Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an điều tra vụ chuyển nhượng đất không qua đấu giá tại Cà Mau

Theo Thanh tra Chính phủ, trong quá trình thực hiện dự án Khu dân cư Thạnh Phú, năm 2016, Công ty TNHH Thiên Tân nhận chuyển nhượng hơn 13.560 m2 đất của Công ty phát triển nhà Cà Mau với giá hơn 15,5 tỷ đồng. Tại thời điểm chuyển nhượng, Công ty phát triển nhà Cà Mau không xin ý kiến chủ sở hữu phần vốn Nhà nước.

Mặt khác, khi chuyển nhượng, không xác định lại giá trị tại thời điểm chuyển nhượng, không tổ chức đấu giá là vi phạm quy định tại khoản 3 điều 16 Quy chế Quản lý tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 9/QĐ-HĐQT ngày 6/10/2016 của HĐQT Công ty phát triển nhà Cà Mau.

Điều đáng lưu ý, giá trị theo hợp đồng chuyển nhượng so với giá trị tính theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất do UBND tỉnh Cà Mau ban hành đối với phần đất 13.560 m2 có sự chênh lệch giá rất lớn (hơn 11 tỷ đồng).

Khu dân cư Thạnh Phú do Công ty TNHH Thiên Tân làm chủ đầu tư
Khu dân cư Thạnh Phú do Công ty TNHH Thiên Tân làm chủ đầu tư. Ảnh: Sài Gòn Online

Với những sai phạm trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hướng xử lý đối với nội dung phản ánh của tập thể cán bộ hưu trí tỉnh Cà Mau.

Đối với Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật tương xứng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến các vi phạm như đã nêu trong phần kiểm tra, xác minh và kết luận.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị chuyển thông tin sang Cơ quan CSĐT Bộ Công an để điều tra làm rõ việc chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 13.560 m2 đất của Công ty phát triển nhà Cà Mau cho Công ty TNHH Thiên Tân theo quy định tại điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 (vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí).

Thanh Hóa chuẩn bị xây dựng khu thương mại tổng hợp hơn 100 tỷ đồng

Tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu thương mại tổng hợp với mức vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng.

Theo đó, dự án có diện tích là 9.449,3 m2 tại phường Lam Sơn (TP Thanh hóa) với mức vốn đầu tư của dự án là 110.590.000.000 đồng. Mục tiêu là đầu tư xây dựng, kinh doanh khu thương mại tổng hợp như dịch vụ lưu trú ngắn ngày, nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động…

Dự án bao gồm các hạng mục: khu lưu trú, thương mại, khu dịch vụ ẩm thực, khu thương mại, nhà điều hành và các hạng mục công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật.

Nhà đầu tư được chấp thuận là Công ty cổ phần may Thanh Hóa (phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa). Nhà đầu tư phải hoàn thành đưa dự án vào hoạt động chậm nhất trong thời gian 24 tháng kể từ ngày được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất

Quyết định cũng nêu rõ, trong thời gian 12 tháng, nếu nhà đầu tư không hoàn thành thủ tục, hồ sơ để được chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất thực hiện dự án theo quy định thì quyết định chấp thuận này không có giá trị pháp lý, phía nhà đầu tư sẽ không được bồi thường, hỗ trợ bất kỳ các khoản kinh phí đã đầu tư, chi phí liên quan...

Dự án Vành đai 4 vùng thủ đô có nguy cơ chậm tiến độ

Theo TTXVN, Ban chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội họp, nghe báo cáo tiến độ và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn để dự án đạt các mốc tiến độ như Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội đề ra.

Theo Ban chỉ đạo dự án, đến nay mới phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) và hai (xây dựng đường song hành) thuộc phần việc của thành phố Hà Nội.

Các dự án thành phần do UBND tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh thực hiện vẫn đang trong quá trình thẩm định, tiến độ bị chậm theo Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ, trong đó đặt ra yêu cầu phê duyệt xong các dự án thành phần trong tháng 1/2023 và có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ khởi công dự án.

Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở 2 tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên hiện cao hơn so với phê duyệt tại Nghị quyết số 56 của Quốc hội. Tỉnh Hưng Yên dự kiến tổng mức đầu tư gần 6.000 tỉ đồng, vượt khoảng 2.200 tỉ đồng; tỉnh Bắc Ninh dự kiến tổng mức đầu tư hơn 4.100 tỉ đồng, vượt 1.700 tỉ đồng. Riêng Hà Nội thấp hơn khoảng 8 tỉ đồng.

Về công tác giải phóng mặt bằng, Hà Nội phê duyệt phương án thu hồi 276/796 héc-ta, đạt gần 35%; đã di chuyển trên 5.000 ngôi mộ, đạt hơn 4%. Hà Nội cũng đã phê duyệt gần 2.500 tỉ đồng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.

