tài chính, trình độ và kinh nghiệm quản lý còn kém.

Một số ban quản trị còn vi phạm trong sử dụng kinh phí bảo trì, quản lý, vận hành nhà chung cư; chưa hiểu đầy đủ các quy định của pháp luật về nhà ở trong từng thời kỳ cụ thể nên dẫn đến bất đồng, tranh chấp với chủ đầu tư và cư dân trong một số chung cư. Thậm chí có trường hợp ban quản trị đã kích động cư dân khiếu kiện, tập trung đông người, gây mất an ninh trật tự...

Trước tình hình trên, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp và chủ đầu tư kịp thời đề ra và triển khai các giải pháp quản lý cần thiết, đúng quy định của pháp luật, đế chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại trên địa bàn thành phố, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các cấp và chủ đầu tư giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các tranh chấp, bất đồng không để trở thành các vụ việc khiếu kiện phức tạp, gây mất trật tự công cộng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, cải thiện điều kiện ở cho người dân và xây dựng nếp sống văn minh trong các khu chung cư trên địa bàn thành phố.

Cơ quan quản lý chú trọng nghiên cứu thực tiễn, đề ra hoặc kiến nghị để ban hành biện pháp quản lý đảm bảo khả thi, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại.

Hà Nội mạnh tay xử lý vi phạm quản lý chung cư thương mại. Ảnh minh họa
Hà Nội mạnh tay xử lý vi phạm quản lý chung cư thương mại. Ảnh minh họa

UBND thành phố Hà Nội đề ra các biện pháp khắc phục tồn tại hạn chế như: Đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, từ khâu phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật trong việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.

Hà Nội kiên quyết không cho phép các nhà đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng, hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia đầu tư các dự án phát triển nhà ở mới.

Hà Nội cũng yêu cầu xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở trong quản lý nhà nước về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, chủ động nắm bắt và kịp thời giải quyết các bất đồng, tranh chấp, khiếu kiện của cư dân, ban quản trị, chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan phát sinh trong quá trình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; chú trọng giải quyết tốt những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về trật tự an toàn xã hội liên quan đến quản lý chung cư.

Thành phố tăng cường kiểm tra và thanh tra của các cấp, các ngành đối với công tác quản lý nhà nước nói riêng và hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư nói chung, việc phòng cháy, chữa cháy để kịp thời phát hiện, công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và kiên quyết xử lý nghiêm minh, dứt điểm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật, kể cả xử lý hình sự đối với các hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, quyền và lợi ích chính đáng của cư dân.

UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ động báo cáo xin ý kiến Bộ Xây dựng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về quản lý, sử dụng, vận hành chung cư; nghiên cứu thực tiễn quản lý nhà nước đối với hoạt động quản lý, sử dụng nhà chung cư trên để kịp thời tham mưu cho UBND Thành phố góp ý với Bộ Xây dựng, Chính phủ đề xuất chỉnh sửa, bổ sung các quy định của pháp luật về nhà ở cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thành phố cũng giao Công an Thành phố xây dựng, triển khai Đề án về “Phòng ngừa giải quyết nguy cơ hình thành điểm nóng về an ninh, trật tự tại các khu chung cư, đô thị mới trên địa bàn”; chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an quận, huyện, thị xã có các chung cư tiềm ẩn phát sinh khiếu kiện; kịp thời tham mưu, đề xuất các biện pháp ổn định tình hình, không để nảy sinh các điểm nóng về an ninh trật tự tại các nhà chung cư.

Đồng thời, căn cứ Đề án các đơn vị xây dựng chuyên đề cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ được phân công để đảm bảo an ninh trật tự tại khu chung cư; chỉ đạo công an quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan công an và ban quản trị, ban quản lý chung cư trong đảm bảo an ninh trật tự.