Tỉnh Bắc Ninh có 340 héc-ta đất bị thu hồi và trên 3.000 ngôi mộ bị ảnh hưởng, nhưng đến nay tỉnh này chưa chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tỉnh Hưng Yên cũng phải thu hồi 263 héc-ta đất và di dời trên 3.300 ngôi mộ song đến nay, tỉnh mới tạm ứng 42 tỉ đồng để các huyện trả cho người dân di chuyển mồ mả.

Dự án Vành đai 4 vùng thủ đô có nguy cơ chậm tiến độ.
Dự án Vành đai 4 vùng thủ đô có nguy cơ chậm tiến độ.

Theo Cổng thông tin UBND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án Vành đai 4 – vùng thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, kinh nghiệm của Hà Nội là yêu cầu các quận, huyện có dự án đi qua lấy đất đấu giá để tái định cư cho người dân, vì đất này thường ở vị trí thuận lợi; trong khu đất đấu giá lại chọn những vị trí có điều kiện kinh doanh tốt nhất để làm tái định cư. Nhờ đặt lợi ích của người dân lên ưu tiên hàng đầu nên được ủng hộ, công tác giải phóng mặt bằng đang thuận lợi.

Về phía tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên, dù đưa ra cam kết bàn giao mặt bằng đúng thời hạn, nhưng cả 2 tỉnh đều xin khởi công muộn hơn song sẽ trong năm 2023. Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cũng đề xuất thống nhất phê duyệt dự án thành phần theo tổng mức đầu tư thực tế trên cơ sở báo cáo khả thi, phần chênh lệch giao cho địa phương tự quyết định nguồn.

Ban chỉ đạo Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng thủ đô thống nhất, sau khi tổng hợp ý kiến, kiểm tra những khó khăn, vướng mắc trong phương án đền bù giải phóng mặt bằng và tổng mức đầu tư vốn của 2 tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên sẽ kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, đề xuất ra nghị quyết của Chính phủ về giải pháp tháo gỡ cho dự án.

Vành đai 4 – vùng thủ đô Hà Nội dài 112 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó đoạn qua Hà Nội 58, km, đoạn qua Hưng Yên hơn 19 km, đoạn qua Bắc Ninh trên 25 km và tuyến nối dài 9,7 km. Điểm đầu dự án tại điểm nối cao tốc Hà Nội – Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài – Hạ Long. Tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Dự án phố chợ Gò Đen tại Long An

Phối chợ Gò Đen có vị trí tọa lạc tại đường Bờ Cua, xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Dự án nằm cạnh tuyến đường Quốc lộ 1A, nối liền đến thành phố Hồ Chí minh qua tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Xa lộ Đại Hàn và cách trung tâm huyện Bến Lức chỉ khoảng 15 phút di chuyển.

Phố chợ Gò Đen có tổng diện tích quy hoạch 9.513 m2, mật độ xây dựng 44,77%, đất dịch vụ công cộng 9,04%, mật độ phủ xanh 3,86%, phần còn lại dành cho diện tích giao thông và hạ tầng nội khu.

Dự án được thiết kế với mô hình đất nền nhà phố, cung cấp ra thị trường 42 lô. Diện tích trung bình từ 75 – 240 m2, hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh và sở hữu đường nội khu rộng từ 14 – 17 m.

Mặt bàng phân lô dự án Phố chợ Gò Đen
Mặt bàng phân lô dự án Phố chợ Gò Đen.

Dự án Phố chợ Gò Đen sở hữu những tiện ích nội khu bao gồm: Công viên, trường mầm non, khu thương mại dịch vụ, chốt bảo vệ. Bên cạnh đó, từ dự án cư dân di chuyển đến các tiện ích ngoại khu lân cận như: Nằm cạnh THPT Gò Đen và chợ Gò Đen; 5 phút di chuyển đến thị trấn Bến Lức, chợ Bình Chánh, KCN Vĩnh Lợi 2; 15 phút di chuyển đến TTHC Tân An, quận Bình Tân…

Chủ đầu tư dự án Phố chợ Gò Đen Long An là Công ty TNHH Bất động sản Thanh Thái TVK, đơn vị phát triển dự án BenThanh Invest.

Công ty TNHH Bất động sản Thanh Thái TVK được thành lập ngày 19/01/2019, đặt trụ sở tại đường số 1, ấp Long Thạnh, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Các lô đất tại dự án Phố chợ Gò Đen hiện đã được xây dựng hệ thống hạ tầng hoàn thiện. Các sản phẩm có mức giá từ 2,2 tỷ đồng/nền.