Thành phố giao các quận huyện tăng cường quản lý nhà nước và thanh tra, kiêm tra xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại, khắc phục tồn tại hạn chế và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách các chủ đầu tư không chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Theo UBND thành phố Hà Nội, hiện nay trên địa bàn có 1.135 cụm (tòa) nhà chung cư thương mại (trong đó có 132 tòa nhà chung cư xây dựng trước Luật Nhà ở năm 2005) đã đưa vào sử dụng, với tổng số khoảng 348.984 căn hộ, tổng diện tích sàn khoảng 30.360132 m2.

Đến nay, thành phố đã thành lập 804 ban quản trị nhà chung cư; có 723/804 nhà chung cư bàn giao hồ sơ cho ban quản trị; đã có 567/804 nhà chung cư có kinh phí bảo trì 2% bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho ban quản trị (không tính 132 tòa nhà chung cư xây dựng trước Luật Nhà ở năm 2005 không có kinh phí bảo trì); bàn giao cho ban quản trị diện tích sở hữu chung của 709/804 nhà chung cư và phòng sinh hoạt cộng đồng của 700/804 nhà chung cư.

Khánh Hòa ban hành Nghị quyết quy định trình tự rút gọn việc thu hồi đất ở Vân Phong, Cam Lâm

HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục chuẩn bị thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm theo trình tự, thủ tục rút gọn chỉ với 4 bước nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 55 của Quốc hội về chính sách đặc thù cho Khánh Hòa.

Theo đó, mục đích việc ban hành Nghị quyết này nhằm góp phần rút ngắn thời gian, đơn giản hóa quy trình thực hiện các thủ tục hành chính, tạo động lực thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, cho tỉnh; đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu, định hướng của Bộ Chính trị theo Nghị quyết 09.

Về phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết lần này quy định trình tự, thủ tục thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm đối với dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị, khu dân cư nông thôn mới…, sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất về đất đai và có quy mô từ 300 ha trở lên.

Về trình tự, thủ tục thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm, Nghị quyết này quy định theo 4 bước, cụ thể:

Thứ nhất, căn cứ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp danh mục các dự án thuộc phạm vi điều chỉnh nói trên, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành danh mục các dự án được tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất.

Thứ hai, sau khi HĐND tỉnh ban hành danh mục dự án quy định từ bước thứ nhất, UBND cấp huyện ban hành thông báo tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất; gửi đến từng người sử dụng đất và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư.

Thứ ba, trên cơ sở bước thứ 2, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng (BTGPMB) theo quy định của pháp luật về đất đai triển khai việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất và nhu cầu đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp đối với người lao động bị thu hồi đất (nếu có) trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất.

UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ BTGPMB triển khai thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất.

Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trường hợp người sử dụng đất không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục, để người sử dụng đất thực hiện.

Khánh Hòa thông qua việc thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong. Ảnh minh họa
Khánh Hòa thông qua việc thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong. Ảnh minh họa

Trong bước thứ 3 có quy định, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sự dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ BTGPMB thì Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Người có đất thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc. Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 70 của Luật Đất đai. Nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản này được sử dụng từ ngân sách địa phương do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

Thứ 4, sau khi lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành, UBND cấp huyện ban hành thông báo thu hồi đất và sử dụng kết quả điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo quy định tại bước 3 để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và quyết định thu hồi đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Kon Tum ra 'tối hậu thư' cho Thủy điện Đắk Psi 2 vì chậm đền bù

Ngày 17/11, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã có kết luận về công tác bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng Thủy điện Đắk Psi 2.

Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum đề nghị Công ty cổ phần Thủy điện Ry Ninh II - Đắk Psi - chủ đầu tư Thủy điện Đắk Psi 2 phối hợp với UBND huyện Tu Mơ Rông, UBND xã Tê Xăng thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng Thủy điện Đắk Psi 2 tại thôn Tu Thó, Tân Ba, Đắk Sông (xã Tê Xăng) trước ngày 20/11.

Kon Tum ra 'tối hậu thư' cho Thủy điện Đắk Psi 2 vì chậm đền bù
Kon Tum ra 'tối hậu thư' cho Thủy điện Đắk Psi 2 vì chậm đền bù.

Ngoài ra, Sở Công thương tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu chủ đầu tư phải hỗ trợ một lần cho các hộ dân bị ảnh hưởng do việc thay đổi tuyến kênh dẫn từ kênh nổi sang đi ngầm, và hoàn trả lại đất cho hộ bị ảnh hưởng để tiếp tục sản xuất.

Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương Kon Tum nêu rõ, trường hợp không hoàn thành công tác bồi thường, Sở sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xem xét thu hồi chủ trương đầu tư; tham mưu, đề xuất Bộ Công thương xem xét loại khỏi quy hoạch phát triển điện lực theo quy định.

Được biết, Dự án thủy điện Đăk Psi 2 có công suất 3,4 MW, do Công ty cổ phần thủy điện Ry Ninh II – Đăk Psi làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư dự án là 131 tỷ đồng. Thủy điện xây dựng tại xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, khởi công tháng 6/2019, dự kiến hoàn thành quý III năm 2023. Để cho thủy điện triển khai thi công, hàng chục hộ dân vùng ảnh hưởng đã phải nhường đất.

Từ năm 2020 đến nay, thủy điện Đăk Psi 2 vẫn nợ 36 hộ dân xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông tổng số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ do bị ảnh hưởng.

Dự án nhà phố liền kề Bảo Lộc Gems Paradise III tại Lâm Đồng mở bán với mức giá từ 650 triệu đồng/sản phẩm

Bảo Lộc Gems Paradise III có vị trí tọa lạc tại xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Dự án nằm tại trung tâm tiếp giáp nhiều tuyến đường huyết mạch cùng cơ sở hạ tầng giao thông như: 5 phút di chuyển đến DT725, 10 phút di chuyển tới cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, 20 phút di chuyển tới Quốc lộ 20 và Quốc lộ 55.

Bảo Lộc Gems Paradise III có tổng diện tích 4 ha, mật độ xây dựng 60%, mật độ tiện ích 20% và 20% còn lại dành cho mảng xanh.

Dự án được phân làm 6 phân khu bao gồm:

1.Phân khu Abigail (Nguồn vui).

2.Phân khu Dora (Một món quà).

3.Phân khu Eunice (Chiến thắng vang dội).

4.Phân khu Bettina (Ánh sáng huy hoàng).

5.Phân khu Caroline (Bài hát với âm thanh vui nhộn).

6.Phân khu Florence (Nở rộ thịnh vượng).

Phối cảnh tại dự án Bảo Lộc Gems Paradise III.
Phối cảnh tại dự án Bảo Lộc Gems Paradise III.

Dự án Bảo Lộc Gems Paradise III cung cấp ra thị trường các sản phẩm nền nhà phố liền kề vườn với số lượng 209 sản phẩm, diện tích đa dạng từ 100 – 150 m2.

Dự án sở hữu những tiện ích nội khu như: công viên, khu đi bộ, khu cắm trại, cafe check in, cầu đá, đài phun nước. Từ dự án cư dân có thể thuận tiện di chuyển đến các khu vực lân cận chỉ ít phút như: 5 phút đến nhà thờ La Vang, chợ; 15 phút đến tu viện Bát Nhã, THPT Trần Quốc Toản, thác Dambri, trạm y tế Lộc Thắng; 20 phút đến THCS Lộc Quảng, đồi chè Tâm Châu, chợ Bảo Lâm; 25 phút đến UBND thành phố Bảo Lộc, trung tâm thành phố Bảo Lộc, bưu điện thành phố Bảo Lộc, ĐH Tôn Đức Thắng…

Đơn vị phát triển của dự án Bảo Lộc Gems Paradise III Lâm Đồng là Công ty Cổ phần Đầu tư Ngôi Sao Đỏ (Redstar Group), được thành lập ngày 17/11/2017, đặt trụ sở tại 541A-C đường Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 19/03/2022 tại Bảo Lộc, đơn vị phát triển dự án đã tổ chức giới thiệu dự án Bảo Lộc Gems Paradise III.

Các sản phẩm tại dự án được mở bán với mức giá từ 650 triệu đồng/sản phẩm.